Linh Đạo

Lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu
Linh đạo cha Jean Léon Dehon

Đấng sáng lập
Hội dòng Linh mục Thánh Tâm Chúa Giêsu

founder img 2

 

L’ouverture du Coeur de Jésus est le mystère des mystères, le mystère d’amour qui nous est pleinement révélé par saint Jean
Trái tim bị đâm thâu của Chúa Giêsu là mầu nhiệm của những mầu nhiệm : mầu nhiệm tình yêu đã được mạc khải trọn vẹn bởi thánh Gioan.

La dévotion au Sacré-Coeur est le principe caché de toutes les oeuvres de charité et de zèle et la source du renouvellement de la foi
Lòng sùng kính Thánh Tâm là nguồn gốc ẩn giấu mọi công trình đức ái, lòng nhiệt tâm và là nguồn đổi mới đức tin.

Léon Dehon

Lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu được đánh dấu bởi thánh Jean Eudes và thánh Marguerite Marie. Trong 10 thế kỉ đầu của Giáo Hội, lòng sùng kính này chỉ được giữ trong tính cách cá nhân. Lịch sử của lòng tôn sùng đó thay đổi theo thời gian bởi những mạc khải của Đức Giêsu Kitô với thánh Bernard và Anselme, trong các bài suy niệm của Gertrude hay nữ tu Mechitilde, Marguerite de Cortone, Angèle de Foligno. Hào quang Thánh Tâm Chúa Giêsu phát triển dần trong truyền thống Giáo Hội. Thánh Bernadin de Sienne, vào một ngày thứ sáu thánh, đã viết : « Hãy đến với Trái Tim Chúa Giêsu, Trái Tim sâu thẳm, Trái Tim bí mật, Trái Tim nồng cháy tình yêu. Cánh cửa Tình yêu mãnh liệt này đã mở ra, hãy vào : yêu như Chúa Giêsu, thẩm thấu vào trong những bí mật thánh thiêng được ẩn giấu từ muôn thuở. Vết thương từ cạnh sườn cho thấy đền thờ đại phúc muôn đời.

Bước vào thế kỉ thứ XVII, sau thời gian thánh Jean Eudes, phát triển lòng sùng kính Trái Tim Chúa Giêsu thành một phụng vụ rực rỡ , thánh Marguerite Marie đánh dấu đặc tính chuyên biệt là Một Tình Yêu bị hạ thấp đòi hỏi một tình yêu đền tạ. Thánh nữ không tự tìm cho mình lòng tận hiến này nhưng do chính Chúa Giêsu đã hiện ra và hướng dẫn làm sao để hiểu cũng như thực hành lòng tôn sùng Thánh Tâm:

Hãy xem Trái Tim Ta luôn yêu mến nhân loại, đã không dành riêng cho mình điều gì để trao ban tất cả và để làm bảo chứng tình yêu của Ta. Thế nhưng để tạ ơn, Ta chỉ đón nhận được sự vô ơn bởi sự thiếu tôn kính và phạm thánh của họ, bởi sự lạnh nhạt và coi thường mà họ dành cho Ta trong bí tích tình yêu. Những gì làm cho Ta được an ủi là những trái tim đã tận hiến cho Ta. Chính vì thế Ta yêu cầu ngày thứ sáu đầu tiên sau tuần bát nhật lễ Mình và Máu Thánh là một ngày mừng kính riêng để tôn sùng Trái Tim Ta : khi hiệp lễ ngày này và khi thực hiện đền bồi bởi lòng đền tạ để chuộc tội cho sự đối xử vô ơn mà Trái Tim Ta đã đón nhận trong suốt thời gian được đặt trên bàn thờ. Ta hứa với con : Trái Tim Ta sẽ mở rộng để tuôn tràn phong phú hiệu quả tình yêu thánh thiêng cho những ai thực hiện điều Ta truyền và họ sẽ lãnh nhận lại những gì họ đã trao ban.

