Tĩnh Tâm Tháng 11: Khối Triết học và Thần học – Lòng thương cảm của Mục tử Giêsu

z4851955431806 a95d84a19b98d426bbfee8fc915897cb

z4851955431806 a95d84a19b98d426bbfee8fc915897cb

Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt” (Mc 6,34)

Hôm nay, thứ Bảy ngày 04/11/2023 tại Cộng đoàn Thánh Tâm Thủ Đức, với sự hướng dẫn của cha Bề trên Cộng đoàn-cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Định, SCJ, anh em hai khối Triết-Thần chúng con đã có buổi tĩnh tâm đầu tháng đầy sốt sắng và hiệu quả với chủ đề: “Lòng thương cảm của Mục tử Giêsu”.

Suy niệm trên đoạn Tin Mừng Máccô chương 6, 30-34; Cha Vinh sơn đã giúp chúng con chiêm ngắm hình ảnh Thầy Giêsu như người mục tử khác biệt với mọi mục tử trần gian. Điều khác biệt chủ yếu ở đây chính là việc trái tim Người dễ chạnh lòng thương với những đau khổ và khiếm khuyết của con người (Mc 6,34; Lc 7,13; 15,4.20). Từ đó, chúng con, những tu sĩ của Thánh Tâm Chúa, được mời gọi dấn thân theo Chúa sát hơn qua việc thực hành những đòi hỏi của tình yêu, trong đó có việc chạnh lòng thương đối với những người khốn khó, bất hạnh.

Nói về việc Chúa Giêsu chạnh lòng thương, cách cụ thể trong bài Tin Mừng, chúng con nhận thấy Chúa đã chạnh lòng thương các Tông đồ sau khi các ông chu toàn sứ vụ được trao và hân hoan trở về bên Thầy. Tình thương luôn phát sinh những sáng kiến đầy bất ngờ. Ngài đã đề nghị các ông hãy xuống thuyền để lánh riêng ra một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi (Mc 6,31). Một cách tinh tế, Chúa biết điều gì cần thiết cho ơn gọi nên thánh của các tông đồ. Ngài không muốn các ông ngủ quên trên chiến thắng, cũng không muốn các ông vì thành quả đạt được mà sinh lòng kiêu ngạo. Ngài muốn các ông hãy ở lại một mình với Thiên Chúa, để cảm tạ và chúc tụng Người và ở lại luôn trong tình thương của Người.

Trong một bối cảnh khác, khi thuyền cập bến và nhận thấy một đám rất đông đang đợi mình, Chúa Giêsu liền chạnh lòng thương vì họ như bầy chiên không người chăn dắt (Mc 6,34). Ngài thương dân chúng vì họ lầm than, bơ vơ, lạc lõng giữa bể đời xô bồ. Trong thế giới ấy, Ngài thấy họ tồn tại hơn là sống, vì họ không nhận biết Chân Lý là sức mạnh sẽ giải thoát họ khỏi mọi u mê, lầm lạc và mang lại niềm hi vọng bất diệt vào điều không tưởng-sự sống đời đời. Đối với Chúa, Ngài đến không chỉ cho chiên được sống, nhưng còn phải sống dồi dào (Ga 10,10) nhờ nhận biết những điều bí nhiệm được Chúa Cha mạc khải (Mt 11,25). Chính Chúa Giêsu, Đấng chạnh lòng thương, giờ đây cũng trở nên tặng phẩm của lòng thương xót dành cho nhân loại. Cả cuộc đời Ngài là một tiến trình trao ban, mà việc tự hiến trên thập giá như chóp đỉnh của tặng phẩm ấy. Như vậy, vì yêu thương, Chúa Giêsu không chỉ giải thoát con người khỏi sự vô tri, khỏi tội lỗi và sự chết, nhưng còn mang lại cho họ khả năng chạnh lòng thương và việc trao ban cho nhau lòng thương xót như chính Ngài.

Sự chạnh lòng thương của Chúa Giêsu còn được thể hiện trong cái nhìn của Chúa dành cho con người, một cái nhìn luôn mới mẻ và tích cực. Có thể nói, Chúa luôn nhìn ta như đối tượng của tình yêu trong một tình trạng lý tưởng nhất. Sự mới mẻ được thể hiện qua lòng quảng đại vô biên của Chúa, khi Ngài sẵn sàng bỏ qua hết mọi lỗi phạm và đón nhận ta như một thụ tạo tinh tuyền. Bên cạnh đó, Chúa còn nhìn ta với cái nhìn tích cực, nghĩa là mỗi người đều có khả năng trở nên hoàn thiện mỗi ngày với ơn Chúa phù trợ (Mt 5,48). Không ai là hư hoại hoàn toàn, hay có thể nói như Đức Thánh Cha Phanxicô: “Chẳng vị thánh nào không có một quá khứ, cũng chẳng tội nhân nào không có một tương lai. Thiên Chúa không bao giờ dừng lại ở dáng vẻ bề ngoài mà luôn nhìn sâu vào tận tâm tư cõi lòng của con người”. Đối với Chúa, con người không chỉ được sinh ra để làm người, nhưng còn được tiền định để thông hiệp sự sống thần linh với Chúa. Trong ý nghĩa này, Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy nhìn nhau bằng cái nhìn mới mẻ và tích cực. Làm sao để có thể nhìn nhau với ánh nhìn không thành kiến, ánh nhìn vị tha và chân thực. Làm sao để nhìn nhau tuy với ánh nhìn thể lý, nhưng vẫn thấu được vẻ đẹp của hình ảnh Thiên Chúa nơi tha nhân, một vẻ đẹp tiềm ẩn và đang dần hoàn thiện mỗi ngày.

Ước gì mỗi người chúng ta, cách riêng các anh em trong giai đoạn đào tạo, học cách ở lại trong tình thương của Chúa để uốn nắn lòng trí mình nên giống Trái Tim Người, một Trái Tim nhạy bén và tinh tế với nhu cầu nên thánh của tha nhân. Có như vậy, chúng ta mới có thể trở nên những mục tử như lòng Chúa mong ước, những mục tử mang lấy thổn thức và lòng thương cảm của Mục tử Giêsu dành cho nhân loại.

Tác giả bài viết

Trung Nguyễn, SCJ – Học Viện