Thứ Năm tuần Thánh

55 lượt xem Suy Niệm
Meditation

Rửa chân cho nhau…

 

Bữa ăn xưa luôn chiếm một vị trí quan trọng trong mỗi gia đình, vì đây là thời điểm gặp gỡ sau khoảng thời gian vất vả làm việc; là thời gian chia sẻ niềm vui, gánh nặng, ưu tư của hiện tại hướng tới tương lai; là thời gian xây dựng mối tương quan mật thiết với nhau từ giải quyết những mâu thuẫn đến yêu thương. Là khoảng lặng quan trọng đến độ “trời đánh tránh miếng ăn”. Còn ngày nay, với nhiều hối hả vội vã của kiếm tiền, của thời gian hưởng thụ ích kỉ, bữa ăn gia đình chỉ còn đọng lại một âm hưởng cho có lệ, ăn nhanh-ăn lẹ mỗi người tản một góc đời nào đó gặm nhấm những thoải mái riêng. Những gì dành cho nhau, chia sẻ, cảm thông… trở thành một thứ xa lạ, xa xỉ phẩm… Chỉ muốn được yêu nhưng lại quên đi chia sẻ yêu thương, chỉ muốn đón nhận mà quên cần cho đi là căn bệnh tục hóa hôm nay.

Yêu thương luôn là mối dây liên kết con người với nhau, vượt lên trên là con người với Đấng Tác Tạo. Yêu và được yêu chỉ trọn vẹn trong đón nhận và chia sẻ, sự trọn vẹn đó được Thầy Giêsu sống và thể hiện nơi tột đỉnh của bữa tiệc huynh đệ Agapé/ἀγάπη, Bữa Tiệc Ly. Trong những chặng đường biến cố cuộc đời, Thầy luôn ngồi lại chia sẻ bữa tiệc gia đình với mọi người: khởi đầu hành trình Tin Mừng được bắt đầu tại bữa tiệc tràn đầy niềm vui tại Cana, nơi Thầy làm tròn đầy hạnh phúc từ ly rượu mừng (Ga 2, 1ss) ; chia sẻ thân phận thấp hèn ô uế, Thầy dùng bữa với những tội nhân (Mt 9, 10ss); trở thành đầu bếp tuyệt vời nấu ăn cho hơn 5.000 người không kể đàn bà và trẻ em (Mt 14, 13ss) hay hơn 4.000 người cũng chưa tính phụ nữ và trẻ em (Mt 16ss); nghỉ ngơi ăn uống sau chặng đường tông đồ (Lc 10, 38ss); để giảng dạy, Thầy cũng dùng bữa ăn truyền đạt yến tiệc Nước Trời (Mt 22, 1ss); còn về đạo đãi khách dự tiệc là mời những người nhỏ bé nhất trong xã hội (Lc 14, 12ss), hay nếu được mời thì chọn chỗ cuối (Lc 14, 7ss); mừng đón người lầm lỡ trở lại là bữa tiệc bê béo (Lc 15, 11ss); Phục Sinh, Thầy cùng ăn khúc cá nướng với các môn đệ (Lc 24, 36ss), cùng bẻ bánh ăn với hai môn đệ tại Emaus (Lc 24, 13ss); và tuyệt đỉnh là bữa tiệc Vượt Qua được chuẩn bị cẩn thận (Mt 25, 17ss; Ga 13, 1ss)..

Bữa tiệc Vượt Qua được gọi là tuyệt đỉnh vì như muốn tóm gọn cuộc đời dương thế của Thầy: yêu thương đến tận cùng, nên một với mọi kitô hữu. Để rồi, Thầy trao ban trọn vẹn bản thân làm thần lương nuôi dưỡng xác hồn, thần lương chia sẻ đời sống siêu nhiên vĩnh cửu: “chính Tôi là bánh trường sinh. Ai đến với Tôi, không hề phải đói; ai tin vào Tôi, chẳng khát bao giờ; Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6, 35; 51). Thầy kết hợp với khách dự tiệc cách toàn vẹn mọi thời đại từ chính Bàn tiệc Thánh Thể. Một bữa tiệc vượt qua mọi thực tại trần gian để trao ban sự sống, không chỉ Mình và Máu châu báu, linh hồn và thể xác, nhưng còn là bản tính Thiên Chúa cho nhân loại.

Không dừng lại ở đó, ngay trong tiệc Agapé/ἀγάπη, Thầy hạ mình xuống đến tận cùng rửa chân cho các môn đệ. Là Thầy, là Thiên Chúa, là vị cứu tinh, Thầy Giêsu tự hạ mình xuống làm người thấp hèn nhất thực hiện công việc thuộc về hạng tôi tớ hèn hạ. Thầy đảo lộn mọi giá trị trần thế, thay đổi quan niệm, lăng kính người muốn làm đầu, làm lãnh đạo, làm lớn, đó chính là phục vụ: “anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa, điều đó phải lắm, vì quả thật Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy đã nêu gương cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13, 13-14).

Bàn tiệc Thánh Thể được cử hành trong nhà thờ,
rửa chân được thực hiện trong đời thường.

Bàn tiệc Thánh Thể giúp ta hướng tâm hồn lên Thiên Chúa,
rửa chân giúp ta hướng về con người.

Bàn tiệc Thánh Thể cử hành trên bàn thờ,
rửa chân thực hành trên con người.

Bàn tiệc Thánh Thể kết thúc ở nhà thờ,
rửa chân được kéo dài trong cuộc sống.

Bàn tiệc Thánh Thể giúp ta yêu mến Thiên Chúa,
rửa chân giúp ta mến thương nhau.

Bàn tiệc Thánh Thể kết hiệp con người với Thiên Chúa,
rửa chân kết hiệp con người với nhau.

Bàn tiệc Thánh Thể tạo mối liên hệ với Thiên Chúa,
rửa chân tạo mối liên hệ với anh em.

Bàn tiệc Thánh Thể do thừa tác viên thánh cử hành,
rửa chân mọi người cử hành.

Bàn tiệc Thánh Thể quy tụ con Thiên Chúa,
rửa chân lôi kéo con người đến với nhau.

Bàn tiệc Thánh Thể mời ta đồng bàn với Thiên Chúa,
rửa chân giúp ta đồng bàn với nhau.

Bàn tiệc Thánh Thể ban tràn ân phúc,
rửa chân làm no thỏa nghĩa tình.

Bàn tiệc Thánh Thể cho ta sự sống thần linh,
rửa chân làm ta trưởng thành nhân cách.

Bàn tiệc Thánh Thể làm ta mạnh mẽ đức tin,
rửa chân giúp ta can đảm phục vụ.

Bàn tiệc Thánh Thể chính là tình yêu tự hạ,
rửa chân giúp ta khiêm hạ phục vụ.

Bàn tiệc Thánh Thể hành vi yêu thương lớn lao,
rửa chân hành động cảm thương sâu sắc.

Bàn tiệc Thánh Thể cho làm ta thành con trong nhà,
rửa chân giúp người lạ thành anh em.

Bàn tiệc Thánh Thể được bổ túc và nối dài bằng hành vi rửa chân cho nhau….