Thông điệp thiêng liêng của Đức Giêsu trao cho thánh Marguerite Marie diễn tả một tuyên ngôn của Thiên Chúa dành cho nhân loại và cho từng người chúng ta. Trái Tim Chúa Giêsu là một biểu tượng của Tình Yêu đòi hỏi sự đền đáp tôn kính. Đền tạ này được biểu lộ qua một ngày tôn kính Thánh Tâm : thứ sáu đầu tiên sau tuần bát nhật lễ Mình và Máu Thánh. Người cũng yêu cầu phải hiểu và thực hành lòng tôn sùng Thánh Tâm. Bởi vì, Trái Tim Thánh là nguồn của lòng khoan dung cho những tội nhân, của tình yêu và ánh sáng cho những ai muốn thông hiệp và hiệp nhất với Người.

Linh đạo lòng tôn sùng Thánh Tâm

« Hôm ấy là ngày bế mạc tuần lễ Lều, và là ngày long trọng nhất. Đức Giê su đứng trong Đền Thờ và lớn tiếng nói rằng : Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống – Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra » (Ga 7, 37 ; 19, 34).

Hình ảnh Trái Tim Chúa Giêsu bị thương được hình thành bởi những giảng dạy của các giáo phụ. Cạnh sườn bị đâm thâu tuôn trào máu và nước, hình ảnh của sức sống và của tính phì nhiêu màu mỡ, mở ra nguồn thanh tẩy và ơn cứu độ cho con người. Trái Tim thể lý của Chúa Giêsu bày tỏ tình yêu Thiên Chúa cho nhân loại. « Tưởng mình như tan dần ra nước, toàn thân con xương cốt rã rời, con tim đau đớn bồi hồi, mềm như sáp chảy tơi bời ruột gan » (Tv 22, 15). Thánh Justin đã dùng Thánh Vịnh này để bình giảng về Trái Tim thể lý của Đức Giêsu trong tác phẩm Dialogue avec Tryphon/Đối thoại với Tryphon (CIII, commentaire du Psaume 21).

Thánh Justin khẳng định Trái Tim này thật sự chịu đau đớn : « Trái Tim Người đã tan vỡ dần. Cũng như xương cốt Người, Trái Tim này mềm như sáp tuôn chảy tình cảm, cõi lòng để cho chúng ta biết được là Chúa Cha, vì chúng ta, đã muốn Con Một Ngài đau đớn thật sự để cho chúng ta không thể lên tiếng rằng Con Thiên Chúa không cảm thấy, trải qua những gì đã đến và xảy ra […]. Chúng ta, những kitô hữu, là dân thánh Israël, được sinh ra từ Đức Kitô, bởi vì chúng ta được gọt tỉa trong Trái Tim Người như những viên gạch được mang ra từ Núi Đá ».

Các giáo phụ khác chiêm ngắm cạnh sườn bị đâm thâu của Đấng Cứu Thế như suối nguồn tuôn chảy sự sống thánh, như cánh cửa diễn tả mầu nhiệm thánh và khai sinh Giáo Hội. Trong bài giảng về cuộc Vượt Qua của Đức Kitô, thánh Cyprien viết : « Hỡi kitô hữu, hãy chiêm ngắm vết thương sâu thẳm này đã trải dài tình yêu Đức Kitô. Bởi từ vết thương này, mạch nước được mở ra cho chúng ta, nghĩa là trong Trái Tim Chúa Giêsu chúng ta có thể bước vào, thẩm thấu vào bởi vì Trái Tim đó có thể chứa đựng tất cả ». Thánh Jean Chrysostome, là một trong bốn vị Tiến sĩ Hội Thánh Giáo Hội Đông phương, tác giả của tác phẩm Sermons/Những bài giảng, tác phẩm này làm ngài nổi tiếng khắp vùng phương Đông chính vì thế ngài được mệnh danh là Kim Khẩu. Ngài viết : « Cây giáo của người lính đã đâm mở cạnh sườn Đức Kitô. Từ vết thương đó, Người đã khai sinh Giáo Hội, cũng như Eve, người mẹ đầu tiên của chúng ta đã được rút ra từ cạnh sườn Adam. Chính vì thế thánh Phaolô nói : Chúng ta là thịt bởi thịt Người, xương bởi xương Người. Thánh Phaolô muốn nói đến vết thương được mở ra từ cạnh sườn Đức Kitô. Như Thiên Chúa đã rút xương sườn của Adam để tạo nên Eve, Đức Kitô tuôn trào từ cạnh sườn bị đâm thâu nước và máu, để sinh ra Giáo Hội » .
Qua giáo huấn của các giáo phụ, từ Thánh Tâm mang nghĩa Trái Tim thể lý Đức Kitô. Như máu và nước chảy ra từ cạnh sườn Người để chuộc nhân loại về cho Thiên Chúa vì tội lỗi của họ, Giáo Hội được khai sinh từ Trái Tim Đấng Cứu Thế bị đâm thâu. Trái Tim thể lý Chúa Giêsu cũng diễn tả Tình Yêu. Trái Tim này trở thành biểu tượng đặc biệt trong cuộc Vượt Qua của Người. « Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho chiên » (Ga 10, 11.15). Đức Giêsu đã đi trọn con đường uống chén đắng khổ đau (Lc 22, 42) : chịu đóng đinh và chết trên Thập giá. Kể từ đây, toàn thể nhân loại được chuộc về : Ơn Cứu Độ bời nước và ơn Thanh Tẩy bởi máu chảy từ cạnh sườn Đức Kitô.

