Đấng Sáng Lập

 

Đấng sáng lập dòng – Fr. Leo Dehon

founder img

Cha Leo John Dehon sinh tại làng La Capelle, thuộc Giáo phận Soissons, miền bắc nước Pháp, ngày 14 tháng 3 năm 1843. Tuổi thơ ấu của Leo Dehon trôi qua êm ả dưới sự dẫn dắt của người mẹ, Stéphanie Vandelet, đạo đức và mẫu mực. Từ rất sớm Leo Dehon nhận thấy mình được cuốn hút theo ơn gọi trở thành linh mục nhưng người cha của Leo Dehon, Alexandre Dehon, không tán thành ý định ấy. Sau khi hoàn tất chương trình phổ thông, Leo Dehon đã theo học ngành Luật dân sự tại Paris theo kỳ vọng của cha mình. Ngày 02 tháng 4 năm 1864, 21 tuổi, Leo Dehon nhận bằng tiến sĩ Luật cùng với sự cảm kích của ban hội thẩm Đại học này.

Trong chuyến du ngoạn ở Palettin, Leo Dehon cảm thấy xác tín hơn nữa cho ơn gọi của mình. Khi dừng chuyến du ngoạn tại Roma, Leo Dehon quyết định gia nhập chủng viện Saint – Claire Pháp tại Ý. Từ đó, Leo Dehon theo học triết – thần tại Đại học Gregorio và học Giáo Luật tại Apolinario. Leo Dehon đã xuất sắc đạt được tiến sĩ Thần học và Giáo Luật. Cũng chính tại Roma, Leo Dehon được trao chức cắt tóc[1], kế đến là cách thức khác như đọc sách, giữ cửa,… Leo Dehon được thụ phong linh mục bởi Đức Hồng y Patrizi vào ngày 19 tháng 12 năm 1868 tại Vương cung thánh đường Thánh Gioan Latêranô nước Ý.

Trong biến cố này, Cha Dehon đã viết lại niềm vui của mình như sau: “Tôi đã hát[2] Thánh lễ đầu tiên của mình tại chủng viện. Đây là ngày vui đẹp nhất đời tôi. Suốt một năm liền, tôi không thể cử hành Thánh lễ mà không khóc. Tôi không muốn nghe nói về chuyện bổng lễ. Thật vậy, tôi cảm thấy ghê tởm việc đồng hóa chuyện tiền bạc với cử hành Thánh. Thiên Chúa chúng ta[3] muốn tôi cử hành Mầu nhiệm Thánh này cho chính Ngài trong lòng yêu mến với lòng đền tạ.”

Cha Dehon tham dự vào Công đồng chung Vatican với tư cách là một người viết tốc kí. Trước khi trở về Giáo phận của mình[4], trong thư gửi cho cha mẹ mình, Cha đã viết như sau: “Con sắp rời khỏi Roma. Chính nơi đây, nhờ ân sủng của Thiên Chúa con đã trải qua và tận dụng những năm tháng này với thật nhiều ý nghĩa và con chỉ có thể hiểu biết những ý nghĩa ấy là thuộc trời cao.”

Trong sổ lưu bút của Chủng viện Saint-Claire Pháp ở Roma đã ghi lại những dòng sau: “Leo Dehon là một người nhiều tài năng, đức tính kinh xuất và rất tuyệt cả về đời sống đạo đức và thường nhật. Đây là một trong những học trò xuất sắc nhất; Leo Dehon cũng được nhận định rất tích cực dưới nhiều phương diện: đạo đức, khiêm tốn, nghiêm túc, chuyên cần, và rất dễ mến. Đây là người sẽ mang lại nhiều hứa hẹn cho tương lai.”

[1] Phụng vụ mà trong đó Đức Giám Mục cắt một mảng tóc thành hình vầng tròn trên một thụ nhân mang áo Giáo Hội. Chức cắt tóc không phải một chức thánh, nhưng nó là một điều kiện để lãnh nhận một chức thánh bởi nó nói lên sự ngưng, không còn ở thân phận giáo dân nữa và bước vào thân phận giáo sĩ. Olivier de La Brosse, Antonin –Marie Henry, Philippe Rouillard, Dictionnaire de la Foi Chrétienne, Les mots, T.1, p. 781.
[2] Trước đây trong Phụng vụ linh mục cử hành thánh lễ bằng cách đọc hoặc hát.
[3] Nhóm từ “Notre-Seigneur” (Thiên Chúa chúng ta; hay Anh ngữ: “Our Lord”) rất được ưa thích sử dụng trong các bài viết của Cha Dehon.
[4] Giáo phận Soissons và Ngài sẽ là Cha phó của giáo xứ Saint-Quentin trong địa phận này.

