Ngày nay con đường hội nhập và dấn thân phục vụ cho sự sống con người, mà Chúa Giêsu đã mở ra, vẫn còn đó. Và giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo không ngừng mời gọi cùng nhắc nhở mọi tín hữu cùng nhau tiến bước dưới ánh sáng chân lý và tình yêu của Đấng Cứu Thế, nhằm góp phần vào sự phát triển toàn diện và vững bền của đất nước cùng thế giới hôm nay.[3]
TU SĨ & GIÁO SĨ
VỚI VẤN ĐỀ HỘI NHẬP TOÀN CẦU HOÁ HÔM NAY
Sau biến cố mùa hè 1975, đất nước “đóng cửa”, mãi tới năm 1986 mới bình thường hóa trở lại. Trước hoàn cảnh đó, tầng lớp giáo sĩ và tu sĩ Công giáo trong xã hội bấy giờ gặp nhiều khó khăn trên con đường loan truyền tình yêu Thiên Chúa. Chỉ sau thời đất nước mở cửa, việc hội nhập trước tình hình toàn cầu hóa mới được “chập chững” tiến hành cho đến hôm nay. Vì thế, giáo sĩ và tu sĩ chúng ta cần thức thời để nhận ra những điều cần kíp phải làm để giới thiệu Chúa đến cho muôn người.
- Từ ô cửa sổ lòng mình nhìn ra thế giới
Không chỉ ẩn mình nơi bốn bức tường của tu viện, nhà thờ, nhưng giáo sĩ, tu sĩ chúng ta cần bước ra khỏi nội cấm và lên đường dấn thân phục vụ con người trong xã hội vốn đầy “vết thương sâu, lở loét và bốc mùi”. Bước ra khỏi “lầu son gác tía” để đến với muôn dân đang sống trong “túp lều tạm bợ” của cõi nhân sinh như Thầy Giêsu đã yêu, chính là lúc chúng ta sống đúng căn tính mình, hội nhập trọn vẹn mình vào con đường truyền giáo, loan Tin Mừng cho mọi người. Bên cạnh đó, chúng ta phải luôn liên lỉ trong cầu nguyện và ở lại trong tình yêu của Chúa để kín múc được nguồn sức mạnh thiêng liêng cần thiết và để nhiệt tâm trong sứ vụ loan báo Tin Mừng.
Giáo sĩ, tu sĩ với hội nhập vào xã hội theo tiến trình toàn cầu hóa (Trích thư chung Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 1980).
Ngỏ lời với các tu sĩ: Do đó chúng tôi muốn nói với anh chị em: hãy xác tín về ý nghĩa và giá trị cao quý của ơn gọi mình. Dầu sinh hoạt bên ngoài có thay đổi, sứ mạng đặc biệt của anh chị em vẫn luôn là “hiện thân của một Hội Thánh muốn hiến mình cho đường lối triệt để của các Mối Phúc Thật”, và anh chị em “dùng chính cuộc sống của mình làm dấu chỉ cho tinh thần sẵn sàng phục vụ Thiên Chúa, Giáo Hội và anh em đồng loại” (LBTM 60; GH 44). Chính anh chị em sẽ tự thấy được rằng đường hướng mà chúng tôi vạch ra cho cả Hội Thánh ở Việt Nam: sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc với tinh thần sẵn sàng phục vụ, phù hợp cách riêng với ơn gọi của anh chị em. Do đó, anh chị em hãy nêu gương cho giáo dân bằng việc tích cực đi vào con đường ấy.
Ngỏ lời với các linh mục: Xin anh em hãy cùng với chúng tôi đưa Hội Thánh ở Việt Nam đi vào con đường đã lựa chọn: là sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào.[1]
- Ngàn năm thứ ba, người tu không thể cho cái mình không có.
Học, trau dồi kiến thức, tu thân, giới thiệu gương mặt Thầy Giêsu đến cho mọi người, giáo sĩ, tu sĩ chúng ta phải trở nên một Giêsu khác chứ không phải là khác Đức Giêsu. Người tu thức thời không loay hoay với mớ kiến thức triết thần căn bản của mình nhưng hơn bao giờ hết, người tu cần có một tầm nhìn xa với những công việc và hoạch định cho tương lai, song người tu cũng phải để ý đến những điều nhỏ, để cúi xuống “đáy xã hội” nơi có tầng lớp dân lao động nghèo đang ngoi ngóp, vùng vẫy đến tuyệt vọng trong vũng bùn nhơ của cõi người, để đồng hành, chia sẻ và cảm thông với họ. Tầm nhìn vi mô, vĩ mô ấy đang rất cần cho giáo sĩ và tu sĩ hôm nay.
Vấn đề hòa nhập có hòa tan hay không cũng đang là nỗi bận tâm của tu sĩ giáo sĩ trước thềm hội nhập toàn cầu. Làm sao giáo sĩ và tu sĩ hội nhập với thế giới mà vẫn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, lối sống tu trì, đường hướng hoạt động của Nhà Dòng, của giáo phận, giáo xứ mình, vẫn còn đang còn trăn trở.
Giữa một xã hội vàng thau lẫn lộn, giá trị sự thật bị rẻ rúng, giả dối lên ngôi, giáo sĩ và tu sĩ chúng ta có nhạy bén đủ để chân nhận ra giá trị thực của cuộc sống, để sống đúng và thực thi nhiệm vụ hướng dẫn giáo dân nói riêng và con người nói chung được triển nở về nhân cách, thăng tiến trong đời sống hôm nay vẫn đang còn là câu hỏi tự vấn lương tâm?