Từ thời Trung Đại, lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu được thúc đẩy vả ảnh hưởng bởi Thánh Thần : từ cạnh sườn Chúa Giêsu bị đâm thâu đến vết thương Trái Tim Người. « Và bởi vì trong Trái Tim Chúa Giêsu, thánh Pierre Damien viết trong Sermon/Bài giảng 63 về Tin Mừng thánh Gioan, ẩn giấu tất cả tri thức và khoa học : Trái Tim Thánh rút tỉa từ kho tàng phong phú dồi dào trên trời để làm giàu cho sự thiếu thốn và nghèo nàn của chúng ta ; nguồn ân sủng dạt dào ơn Cứu Độ cả thế giới. Vâng, Trái Tim Chúa Giêsu đã để lại nguồn sống không bao giờ cạn để nhân loại luôn luôn uống nguồn nước của sự sống thánh và để thông truyền tất cả cho chúng ta khi thời gian đến theo ý định của Thiên Chúa » . Thánh Pierre Damien viết tiếp : « Trong Trái Tim Thánh chúng ta tìm thấy khí cụ để bảo vệ mình, sự trợ giúp mạnh mẽ chống lại những cám dỗ, và niềm vui tinh tuyền nhất trong thung lũng đau khổ này. Có phải bạn đang gặp sầu khổ vì tội lỗi bản thân ? Hãy đi vào trong Trái Tim Chúa Giêsu, là nơi ẩn náu vững chắc, là nơi lánh mình của mọi bất hạnh ».

Trái Tim bị thương của Chúa Giêsu mời gọi con người bước vào trong mầu nhiệm hiệp thông để uống nguồn tình yêu của Người, để sống theo đời sống thánh và để chia sẻ mọi tốt lành. Đây chính là lòng nhân từ bao la của các vết thương Đức Giêsu Kitô như thánh Bernard phát biểu trong Sermon/Bài giảng LXI:

Họ đã đóng đinh vào đôi tay và đôi chân Người, cạnh sườn Người bị lưỡi đòng đâm thâu. Bởi những vết thương bị mở ra này, tôi có thể uống mật từ viên đá, nếm dầu từ viên sỏi cứng, nghĩa là nếm thử và nhìn xem Thiên Chúa tuyệt hảo dường bao. Người đã định hình trong trạng thái này sự bình an mà tôi chẳng biết gì. Bởi vì, ai biết được ý định của Thiên Chúa, hay ai làm quân sư của Ngài ? Nhưng, những vết thương bị đâm thâu, đối với tôi, trở nên những chìa khóa mở ra kho tàng bí mật và biểu lộ Thánh ý Thiên Chúa. Tại sao tôi lại không dám vượt qua những vết thương đó ? Những chiếc đinh và vết thương của Người kêu lớn tiếng rằng Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô và Ngài hòa giải thế gian với Ngài. Thanh sắt đã xuyên qua tâm hồn và đụng chạm đến Trái Tim để Người tương hợp vào những khiếm khuyết của tôi. Bí mật của Trái Tim Người được nhìn thấu bởi những vết thương được mở ra trên cơ thể Người, để từ đó ta có thể khám phá được mầu nhiệm nhân hậu không bờ bến. Lòng nhân hậu như mặt trời hừng đông đến thăm chúng ta […]. Không ai có thể trao ban bằng chứng tuyệt vời về tình yêu như thế, tình yêu của người đã hiến thân cho những ai đã bị kết án tử.