Vào năm 1871, Cha Leo Dehon được bổ nhiệm là Linh mục phó thứ bảy[5] ở giáo xứ Saint-Quentin. Giáo xứ này nằm trong trung tâm của một thành phố nhỏ. Thành phố này là một trung tâm công nghiệp quan trọng và là nơi sinh sống của những người dân lao động. Họ làm việc và sinh sống trong những điều kiện khá khắc khổ và cũng chính trong những điều kiện sống này mà đời sống tâm linh cũng như phong tục tập quán của họ bị ảnh hưởng khá lớn.
Cha Leo Dehon, người tôi tớ của Thiên Chúa, đã sẵn sàng dâng hiến chính mình cho giáo xứ này và vì thế Cha đã trở nên một người tông đồ hoạt động xã hội hữu hiệu. Thật thế, chỉ vài năm sau khi đến giáo xứ này, Cha Dehon, một người trầm lặng và đầy nghị lực, đã đảm trách khá nhiều công việc và hoạt động khác nhau: Linh mục phó xứ, người thành lập hội bảo trợ cho hơn 450 công nhân trẻ; thư kí hội nghiên cứu xã hội của hàng giáo sĩ; thư kí của văn phòng mục vụ công tác xã hội của địa phận[6]; là người chủ nhiệm của một tờ báo Công giáo; Cha giải tội và là Cha Giám đốc của Dòng Nữ Tỳ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Liên quan về những hoạt động tông đồ của Cha Dehon, Đức Hồng y Binet về sau đã nói như sau: “Suốt 25 năm qua, trong những khởi xướng cho các hoạt động tôn giáo tại Saint-Quentin, phải chăng chúng ta đã không nhìn thấy bàn tay và nhất là tâm hồn vĩ đại của Cha Dehon sao?”.
Với lòng trung thành không lay chuyển trong các công việc và hoạt động hằng ngày, Cha Leo Dehon luôn biết dung hòa mọi hoạt động với đời sống tâm linh. Cha đã viết lại kinh nghiệm ấy như sau: “Tôi khao khát về đời sống nội tâm, sự bình an sâu thẳm và khao khát được kết hợp với Thiên Chúa chúng ta. Ngay từ những ngày còn trong chủng viện tôi đã hiểu và nếm thử đời sống tâm linh, việc kết hợp với Thiên Chúa chúng ta và sống theo lòng tin ấy với Ngài.”

[5]Giáo xứ này rất đông giáo dân và có đến bảy Linh mục phó.
[6]Cha Dehon cũng chính là người sáng lập văn phòng mục vụ này.

