CẢM NGHIỆM HÀNH TRÌNH HỌC TẬP MỤC VỤ
TUẦN THÁNH – PHỤC SINH 2021
“Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”
(Tv 118, 29)
Những món quà
Năm nay là một năm thật đặc biệt trong chặng đường đức tin của anh em chúng tôi, những tu sĩ SCJ. Đi qua giữa mùa Chay thánh, những sinh hoạt nhà thờ bị ngăn trở vì đại dịch Covid 19 mới được khôi phục lại tại Tổng Giáo Phận (TGP) Sài Gòn. Tạ ơn Chúa vì đã cho chúng con sống thời gian trọng đại của năm Phụng vụ mà hơn hết là được cùng Chúa bước những bước thật đẹp của tình yêu cứu độ, tình yêu nhân loại nơi Đức Giêsu Kitô.
Hầu hết, anh em chúng tôi đều được đi trải nghiệm hành trình học tập mục vụ trong tuần Thánh nơi các giáo xứ, có anh em ở lại Sài Gòn, có anh em về Bình Phước. Cách riêng, người viết được trải nghiệm đời sống đức tin đạo đức tại xứ đạo Bình Đông, quận 8, Sài Gòn.
Tĩnh Tâm Thiếu Nhi Thánh Thể
Vì được phép sinh hoạt tôn giáo như bình thường khá trễ (gần hết mùa Chay), nên mọi công việc chuẩn bị cho Tuần Thánh cũng hết sức gấp rút. Anh em chúng tôi được phép chuẩn bị chia sẻ tĩnh tâm cho các em Thiếu nhi Thánh Thể giáo xứ Bình Đông, một công việc khá mới mẻ đòi hỏi nhiều chuẩn bị trước, đặc biệt là việc chọn ý tưởng và dọn bài chia sẻ sao cho phù hợp với các em. Tạ ơn Chúa vì mọi việc diễn tiến suôn sẻ và bình an.
Tuần Thánh
Khởi đi từ Chúa nhật lễ lá, không khí náo nhiệt đến lạ thường, hân hoan và vui tươi, để rồi ít hôm thôi, phụng vụ dẫn mọi người vào cuộc thương khó của Chúa Giêsu, tiến đến cái chết và sự phục sinh của Người.
Truyền thống tốt đẹp của giáo xứ còn được lưu lại qua việc thực hành lòng đạo đức bình dân ngắm mười lăm sự thương khó Đức Chúa Giêsu và dâng hạt vào các buổi chiều tối thứ hai đến thứ tư Tuần Thánh.
Thứ ba và thứ tư tuần thánh
Hai anh em chúng tôi được sự hướng dẫn của cha sở và được giao nhiệm vụ đi trao Mình Thánh Chúa cho các bệnh nhân và người già, kẻ liệt. Một trải nghiệm khá mới mẻ và nhiều tâm sự. Vẫn còn đó những mảnh đời bất hạnh, kém may mắn nơi những con người cùng khổ, tuy nhiên, gương họ sống đức tin và luôn tín thác vào Chúa làm chúng tôi khá xúc động. Tạ ơn Chúa vì anh em chúng tôi vẫn còn may mắn và hạnh phúc hơn rất nhiều.
Khi đến thăm và trao Mình Thánh Chúa cho họ, anh em chúng tôi cảm nhận được cái nghèo vật chất của họ, có những người sống trong căn nhà chật hẹp đến nỗi chúng tôi phải đứng ngoài đường để hướng vào nhà mà trao Mình Thánh. Tuy nhiên, họ có một đức tin và lòng tín thác mạnh mẽ nơi tình yêu Thiên Chúa. Xúc động trước hoàn cảnh khó khăn của họ, anh em chúng tôi chẳng ai bảo ai cũng lấy tiền túi mà len lén dúi cho họ một ít tiền làm quà Phục Sinh mặc dù anh em chúng tôi chẳng có gì nhiều. Tôi thấy niềm vui ánh lên trong mắt họ mà quan trọng hơn tôi phải cảm ơn họ, vì họ dạy cho tôi bài học biết trân quý cuộc sống này, trân quý thánh lễ và các giờ kinh nguyện…
Tam nhật Thánh
Được phân công nhiệm vụ dẫn lễ và nghi thức Tuần Thánh, anh em chúng tôi có cơ hội tìm hiểu lại, đọc rõ hơn những hướng dẫn cụ thể từ Sách lễ Rôma về các lễ nghi phụng vụ, bên cạnh đó còn tìm hiểu truyền thống thực hành các nghi lễ ấy nơi giáo xứ. Cách riêng, với bản thân tôi, câu chuyện phụng vụ luôn là đề tài hấp dẫn để tôi học hỏi và nghiên cứu. Đi vào tính lịch sử của các lễ nghi phụng vụ nói chung và Tuần Thánh nói riêng, cho tôi cơ hội hiểu thêm về truyền thống và ý nghĩa của các lễ nghi ấy.
Thánh lễ tiệc ly chiều thứ năm Tuần Thánh khởi đầu cho Tam nhật Vượt Qua được cử hành long trọng, sau thánh lễ là buổi cung nghinh Thánh Thể quanh nhà thờ và chương trình cầu nguyện một giờ với Chúa.