Linh đạo tôn sùng Thánh Thánh Tâm dần dần trở thành không chỉ là biểu tượng của tình yêu nhưng còn là những rung động, cung bậc tâm hồn. Linh đạo này gợi lại tất cả cuộc đời nội tâm, tất cả tâm hồn Đức Giêsu. Trong bài giảng Pasteur selon le Cœur de Dieu /Người mục tử theo Trái Tim Thiên Chúa, thánh Jean Eudes đề nghị linh mục chiêm ngắm và noi theo Tình Yêu Đức Kitô được biểu tượng hóa bới Thánh Tâm. Một người mục tử nhân lành là « một hình ảnh sống động của Đức Giêsu Kitô trong thế giới, của Đức Giêsu tỉnh thức, cầu nguyện, giảng dạy, đi đến từ miền này sang miền khác, cùng chịu đau khổ, lăng nhục, chết và tự hiến vì ơn cứu độ của tất cả các linh hồn, được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa ». Thánh Jean Eudes phân biệt ba biểu hiệu Trái Tim Chúa Giêsu : Trái Tim thể lý (nhân tính Đức Giêsu) Trái Tim tinh thần (tâm hồn) và Trái Tim Thánh (Thánh Thần). Bước theo sau thánh Jean Eudes, thánh Marguerite Marie mang đến cho lòng tôn sùng Thánh Tâm một nét đặc sắc riêng : Một Tình Yêu bị hạ thấp đòi hỏi một tình yêu đền tạ.

Trong thị kiến của thánh nữ, Đức Giêsu muốn nhấn mạnh đến làm sao hiểu và thực hành đúng lòng tôn sùng Thánh Tâm. Trái Tim thể lý là biểu tượng tình yêu của Người dành cho con người, một tình yêu bị hạ thấp. Tình yêu bị hạ thấp này đòi hỏi lòng đền tạ, đây là câu trả lời của con người đến Ngài. Từ đó con người kín múc, uống, làm phong phú thêm tình yêu Ngài và làm việc đền tạ cho Đức Giêsu : Thánh lễ, giờ thánh, chầu Thánh Thể. Một cách đặc biệt, Đức thánh cha Pie IX thiết lập đại lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu vào ngày thứ sáu sau tuần bát nhật lễ Mình và Máu Thánh .

Chiêm ngắm và thực hành linh đạo tôn sùng Thánh Tâm, cha Dehon mở ra một con đường mới cho linh đạo này : Nguyện cho triều đại Thánh Tâm Chúa Giêsu ngự trong tâm hồn và xã hội.

Triều đại Thánh Tâm Chúa Giêsu trong tâm hồn và xã hội

Là hoa trái của lòng tôn sùng Thánh Tâm, mỗi người được mời gọi bước vào vương quốc tình yêu của Chúa Giêsu. Trong vương quốc này, con người sống trong Triều đại Thánh Tâm Chúa Giêsu và được thúc đẩy, dẫn đưa đến tận hiến đời sống bản thân để phục vụ cho Tình Yêu Đức Kitô. Nhưng trước hết, con người cần hiểu biết về Trái Tim thánh. Cha Dehon viết : « Lòng tôn sùng nội tại Thánh Tâm, hay triều đại Thánh Tâm trong chúng ta, đòi hỏi trước hết là chúng ta hiểu biết Trái Tim Chúa, chính vì thế cần phải học hỏi trong đời sống chiêm niệm. Khi chúng ta học biết được, sẽ dễ dàng và một cách tự nhiên tôn kính và chúc tụng những toàn hảo thánh, yêu mến nét đẹp Thánh Tâm, chia sẻ những khổ đau và trắc ẩn của Thánh Tâm ».