Năm 1876 Giám mục địa phận Soissons đã phong tặng Cha Dehon danh hiệu Kinh Sĩ Danh Dự[7] và chức vụ Linh mục phó thứ nhất của trường trung học công giáo Saint-Quentin.
Song, Thiên Chúa đặt để Cha Leo Dehon trong những chương trình riêng. Leo Dehon đã ấp ủ ước nguyện phục vụ Thiên Chúa bằng việc thành lập Dòng tu ngõ hầu thực thi và quảng bá lòng tôn kính Thánh Tâm Chúa Giêsu theo tinh thần yêu mến – đền tạ – và dâng hiến cách riêng cho Thánh Tâm bằng những hoạt động tông đồ thuộc lĩnh vực xã hội và truyền giáo. Cha chia sẻ qua những dòng sau: “kể từ thời niên thiếu, tôi đã sống ơn gọi tu sĩ nhưng thật ra tôi chưa biết lựa chọn cho mình việc sùng kính nào phù hợp. Song, tất cả lòng nhiệt huyết của tôi đều hướng về Thánh Tâm Chúa Giêsu và hướng về lòng đền tạ mầu nhiệm ấy. Bởi vì lòng sùng kính ấy mạc khải cho biết một cách nào đó thánh ý Thiên Chúa.”
Năm 1878 với sự tán thành và cổ võ của Đức Cha địa phận, cùng với sự cố vấn của quý cha linh hướng và các bậc hiền nhân, Cha Leo Dehon đã sáng lập Dòng Linh Mục Thánh Tâm. Về sau Thánh Gioan-Bosco đã nói về Cha Dehon như sau: “Cha Leo Dehon đã tuyên thệ 3 lời khấn: khiết tịnh, vâng phục và khó nghèo cùng với lời khấn khác là ‘toàn hiến’[8] vào ngày 28 tháng 6 năm 1878. Trong biến cố này, Cha Dehon đã thêm vào tên thánh Gioan, người môn đệ yêu mến của Chúa Giêsu, là đấng bảo trợ và khuôn mẫu cho lòng đền tạ, vào tên thánh rửa tội Leo và vì thế từ đó Cha được gọi là Leo John Dehon.
Cũng như tất cả công trình của Thiên Chúa, Dòng Linh Mục Thánh Tâm ban đầu cũng gặp những thách thức đôi khi là xáo trộn và gây nhiều đau xót. Song với sự che chở và bảo trợ của Thánh Tâm, Cha Leo John Dehon, vị đáng kính, đã không bị lay chuyển. Với sự thận trọng rất mực và một niềm tin bền vững, Cha đã dẫn dắt nhà dòng trong suốt 48 năm. Mặc dầu không thiếu những sóng gió cam go nhưng Cha Dehon đã biết từng bước củng cố nhà dòng còn non yếu này và đã làm cho nhà dòng này lan rộng ra hầu hết các nước thuộc Âu Châu, cả Bắc và Nam Mỹ cũng như đưa nhà dòng đến một số vùng truyền giáo khác.
Mỗi khi gửi những người con của nhà dòng đến những cánh đồng truyền giáo, Cha Dehon tín thác và nhắn nhủ: “Anh em là những ngọn lửa được thánh hiến… Anh em hãy đến với mọi dân và làm cho tâm hồn người ta nhận biết tình yêu của Thánh Tâm Chúa Giêsu.”
Song, trước hết Cha Dehon đòi hỏi nơi những người anh em ấy một đời sống tâm linh mạnh mẽ: “Ơn gọi chúng ta đòi hỏi một đời sống tâm linh và việc kết hợp với Thiên Chúa… hãy làm vui lòng Thiên Chúa, Đấng nhân lành, bằng việc thu thập thật nhiều trong Giáo Hội những tâm hồn dâng hiến cho Thánh Tâm bởi một tình yêu mãnh liệt. Hãy làm cho họ trở nên những người môn đệ biết yêu mến đời sống cầu nguyện và tự dâng hiến trước khi trở nên những tông đồ hoạt động nhiệt thành.”
Sau khi nhận được sự chấp thuận và cổ võ của Giám mục và hàng giáo sĩ Pháp, nhà dòng non trẻ này nhận được chiếu thư công nhận của Tòa Thánh (thời Đức Giáo Hoàng Lêô XIII) vào ngày 25 tháng 02 năm 1888.
Năm 1906, nhà Dòng Thánh Tâm nhận được phê chuẩn tạm thời từ Tòa Thánh và đến năm 1923 Hiếp pháp của nhà dòng được phê chuẩn.
Từ năm 1889, với đặc quyền nhận được từ Giám mục giáo phận, Cha Dehon đã thành lập và làm lớn mạnh Hội Tông Truyền Lòng Đền Tạ. Hội này được Đức Hồng y Pompili, phụ tá Giáo Hoàng, chứng nhận vào năm 1923 và hội này đã thu nhập được hàng ngàn linh mục cũng như những người giáo dân.
Theo mong mỏi của Đức Giáo Hoàng Lêô XIII[9] , người tôi tớ Thiên Chúa Leo John Dehon được chỉ định là người tư vấn trong Thánh Bộ kiểm duyệt[10]. Cũng vào năm 1923, nhân dịp sinh nhật thứ 80, Đức Piô XI[11] đã gửi tông thư cho Cha Dehon với những lời tán thưởng rất thân tình.
Sau khi đã dâng hiến hết đời mình cho Vương quyền Thánh Tâm Chúa Giêsu, Cha Leo John Dehon đã an nghỉ trong Chúa ngày 12 tháng 8 năm 1925 tại Bruxelles, nước Bỉ.
Vào tháng 05 năm 1952, các văn thư và hồ sơ đề nghị phong Thánh đã được chuyển đến Thánh Bộ Nghi Lễ của Tòa Thánh…
Vào năm 1997, Cha Leo John Dehon, người Tôi Tớ của Thiên Chúa, được Giáo Hội phong tặng tước hiệu Đáng Kính[12].

