Mối tương quan giữa quyền bính và vâng phục theo giáo luật giữa bề trên và các thành viên trong cộng đoàn theo tinh thần hiệp hành
Vào ngày 19/03/2018, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Tông huấn Gaudete et Exultate (GE) “bàn về ơn gọi nên thánh trong thế giới hôm nay”. Văn kiện này được giới thiệu với báo chí trong cuộc họp báo vào thứ hai 9/4/2018, đại lễ Truyền tin. Trong Tông huấn này, Đức Thánh Cha có nói, “ở đâu có tu sĩ, ở đó có niềm vui”. Như vậy, người tu sĩ hiện diện giữa dòng đời để mang niềm vui có Chúa cho mọi người. Dù là tu sĩ ẩn tu hay tu sĩ hoạt động, mỗi chúng ta cũng ý thức sự hiện diện của mình trong một cộng đoàn huynh đệ, hiệp thông, tham gia và sứ vụ.
- Cộng đoàn tu sĩ diễn tả mầu nhiệm hiệp thông trong Giáo Hội (Giáo luật điều 573 – 579)
Đời sống cộng đoàn là một đặc nét dễ nhận thấy nơi đời sống tu trì của các tu sĩ. Nơi đời sống cộng đoàn, từng thành viên sống, sẻ chia, thực thi sứ mạng của mình trong linh đạo của Hội Dòng, diễn tả tình hiệp thông với Chúa và với nhau trong sự hướng dẫn của Hội Thánh. Chính đời sống cộng đoàn khắc họa cách rõ nét về mầu nhiệm hiệp thông trong lòng Giáo Hội qua mọi thời.
Trong cộng đoàn sống đời tu trì, tuỳ theo phận vụ và khả năng, có người làm bề trên, có người làm cố vấn, có người làm quản lí,… tất cả cùng chung mục đích vận hành và phục vụ cho đời sống cộng đoàn đi vào ổn định, nề nếp, và tiến triển trong đức ái. Tuy nhiên, nếu không chú ý, quyền bính sẽ không giúp cho đời sống cộng đoàn lớn lên mà ngược lại đôi khi làm trì trệ đời sống chung và phương hại đến đời sống thiêng liêng của từng cá nhân trong cộng đoàn ấy. Vậy, làm thế nào để cân bằng mối tương quan giữa quyền bính và vâng phục theo Giáo luật giữa bề trên và các thành viên trong cộng đoàn theo tinh thần hiệp hành để cùng nhau thăng tiến trong đời tu?
- Quyền bính để phục vụ tình huynh đệ trong sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa (Giáo luật điều 617 – 619)
Ý thức được quyền bính được trao cho một cá nhân là để phục vụ cộng đoàn. Người quản trị cộng đoàn phải là người quân bình tâm linh thể lí. Nói cách khác, người nắm quyền giữa muôn vàn chọn lựa, ưu tiên cho cộng đoàn và đời sống thiêng liêng, phải được đặt lên hàng đầu. Nơi đời sống cộng đoàn, dân Chúa sẽ nhận ra tình hiệp nhất, yêu thương nhau như chính Chúa đã nêu gương, do đó, mỗi thành viên trong cộng đoàn thánh hiến phải cùng với bề trên chung tay kiến tạo, vun đắp và phát triển sự hiệp nhất, hiệp thông, tham gia, sứ vụ như lời mời gọi hiệp hành của Hội Thánh.
Sự phân định của cộng đoàn sẽ giúp một cộng đoàn nhìn thấu vấn đề của mình trong mối tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân và với nhau trong sự phục vụ, tôn trọng, yêu thương và hiến mình. Những dự phóng của cộng đoàn giúp cho tương lai của cộng đoàn cũng như các vấn đề bác ái, mục vụ, đời sống thiêng liêng của cộng đoàn được duy trì trên hành trình hướng về Chúa và hoạ lại bước chân của Thầy Giêsu Chí Thánh đã đi xưa. Sự phân định của cộng đoàn cùng với những dự phóng giúp vạch ra con đường tương lai dựa trên nền móng của hiện tại. Và, quyền bính có quyết định cuối cùng và đảm bảo thực thi những dự phóng hầu tăng triển đời sống đức tin và đức ái nơi cộng đoàn cũng như bất cứ nơi đâu họ hiện diện.
Khác với lối sống trần tục, khác với quyền bính thế trần, quyền bính trong đời sống cộng đoàn thánh hiến, trước hết đó là lời mời gọi của Thiên Chúa để quản cai cộng đoàn, đó là quyền bính thiêng liêng không thế tục. Ngoài ra, bề trên, người có quyền, được mời gọi hướng dẫn cộng đoàn đảm bảo thời gian và phẩm chất trong đời sống cầu nguyện nhằm hướng đến một mối tương quan sâu thẳm trong tình Chúa, trong mối tương qua cá vị của mỗi chúng ta với Người.