Đối với cha Dehon, chỉ có một con đường duy nhất để bước vào và học hiểu Trái Tim Thánh : mầu nhiệm Nhập Thể, cuộc đời dương thế của Chúa Giêsu đến cuộc tử nạn của Người trên Thập giá – cuộc vượt qua của Người. Hiểu biết về Trái Tim Chúa Giêsu kéo theo sự hiểu biết về « điều thầm kín của những tuyệt hảo thánh » hay hơn nữa, « ngôi đền của tình yêu thánh » đã được mạc khải trong Thánh Kinh. Nguyên từ « trái tim », cha Dehon nói, « lúc biểu thị trái tim thể lý, lúc miêu tả trí nhớ, sự lắng nghe, ý chí […] là những gì nội tâm con người hay hơn nữa là Ngôi Ba Thánh Thần hoặc thần tính của Con Thiên Chúa » . Thánh Tâm trở thành một biểu tượng về con người Giêsu, Đấng đã trao ban tất cả cuộc sống cho nhân loại. Thánh Tâm đó trở nên một kiểu mẫu của đức ái, mời gọi mỗi người đi vào mối tương quan : « Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách của tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng » (Mt 11, 28-30). Câu hỏi đặt ra là làm sao hiểu và chia sẻ tình yêu này ? Cha Dehon trả lời:

Buổi sáng hãy nhắc nhở con những mầu nhiệm cuộc đời ẩn dật của Ta : mầu nhiệm Nhập Thể, Giáng sinh, cuộc sống của Ta tại Nazareth. Những mầu nhiệm này dạy con : lòng khiêm hạ, tinh tuyền, tách bản thân ra khỏi những ràng buộc trần thế, tinh thần cầu nguyện, lòng sốt sắng, lao động kiên trì và bền bỉ. Buổi chiều, khi gánh nặng của ngày đến, những mệt mỏi và thử thách đè nặng con, hãy nghĩ tới cuộc Vượt Qua, tới cuộc tử nạn của Ta, hãy vác thập giá với Ta và học hỏi nơi Ta lòng kiên trì, tận hiến, hi sinh. Buổi chiều tối, con hãy ngưng đọng một thời gian ngắn tại vườn cây Dầu và ở đây, hãy khám phá chung với Ta những tội lỗi của nhân loại và dâng hiến tâm hồn thảm thiết của Ta cho Cha để chuộc tội của con và của nhân loại .

Ý nghĩa chiêm niệm của cha Dehon được đặt trong cuộc giao tiếp và đối thoại trực tiếp giữa Đức Kitô và từng cá nhân đang suy ngắm mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa. Không có tồn tại khoảng cách nào giữa con người và Thiên Chúa, chỉ có mối tương giao duy nhất chính là tình yêu. Trong tương quan này, con người bày tỏ lòng tận hiến đối với Thánh Tâm để sống và ở trong tình yêu thánh. Lòng tận hiến này được bắt nguồn từ lòng dân hiến trọn vẹn của Con Thiên Chúa dành cho Cha. « Con xin thánh hiến chính mình con cho họ, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến » (Ga 17, 19). Và, Đức Giêsu đã đi đến tận cùng con đường tình yêu để thực thi thánh ý Cha. Chiêm ngắm lòng tận hiến của Người, cha Dehon viết:

Đối với chúng ta, lòng tận hiến của mỗi người theo mẫu gương Con Thiên Chúa cần phải độ lượng, trọn vẹn và trung tín. Độ lượng và sẵn sàng : Ngôi Hai Thiên Chúa đã không chần chờ nói lên Ecce venio/Này Con xin đến, « ingrediens mundum » ngay từ khởi thủy. Người tự trao ban tất cả cho Thiên Chúa một cách không nghi ngờ và không trì hoãn.

Hãy chia sẻ, trao ban trọn vẹn con người chúng ta: Làm sao chúng ta dám trao ban chỉ một nửa khi Ba Ngôi Thiên Chúa đã tự trao ban tất cả cho chúng ta trong khi tạo dựng và đón nhận con người làm nghĩa tử của Ngài ; khi Cha trên trời trao ban trọn vẹn Người Con duy nhất ; khi Thánh Tâm Chúa Giêsu đã tự trao tặng trọn vẹn cho chúng ta ? Làm sao chúng ta có thể từ chối Thiên Chúa điều gì đó khi Ngài không bao giờ từ chối chúng ta ? Hãy kín múc lòng độ lượng trong tình yêu. Nếu chúng ta cảm thấy yếu đuối, hãy quay lại những họa tiết tình yêu mà chúng ta đã suy niệm trong ngày, đến hồng ân khôn tả mà Thiên Chúa đã trao ban, đến hồng ân mà Con Thiên Chúa đã thực hiện. Hãy đọc cuốn sách yêu thương này chính là tình yêu thực sự. Và, khi chúng ta được ôm trọn bởi tình yêu, lòng tận hiến của mỗi người sẽ dễ dàng trở nên trọn vẹn, sẵn sàng, và không thiếu sót .