[7]Tước hiệu được ban cho một số giáo sĩ, không kèm theo chức vụ mà cũng không có bổng lộc. Olivier de La Brosse, Antonin-Marie Henry, Philippe Rouillard, Dictionnaire de la Foi Chrétienne, Les mots, T.1, p. 116.
[8]Tạm chuyển ngữ nghĩa của từ ‘victime’ trong Pháp ngữ thành ‘toàn hiến’ và thiết nghĩ được hiểu theo nghĩa: người tự hiến dâng bản thân mình làm của lễ hy tế cho Thiên Chúa, do tinh thần đền tội, đền bù, kết hiệp với của lễ hy tế của Đức Kitô chịu đóng đinh và chấp nhận trong tinh thần này những thử thách xảy đến cho mình.
[9]Giáo Hoàng từ năm 1878 đến năm 1903.
[10]Liên quan đến danh sách các sách bị cấm.
[11]Giáo Hoàng từ năm 1922 đến năm 1939.
[12]Tước hiệu Đáng Kính được phong ban cho một Tôi Tớ mà trong vụ án phong Chân Phước được đưa vào Roma và do đó, đang ở thời điểm đã được công bố sắc lệnh nói rõ mức độ anh hùng của các nhân đức hoặc tính chính thức của sự tuẫn đạo của vị Tôi Tớ Thiên Chúa này. Tước hiệu này chưa cho phép phụng tự công khai. Olivier de La Brosse, Antonin-Marie Henry, Philippe Rouillard, Dictionnaire de la Foi Chrétienne, Les mots, T.1, p. 806-807.

Cha Léon Dehon

1843 Sinh tại La Capelle
1856 Noël Lời gọi đầu tiên về ơn gọi linh mục
1859 Học Luật tại Paris. Cha tham gia Hội nghị thánh Vincent de Paul
1864 Tiến sĩ Luật, du lịch trong 8 tháng tại Trung Đông
1865 25/10 Gia nhập Chủng viện Pháp tại Rome
1868 19/12 Chịu chức linh mục tại Rome
1869-1870 Công đồng Vatican I: cha Dehon là người tốc kí
1870-1871 Tiến sĩ Triết Thần và Giáo Luật
1871 03/11 Cha Dehon nhận bài sai làm phó xứ tại St. Quentin
1872 06 Thành lập hội Bảo trợ Thánh Giuse
1873 Cha nhận bài sai làm tuyên úy cho Hội dòng Nữ tỳ Thánh Tâm Chúa Giêsu
1873 01/11 Cha thành lập Hội Công giáo Thợ tại St. Quentin
1874 22/08 Hình thành văn phòng những công trình của Giáo phận Soissons. Cha Dehon làm thư kí
1874 12 Cha Dehon lập nhật báo: « Le Conservateur de l’Aisne »
1877 06 Cha Dehon quyết định sáng lập Hội Tận hiến Thánh Tâm
1877 07 Thành lập trường trung học St. Jean tại St. Quentin
1878 28/06 Tiên khấn. Tu hội Linh mục Thánh Tâm Chúa Giêsu được thành lập
1883 Sáng lập Tu hội tại Hà Lan
1883 08/12 Rome giải thể Tu hội Tận hiến Thánh Tâm
1884 29/03 Rome cho phép thành lập Dòng địa phận Linh mục Thánh Tâm
1888 25/02 Bài ca ngợi ngắn của Đức thánh cha Léon XIII về Hội dòng
1888 11 Khởi hành truyền giáo đầu tiên tại Equateur
1889 Janv. Thành lập tạp chí Le Règne deu Cœur de Jésus dans les âmes et les sociétés
1894 Xuất bản cuốn Manuel Social Chrétien
1897 Hội thảo xã hội tại Rome
1900 10-13/09 Đại hội Công giáo tại Bourges. Cha Dehon thuyết giảng khai mạc
1990 Xuất bản cuốn La Vie d’Amour avec le Sacré Cœur de Jésus
1906 04/07 Phê chuẩn chính thức thành lập Hội dòng
1910 Cha Dehon làm một hành trình du lịch dài vòng quanh thế giới
1920 Kế hoạch xây dựng một vương cung dâng hiến cho Thánh Tâm tại Rome. Cha Dehon ủng hộ hết mình để thánh đường đó hoàn thiện năm 1939
1925 12/08 Ngài mất tại Bruxelles – Bỉ, an táng tại St. Quentin

Yves Ledure, Le Code du Royaume – Léon Dehon et la spiritualité du Coeur de Jésus, Clairefontainer Studien, 2001 p. 15-16