Các Thánh tử đạo tại Việt Nam

56 lượt xem Suy Niệm
unnamed 2

CN.XXXIII.TN.A

 

Ngày 5 tháng 3 năm thánh 2000, Giáo hội Việt Nam đón nhận niềm vui khi Ðức Gioan Phaolô II tôn phong lên bậc chân phước một thanh niên Việt Nam, tử đạo ngày 26 tháng 7 năm 1644, được biết dưới tên thánh Anrê, 19 tuổi và đồng thời cũng là thầy giảng, được coi là vị tử đạo đầu tiên.

Thầy gốc tỉnh Phú Yên (giáo xứ Mằng Lăng, Giáo phận Quy Nhơn), là con út của một phụ nữ tên thánh là Gioanna. Tuy chồng mất nhưng bà đã giáo dục con cái với tất cả lòng tận tụy và khôn ngoan. Anrê là một cậu bé mảnh khảnh, tư chất thông minh, có óc phán đoán tốt và tâm hồn hướng chiều về sự thiện. Do lời năn nỉ của người mẹ, cha Ðắc Lộ (Alexandre de Rhodes), vị linh mục thừa sai dòng Tên, đã nhận cậu Anrê vào số các môn sinh của ngài. Anrê chăm chỉ học chữ Nho và chẳng bao lâu trổi vượt các bạn. Thầy được lãnh nhận bí tích Rửa Tội cùng với mẹ ba năm trước khi bà qua đời, khi đó Anrê được 15 tuổi.

Một năm sau khi chịu phép Rửa Tội, Anrê được cha Ðắc Lộ nhận vào nhóm cộng sự viên thân tín của ngài. Và, sau một năm huấn luyện thêm về tôn giáo và văn hóa, thầy Anrê được gia nhập Hội Thầy Giảng gọi là “Nhà Ðức Chúa Trời” do chính cha Ðắc Lộ thành lập: các thành viên Nhà Ðức Chúa Trời cam kết, bằng lời hứa chính thức và công khai, suốt đời phụng sự Giáo Hội trong việc giúp các linh mục và truyền bá Tin Mừng.

Tháng 7 năm 1644, quan Nghè Bộ trở lại tỉnh nơi thầy giảng Anrê sinh sống, mang theo sắc lệnh của chúa Nguyễn cấm truyền bá đạo Kitô trong nước: vì thế quan quyết định hành động trước tiên chống lại các thầy giảng. Ông cho lệnh bắt giam một thầy giảng lớn tuổi cũng có tên là Anrê và bao vây nhà cha Đắc Lộ để lùng bắt một thầy giảng khác có tên là Ignatio. Thầy Anrê trẻ là người duy nhất có mặt đứng ra nhận hết trách nhiệm, nên quân lính bắt trói thầy sau khi đã lục lọi các ảnh thánh và đồ thờ đem về trình cho quan trấn. Anrê vui vẻ đi theo họ, và trên suốt quãng đường “luôn nói về đạo Kitô và khuyến khích họ theo đạo”.

Nghe vậy quan tìm mọi cách làm cho Thầy Anrê “từ bỏ cái đạo điên rồ đó và bỏ lòng tin”, thế nhưng thầy luôn can trường tuyên xưng mình là kitô hữu và sẵn sàng đón nhận mọi ngục hình: “Chúng ta hãy lấy tình yêu để đáp trả tình yêu của Chúa chúng ta, hãy lấy mạng sống đáp trả mạng sống”. Thầy đón nhận phúc tử đạo bằng mấy nhát lao đâm thấu cạnh sườn bên trái, và sau cùng khi một người lính sắp dùng đao chém đầu, thầy lớn tiếng kêu lên “Giêsu”.

Một trong muôn ngàn tấm gương tử đạo là đây, luôn trung thành đến cùng để làm chứng cho Tình Yêu được đón nhận. Và, có thể thấy được nhiều lý do dẫn đến cảnh bách hại: vì ghen tương đố kỵ, hiểu lầm hay do những nguyên nhân chính trị. Trong vòng 300 năm, Giáo hội Việt Nam đã dâng cho Chúa trên dưới 130.000 chứng nhân anh dũng (117 tuyên phong hiển thánh), đã nhận lấy cái chết để làm chứng và tỏ lòng trung thành với Thầy Giêsu. Và như thế, vị tử đạo trước tiên là chứng nhân của và về Thầy Giêsu, như mọi chứng nhân khác trên bình diện đời sống. Cái chết “vì đạo” của người tử đạo là trong những cách thức biểu lộ đời chứng nhân chứ không phải làm thay đổi bản chất người chứng về đời sống Đức Tin.

Từ đó, “nếp sống tử đạo” nói cách khác là “nếp sống chứng nhân Tin Mừng” được thể hiện qua đời hy sinh, đáp trả lời mời gọi nên hoàn thiện mỗi ngày “như Cha trên trời là Đấng toàn hảo” (Mt 5, 48), trở nên thánh như Cha trên trời là Đấng Thánh (Lv 19, 1-2). Đời sống tử đạo đó được thể hiện qua 3 mẫu gương: tử đạo đỏ, là đổ máu đón nhận cái chết vì Thiên Chúa; tử đạo trắng, sống đời hi sinh, hãm mình, cầu nguyện; tử đạo xanh, chấp nhận bị đọa đày, tù ngục để làm chứng cho Đức Tin. Chính vì thế trong cuốn Tự Thuật, thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu viết: “Tôi cảm thấy tôi có ơn gọi làm chiến binh, tông đồ, tiến sĩ và tử đạo. Tử đạo là giấc mơ trong tuổi trẻ của tôi. Và giấc mơ ấy đã trở thành mãnh liệt, khi tôi ở trong bốn bức tường của Nhà Kín. Nhưng tôi cảm thấy rằng giấc mơ đó là một sự điên rồ và vì thế tôi đã hiểu tình yêu qui tụ mọi ơn gọi của tôi. Vâng, cuối cùng tôi đã khám phá ra ơn gọi của tôi: ơn gọi của tôi là yêu mến…”.

Đúng thế, Yêu Mến chính là suối nguồn đời sống kitô hữu và là động lực sống đời tử đạo, đời chứng nhân. Một đời sống tử đạo được thánh Phaolô chia sẻ cụ thể trong thư gửi giáo đoàn Roma: “Tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, hiên thần hay ma vương qủy lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, chiều cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thụ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Kitô Chúa chúng ta” (x. Rm 8, 35-39).

Kitô hữu ngày nay không đối diện với tình trạng bách đạo đầy khắc nghiệt và thử thách như xưa từ các vua chúa, nhưng đang đối diện với nhiều kiểu bách đạo khác không kém phần khắc nghiệt từ thứ: “tôn giáo kinh tế” tôn thờ Tiền Của-Mamon-Thần Tài; “tôn giáo quyền lực” chèn ép nhau vì những lợi ích riêng; “tôn giáo hưởng thụ” chỉ biết ngập chìm trong những thú vui; để rồi đạt đến đỉnh điểm bách hại là “tôn giáo vô cảm”…

Sống đời tử đạo Kitô, mỗi kitô hữu, tôi đang sống như thế nào để làm chứng cho Đức Tin, cho Tin Mừng, cho Thiên Chúa Tình Yêu của mình?