Tận hiến của con người trở nên câu trả lời cho Thánh Tâm, nhưng chính Thánh Tâm đã tự trao ban đầu tiên vô điều kiện và không giới hạn. Lòng tận hiến đó chính là độ lượng, sẵn sàng và không thiếu sót. Nó không phải là một hành động theo Luật nhưng là tình yêu thực thi thánh ý Thiên Chúa : « Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Kitô nói : Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bây giờ con mới thưa : Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con » (Dt 10, 5-7). Từ lòng tận hiến của Đức Kitô để thực thi thánh ý Thiên Chúa, kể từ nay nhân loại có cánh cửa rộng mở nối liền với Thiên Chúa và có thể bước vào Thiên Quốc, trong Triều đại Thánh Tâm luôn mở rộng đón nhận tất cả. Lòng tận hiến trở thành một hành động tình yêu tuyệt hảo nhất, hành động tôn kính thúc đẩy con người hòa tiếng vang : Này con đây, con đến để thi hành thánh ý Thiên Chúa.

Tận hiến cho Thánh Tâm, con người có nơi nghỉ ngơi trong đời sống nội tâm, như cha Dehon đề cập : « con sẽ nếm thưởng những niềm vui thiêng liêng mà các thánh đã trải qua. Con sẽ nghỉ ngơi như thánh Gioan trong cung lòng Ta. Con sẽ uống chén hồng ân từ Trái Tim Ta. Đời sống của con sẽ là yến tiệc không bao giờ ngưng » . Thánh Tâm là nơi con người sống và chia sẻ trọn vẹn tình yêu của Đức Kitô, là nơi biểu lộ « Triều đại Thánh Tâm trong tâm hồn ». Nhưng, Triều đại này không chỉ trong tâm hồn, mà còn được hiện thực hóa trong đời sống thường ngày, đời sống xã hội bởi những đặc tính của Triều đại này thông truyền ở mọi lãnh vực.

Trước tiên, cha Dehon định nghĩa Triều đại xã hội của Thánh Tâm là bởi ý muốn của Chúa Giêsu trong thị kiến thánh Marguerite-Marie : « Trên tất cả, Người muốn ngự trị trong các tâm hồn : ‘bởi vì cùng đích của lòng tận hiến cho Thánh Tâm là để hoán cải các tâm hồn trở về với tình yêu của Trái Tim thánh’. Nhưng, Thiên Chúa không muốn làm vui thỏa sự ngự trị bên trong, hay ngự trị bên ngoài nơi Giáo Hội và trong các gia đình. Lòng tôn thờ Thánh Tâm là cánh cửa rộng lớn hơn, Thánh Tâm được đặt định để khôi phục triều đại xã hội của Đức Kitô trong thế giới, mọi quốc gia và dân tộc đã được trao cho Người như tài sản thừa kế » . Triều đại này được rút ra và hiện thực hóa bởi hệ quả, hoa trái của đời sống tình yêu nội tâm mà đời sống này bắt nguồn từ Thiên Chúa. Đối với cha Dehon, linh đạo tận hiến cho Thánh Tâm và xã hội không tách rời nhau nhưng ngược lại, cả hai bổ sung hoàn chỉnh nhau. Điểm nhấn về tính xã hội mà cha Dehon đề cập chính là giữa đời sống thiêng liêng và công việc, giữa đời sống nội tâm và biểu hiện bên ngoài, hay hơn nữa giữa điều tôi là và điều tôi thực hiện.

