CN.CTT.C
Hồng ân Thánh Thần…
(Cv 2, 1-11; 1 Cr 12, 3b-7.12-13; Ga 20, 19-23)
Có một câu chuyện vui được thuật lại như sau về ngày lễ Chúa Thánh Thần: Một giáo xứ nọ, lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống cũng đã gần kề. Năm đó, cha xứ có ý định tổ chức mừng lễ Chúa Thánh Thần to hơn, hoành tráng hơn những năm khác nên buộc các giáo họ có những tiết mục diễn nguyện với chủ để xoay quanh Chúa Thánh Thần. Kịch thế nào cũng được, miễn là liên quan đến Chúa Chúa Thánh Thần và không sai lạc đức tin. Thế là đêm diễn nguyện cũng được tổ chức rất hoành tráng. Các tiết mục của giáo họ-giáo khu diễn rất đạt.
Các chú và cha xứ cũng muốn thể hiện một tiết mục, được sắp xếp cuối chương trình. Khán giả vừa tò mò, vừa tập trung xem trình diễn của cha xứ. Tiết mục đến hồi gay cấn và đỉnh điểm, vì theo chương trình thì Chúa Thánh Thần sẽ xuất hiện dưới hình dáng một con chim bồ câu. Cha xứ làm động tác để Chúa Thánh Thần xuất hiện. Ngài làm lần thứ nhất, không thấy Chúa Thánh Thần xuất hiện, lần hai lần ba cũng không thấy. Cha xứ bực mình quát to lên: “Chúa Thánh Thần ở đâu rồi”. Ông Hội đồng Mục vụ run như cầy sấy: “Con xin lỗi. Cha giao cho con nhiệm vụ bảo vệ Chúa Thánh Thần, nhưng con vừa đi hút một điếu thuốc thì con mèo của cha đã ăn mất Chúa Thánh Thần rồi”. Cha xứ mới nhẹ giọng với khán giả: “Kính thưa quý khán giả, đáng lẽ đây là giây phút tuyệt vời nhất vì Chúa Thánh Thần xuất hiện, nhưng chúng tôi sơ ý đã để cho mèo ăn mất Chúa Thánh Thần rồi, mong khán giả thông cảm”.
Trong lúc bối rối, ông Hội đồng Mục vụ và cả cha sở lẫn lộn giữa chim bồ câu và Chúa Thánh Thần. Bởi vì, chim bồ câu được sử dụng làm biểu tượng của Chúa Thánh Thần, Ngài không phải là bồ câu bị con mèo ăn mất! Hình ảnh bồ câu đó được thánh sử Luca tường thuật: “Khi Ðức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì kìa các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người” (Lc 3, 16-17). Chim bồ câu cũng là một biểu tượng của sự trong sáng, sự giản dị, hòa bình, và hy vọng. Ngoài ra, chim bồ câu còn biểu thị cho sự thăng hoa của tình yêu. Chính vì thế, Chúa Thánh thần được biết đến như là sự hy vọng, bình an, hòa bình và tình yêu tái sinh. Bên cạnh đó còn biểu tượng khác như trong Cv đề cập đến: “Họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2, 3-4): Lưỡi tượng trưng cho lời nói-ngôn sứ; Lửa tượng trưng cho sự thanh luyện, cho tình yêu và lòng nhiệt thành, lưỡi lửa: trở nên chứng nhân của tình yêu và lòng nhiệt thành như “Ba Ngôi Thiên Chúa”.
Chúa Thánh Thần đang ra sức biến đổi thế giới này trở thành thế giới của Thiên Chúa, qua sự cộng tác của nhân loại khi xây dựng xã hội trong công bình và bác ái với 7 hồng ân:
Ơn Khôn Ngoan Giúp phân biệt điều phải, điều trái.
Ơn Hiểu Biết hiểu biết sâu xa hơn những điều Chúa và Giáo Hội dạy.
Ơn Biết Lo Liệu giải quyết mọi khó khăn trong đời sống.
Ơn Sức Mạnh chu toàn việc bổn phận và vượt qua mọi khó khăn.
Ơn Thông Minh nhận ra thánh ý Chúa.
Ơn Ðạo Ðức tin yêu Chúa và giúp đỡ anh em.
Ơn Kính Sợ Thiên Chúa tôn kính sự công bằng và quyền năng của Chúa và sợ phạm tội xúc phạm đến Ngài.
Bên cạnh đó là 12 hoa trái:
1. Bác Ái Giúp làm mọi việc vì mến Chúa.
2. Vui Vẻ Giúp nhận biết lòng nhân từ của Chúa.
3. Bình An Kết quả của niềm vui, làm cho ta được thư thái.
4. Kiên Nhẫn Chịu đựng những nghịch cảnh ở đời và những đau khổ do sự chết gây nên.
5. Nhân Từ Thôi thúc ta làm sự lành cho mọi người.
6. Hòa Nhã Phát sinh do lòng nhân từ trong lời nói và trong việc làm.
7. Nhẫn Nại Làm ta kiên nhẫn chịu đựng lâu dài dù không có những khích lệ bên ngoài.
8. Hiền Lành Kìm hãm nóng giận.
9. Tin Tưởng Trung thành, thẳng thắn trong những giao tế với mọi người.
10. Nhã Nhặn Làm phát sinh điều độ, chừng mực trong hành động bền ngoài.
11. Tiết Ðộ Chế ngự những dục vọng.
12. Trong Sạch Giúp canh phòng ngũ quan để chúng không trở nên dịp tội cho ta; giúp ta coi thân xác mình và thân xác người khác như đền thờ Chúa Thánh Thần.
Đặc biệt, tác động của Thánh Thần được thấy rõ nét trong đời kitô hữu là hàn gắn mọi vết thương do tội, do chia rẽ bất đồng để đạt tới sự hiệp nhất trong yêu thương. Xưa kia, con cháu ông Noé đang nói cùng một ngôn ngữ, hiểu nhau và sống đoàn kết. Thế nhưng kiêu ngạo xây tháp Babel cao hơn trời để tỏ mình cao hơn Thiên Chúa, họ bị chia rẽ, lún sâu vào hố tội lỗi, làm cho mỗi người nói một thứ tiếng ; không còn hiểu và thông cảm cho nhau. Chúa Thánh Thần ngự đến thiết lập lại sự hiệp nhất : Thánh Thần mà các Kitô hữu lãnh nhận qua Bí tích Rửa tội, Bí tích Thêm sức là Thánh Thần đem lại bình an: bình an của ơn tha thứ và hòa giải. Hiệu quả của Chúa Thánh Thần là làm cho mọi người tuy khác biệt về màu da chủng tộc, ngôn ngữ mà vẫn có thể hiểu nhau và hiệp nhất thành một cộng đoàn Giáo hội.
Chúa Thánh Thần vẫn luôn hoạt động – đổi mới, nhưng mỗi kitô hữu đã đón nhận Ngài thế nào ? đã sống làm sao với 7 hồng ân và 12 hoa trái được trao ban?
Lm. Jos. PHẠM, SCJ
Tin cùng chuyên mục:
Các bài Suy niệm Lễ Đức Mẹ Mân Côi: Con Thiên Chúa xuống thế để ở với con người
Chúa nhật XXVI thường niên năm A: Đường lối của Thiên Chúa và của con người
Ngày 30/09: Thánh Giêrônimô, Linh mục – Tiến sĩ Hội Thánh
Thứ bảy tuân XXV thường niên: Phải vượt gian khổ mới hy vọng đạt được vinh quang