- Nhìn người mà ngẫm lại mình
Nhiều quốc gia trên thế giới ủng hộ sự phát triển của Công giáo và xem đó là quốc giáo của mình mà nước ta thì chưa được như vậy. Do đó, hãy còn nhiều ngăn trở trong cơ cấu tổ chức của Giáo hội như việc tuyển chọn nhân sự vào các phẩm cấp của Giáo hội hoặc việc tổ chức tiến hành sinh hoạt tôn giáo tập thể . Ngoài những khó khăn về phía chính quyền, phía nội bộ Giáo hội ta cũng còn nhiều vấn đề nan giải như khó qui tụ tín hữu sinh hoạt thuần túy tôn giáo nhưng lại gia tăng thật nhiều lòng đạo đức bình dân như hành hương, diễn nguyện…[2]
Giáo sĩ và tu sĩ hôm nay phải kịp thích ứng mau lẹ với những biến chuyển ấy nhưng không theo kiểu “cõng rắn cắn gà nhà” nhưng là thích nghi với những khó khăn của thời cuộc để loan tin tình thương. Vì một thế giới khổ đau, đầy thương tích, dấu chân người giáo sĩ, tu sĩ không chỉ tỏa ra hương thơm thánh thiện nhưng còn là tỏa ra chính Chúa, mang tình yêu Chúa cho mọi người chứ không giữ cho riêng mình.
- Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng tôi.
Khó khăn nối tiếp khó khăn, thời nào cũng thế, vì con đường giáo sĩ, tu sĩ chọn là con đường ngược dòng đời để tìm về nguồn CHÂN, THIỆN, MỸ là chính Thiên Chúa đầy lòng xót thương. Một mình đi ngược dòng đã khó, họ lại còn kéo thêm nhiều người còn khó hơn gấp bội. Trước ngưỡng của toàn cầu hóa, thế giới gần hơn với chúng ta. Ngồi tại nhà chúng ta có thể tham quan điện Vaticăn, đọc kinh tryền tin với Đức Thánh Cha, cập nhật thời sự thế giới….Các phương tiện thông tin đại chúng phát triển nở rộ, giáo sĩ và tu sĩ chúng ta phải thích nghi kịp thời, tận dụng các phương tiện ấy để giới thiệu một Đức Giêsu yêu con người bằng phương thức mới.
Không dừng lại ở đó, thế giới tục hóa hôm nay dường như đang nguội lạnh, thiếu vắng tình thương đến tuyệt vọng, khi con người không đạt được mục đích mình muốn họ sẵn sàng tước đoạt mạng sống của người khác thậm chí của chính mình. Những giá trị thật giúp xây dựng nền tảng người nơi niềm tin Kitô giáo dường như bị lãng quên khi tư tưởng vô thần ăn sâu vào lòng xã hội và giáo sĩ tu sĩ chúng ta cứ ở mãi trên “ngai tòa” của mình mà chưa bước xuống hòa mình vào nhân sinh. Nhiều, rất nhiều người quanh chúng ta chưa nhận ra Chúa vì chính bản thân chúng ta ngoài môi miệng nói lời yêu thương nhưng trong tâm hồn không chứa đựng lời ấy thì không thể làm gương sáng cho họ được. Lời thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Côrintô như một xác quyết để giáo sĩ, tu sĩ chúng ta lên đường loan báo ơn cứu độ vì “Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng tôi” (2Cr5, 14).
TẠM KẾT
Ngày nay con đường hội nhập và dấn thân phục vụ cho sự sống con người, mà Chúa Giêsu đã mở ra, vẫn còn đó. Và giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo không ngừng mời gọi cùng nhắc nhở mọi tín hữu cùng nhau tiến bước dưới ánh sáng chân lý và tình yêu của Đấng Cứu Thế, nhằm góp phần vào sự phát triển toàn diện và vững bền của đất nước cùng thế giới hôm nay.[3]
Không dừng lại ở đó, giáo sĩ và tu sĩ chúng ta phải thực sự là những con người năng động, nhạy bén và luôn mặc lấy Đức Giêsu, chính gương sống của Thầy là kim chỉ nam cho đời sống chúng ta. Cùng đích của đời dâng hiến mà giáo sĩ, tu sĩ chúng ta theo đuổi là được kết hiệp mật thiết hơn với Thầy Giêsu Chía Thánh và giới thiệu Thầy đến cho mọi người, chia sẻ niềm vui nhận biết, yêu mến và làm con Thiên Chúa. Do đó, trước tình hình hội nhập, toàn cầu hóa, chúng ta phải mau mắn lên đường với một trái tim yêu thương và một tâm tình sốt mến hơn để đến với muôn dân.
Tác giả bài viết: Tu sĩ Chúa yêu – SCJ
[1] https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/thu-chung-1980-cua-hoi-dong-giam-muc-viet-nam-17699 (truy cập ngày 11/11/2022.)
[2] Nguyễn Thế Thoại, Văn Hóa Việt Nam (2004), 257 – 258.
[3] Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Tổng Giáo Phận Thành Phố Hồ Chí Minh. Ngôi Nhà Giáo Hội Trên Đất Sài Gòn 50 Năm (1960 – 2010) (Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2010), 28.
Tin cùng chuyên mục:
Các bài Suy niệm Lễ Đức Mẹ Mân Côi: Con Thiên Chúa xuống thế để ở với con người
Chúa nhật XXVI thường niên năm A: Đường lối của Thiên Chúa và của con người
Ngày 30/09: Thánh Giêrônimô, Linh mục – Tiến sĩ Hội Thánh
Thứ bảy tuân XXV thường niên: Phải vượt gian khổ mới hy vọng đạt được vinh quang