Cha Dehon xác định rằng Triều đại Thánh Tâm Chúa Giêsu trong xã hội là « triều đại của công bình, của bác ái, của lòng khoan dung, của lòng thương xót những cho người bé mọn, cho những ai khiêm nhu và đang chịu đau khổ » . Triều đại mà cha Dehon định nghĩa bắt nguồn từ Tin Mừng thánh Matthieu : « Đức Giêsu đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong cá hội đường của họ, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền » (Mt 9, 35). Bởi lời nói và hành động, Đức Giêsu đã thực hiện Triều đại của Người không phải chỉ bên trong nội tâm nhưng cả bên ngoài con người. Đức Giêsu muốn các môn đệ thực hiện giống như thế : « anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em » (Ga 15). Bước theo linh đạo tận hiến cho Thánh Tâm, con người được đưa vào trong triều đại Thánh Tâm Đức Kitô thể hiện trong cuộc sống thường ngày, xã hội bởi những cử chỉ tình yêu. « Triều đại của Người cần phải là triều đại của công bình và bác ái » .

Kết

Cha Dehon tóm lược « Những điều kiện đặc biệt của Triều đại Thánh Tâm » trong tác phẩm Oeuvres Spirituelles – Cuốn 5 :

  1. Trong tâm hồn – Thánh Tâm Chúa Giêsu cư ngụ trong tâm hồn chung ta bởi tình yêu.
    Người thương yêu, Người được yêu mến : quem diligebat Jesus… qui supra pectus Dei…
    Thánh Gioan là mẫu gương tình bạn của Thánh Tâm.

    Như thánh Gioan, người bạn của Thánh Tâm yêu mến Đức Giêsu, ngài yêu mến Đức Mẹ và hiệp thông với Người ; ngài cũng yêu mến Thánh Thể.
    Tình bạn khai sinh lòng tin và phó thác.
    Tình bạn tạo mối tương hợp : amicos similes inventis vel facit.
    Người bạn của Thánh Tâm trở nên hiền lành và bác ái như Đức Kitô
    Họ sẽ trở nên khiêm nhường và từ bỏ những quyến rũ tạo vật.
    Họ sẽ yêu mến sự tinh tuyền và gìn giữ nó một cách trọn hảo nhất.
    Họ sẽ yêu mến đời sống nội tâm và cầu nguyện như Đức Giêsu.
    Họ sẽ có lòng hăng hái nồng nàn : zelus domus tuae comedit me.
    Họ sẽ có tinh thần đền tạ và dâng hiến như Chiên Thiên Chúa.
  2. Trong xã hội – Triều đại Thánh Tâm biểu lộ nơi thầm kín của xã hội và là ngọn cờ tiên phong.
    Trong nghệ thuật, thơ văn.
    Giáo Hội sẽ có vị trí ưu đãi.
    Tình yêu của những người bé mọn sẽ được biểu lộ bởi các quy điều xã hội. Các quy điều này nâng cao vai trò công nhân.

Những điều này là hoa trái mà cha Dehon gặt hái khi chiêm ngắm mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa. Một hài hòa của đời sống nội tâm được biểu hiện ra đời sống bên ngoài. Cả hai đều xuất phát từ trong Triều đại Thánh Tâm. Hoa trái của lòng tận hiến cho Thánh Tâm mời gọi mỗi người bước vào tình yêu Đức Kitô. Cha Dehon suy niệm và sống tình yêu đó, tình yêu được biểu tượng hóa bởi Thánh Tâm. Đối với cha, đời sống nội tâm cần được hiện thực hóa bởi đời sống bên ngoài, chính điểm này con người góp phần xây dựng Triều đại Thánh Tâm.

Chiêm ngắm trọn vẹn cuộc đời Chúa Giêsu là cánh cửa lớn bước vào Triều đại Thánh Tâm. Trong Triều đại này, con người tìm được đời sống trọn vẹn và toàn diện để theo và sống mẫu gương Đức Kitô, Người đã đi trọn con đường đến cuộc tử nạn, và chết trên Thập giá để thực hiện thánh ý Thiên Chúa. Con người được mời gọi cộng tác vào Triều đại này bằng việc tận hiến cho Thánh Tâm : Này con đây, con đến để thi hành thánh ý Cha (Dt 10, 5-7).

Lm. Jos. PHẠM, SCJ