Cử hành lễ nghi phụng vụ chiều thứ sáu Tuần Thánh mà cao điểm là nghi thức suy tôn thánh giá mang lại cho chúng tôi nhiều cảm xúc. Tạ ơn Chúa vì Chúa đã chịu chết vì tội lỗi chúng con. Sau nghi thức suy tôn thánh giá ban chiều thì buổi tối giáo xứ tổ chức giờ diễn nguyện và ngắm đứng mười lăm sự Thương Khó Đức Chúa Giêsu. Một cử hành của lòng đạo đức bình dân thể hiện một đức tin mạnh mẽ và am hiểu Kinh thánh đến lạ thường chứng tỏ sự khôn ngoan của Thiên Chúa ban cho các nhà truyền giáo khi đến Việt Nam.
Ngược dòng lịch sử, dân ta thời ấy phần lớn không biết chữ, mà Kinh Thánh và những lễ nghi phụng vụ nếu không được giải thích thì khó mà am hiểu ngọn nguồn. Ấy thế mà các nhà truyền giáo đã nghĩ ra cách soạn ngắm đứng mười lăm sự Thương Khó (miền Nam gọi là Lễ đèn) để giúp các tín hữu hiểu những đoạn quan trọng trong Kinh Thánh khi nói về biến cố tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu Kitô nhằm giúp tín hữu sống đức tin của mình. Mặc dù một đôi chỗ không đúng ý nghĩa Kinh Thánh cho lắm, tuy nhiên giữa những xô bồ của cuộc sống hiện đại, cung ngắm đứng vẫn vang lên êm ả thanh thoát và sầu thương, đã đưa mọi người đi vào cầu nguyện với những tâm tình thật đẹp và đơn sơ biết bao. Buổi diễn nguyện kết thúc lúc gần nửa đêm nơi mồ thánh dưới tầng hầm nhà thờ đã để lại cho mọi người và chúng tôi một cảm xúc trơ vơ khó tả nhưng cũng đầy tín thác. Tạ ơn Chúa vì Ngài đã chịu sỉ nhục, chịu đóng đinh, chịu chết vì tội lỗi chúng con.
Thứ bảy Tuần Thánh, từ sáng đến chiều lần lượt các hội đoàn mặc lấy tâm tình của những người phụ nữ đạo đức năm xưa mà viếng Chúa và cầu nguyện nơi mồ thánh. Chập choạng tối, thánh lễ canh thức Vọng Phục Sinh diễn ra long trọng và ấm cúng. Đặc biệt dịp này có 3 dự tòng được lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy. Tạ ơn Chúa.
Chúa nhật Phục Sinh
Cao điểm của cuộc tử nạn của Chúa Giêsu là người đã sống lại khải hoàn vinh quang. Người đã sống lại, phá tan ách xích xiềng sự chết để khai mở một kỉ nguyên mới, như thánh Phaolô đã nói:
“Nếu kẻ chết không sống lại, thì Đức Kitô đã không trỗi dậy. Mà nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng. Thế ra chúng tôi là những chứng nhân giả của Thiên Chúa, bởi vì đã chống lại Thiên Chúa mà làm chứng rằng Người đã cho Đức Kitô trỗi dậy, trong khi thực sự Người đã không cho Đức Kitô trỗi dậy, nếu quả thật kẻ chết không trỗi dậy. Vì nếu kẻ chết không trỗi dậy, thì Đức Kitô cũng đã không trỗi dậy. Mà nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em.” (1Cr 15, 13 – 17)
Thánh lễ đồng tế ban chiều khởi đầu với nghi thức rước kiệu Chúa Phục Sinh đã tăng thêm phần long trọng, sốt sắng và ấm cúng cho thánh lễ mừng Chúa sống lại.
Tắt một lời, khi viết những dòng này, người viết đã đi qua trọn vẹn cảm xúc của một mùa Chay thánh nồng nàn đầy ơn Chúa. Có nét đơn sơ chân thành quay về bên Chúa, có niềm vui trong ngày Chúa lập Bí tích Thánh Thể và Bí tích Truyền Chức thánh, có nỗi buồn vương trên mắt ngày Chúa chịu tử nạn trên đồi Canvê xưa, có niềm vui háo hức mừng Chúa sống lại hiển vinh. Tạ ơn Chúa vì Ngài đã sống lại, đã yêu chúng con bằng một trái tim rất người song cũng rất Chúa.
Anh em chúng con tạ ơn Chúa vì tất cả và cũng biết ơn những người đã đang và sẽ luôn âm thầm hỗ trợ chúng con về mọi mặt trên bước đường dâng hiến, xin luôn yêu thương và tiếp tục cầu nguyện cho nhau. Chúng con tâm thành tri ân!
Tác giả bài viết: Phêrô Hà – Giuse Thanh
Tu sĩ SCJ
Tin cùng chuyên mục:
Dự án Nhà Mẹ Lavang-Fatima và đại lễ khánh thành và làm phép tượng đài Đức Mẹ Lavang-Fatima do Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng chủ tế
Ngôn ngữ của tình yêu
Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới Truyền giáo 2023
Thứ tư tuần XXVI thường niên, Thánh Phaxicô Assisi: Không có gì quí hơn là Thập Giá của Đức Kitô