Đời sống cộng đoàn là nơi bề trên nắm quyền và có nghĩa vụ thực thi bác ái. Bề trên được mời gọi để lèo lái con thuyền hội dòng, đảm bảo việc tôn trọng đời sống văn hoá danh dự và nhân phẩm của mỗi thành viên trong cộng đoàn ấy. Những người có quyền bính phục vụ cộng đoàn trong sự cộng tác với những thành viên nơi cộng đoàn của mình hiện diện, qua đó, cộng đoàn phục vụ triều đại Thiên Chúa. Ngoài ra, những người có quyền bính phải luôn ngoan nguỳ, dễ dạy đối với Thần Khí, Đấng dẫn tới hiệp nhất vì linh đạo hiệp thông và sự thánh thiện của cộng đoàn.
- Mối tương quan giữa quyền bính và vâng phục trong sự tăng trưởng của cộng đoàn theo tinh thần hiệp hành (hiệp thông, tham gia, sứ vụ)
Quyền bính và vâng phục nhằm giúp tăng trưởng đời sống cộng đoàn theo tinh thần hiệp hành, trong đó, việc lắng nghe được đặt lên hàng đầu. Lắng nghe theo phương pháp xem xét làm. Mỗi thành viên dù là bề trên hay bề dưới đều học cách kiên nhẫn lắng nghe nhau, cùng xem nhau đâu là vấn đề mấu chốt, cùng xét đâu là nguyên nhân của vấn đề và cùng đưa ra giải pháp để giải quyết vấn đề. Ở đây, sự vâng phục trong tự do và ngoan nguỳ giúp cho mối tương quan giữa quyền bính và vâng phục trở nên hài hoà, hiệp nhất, hiệp hành. Ngoài ra cần lắng nghe để hiểu nhau, lắng nghe để hiệp thông, lắng nghe để tham gia, lắng nghe để góp phần vào sứ vụ chung. Đồng thời, mỗi người cũng biết sáng tạo bầu khí thuận lợi để đối thoại, chia sẻ và đồng trách nhiệm, thu hút sự đóng góp của mọi người vì quan tâm đến tất cả.
Trên hết, mối tương quan này còn được đặt trên nền tảng phục vụ lợi ích của cá nhân và cộng đoàn. Khi quyền bính và vâng phục được diễn tả trong cộng đoàn thánh hiến, tất cả các thành viên phải nhìn vào từng cá nhân trong mối tương quan với cộng đoàn. Từng cá nhân là riêng biệt nhưng không khác biệt hay tách mình ra khác biệt mà trái lại, mỗi thành viên trong sự vâng phục, không o ép mình hay tự huỷ lợi ích tối thiểu của mình nhưng lại nhờ đảm bảo lợi ích cá nhân sẽ giúp cho lợi ích của cộng đoàn được thăng tiến, được triển nở.
Ngoài ra, trong mối tương quan giữa quyền bính và vâng phục, việc phân định cộng đoàn giúp mỗi thành viên phân định rõ giữa quyền bính và vâng phục. Việc phân định thiêng liêng này giúp các thành viên nhận ra ơn thánh Chúa, nhận ra quyền bính và vâng phục đều góp phần vào việc tăng trưởng đời sống cộng đoàn theo chiều kích thiêng liêng và cộng đoàn tính được đảm bảo.
Cuối cùng, mối tương quan giữa quyền bính và vâng phục cần một sự vâng phục trong tình huynh đệ cảm thông và sẻ chia. Chính tình huynh đệ là mối dây liên kết, sẻ chia, tham gia, hiệp thông, sứ vụ với nhau giữa các thành viên. Tình huynh đệ trong Chúa Kitô giúp mỗi thành viên nhận ra mình thuộc về một gia đình thiêng liêng, đi chung trên một con đường, một lí tưởng, do đó, nơi tình huynh đệ này có sự cảm thông. Chính tính cảm thông này giúp mỗi người trong ơn thánh Chúa có khả năng tha thứ, chữa lành và tái hoà nhập để từ đây trong tinh thần hiệp hành, mỗi người hiệp thông với nhau, tham cùng nhau trong công vụ chung, cùng giúp nhau trong sứ vụ với chung một mục đích giúp nhau thăng tiến trong đời sống thánh hiến.
KẾT LUẬN
Tắt một lời, “ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em” (Mt 20,27). Do đó, người làm bề trên phải mang tâm tình phục vụ người anh em mình trong Chúa Kitô, Đấng đã nêu gương phục vụ và hiến mình vì yêu.
Và, niềm vui của người phục vụ là niềm vui của người có Chúa, niềm vui trong sứ vụ, và niềm vui phục vụ trong Đức Kitô và Hội Thánh Người theo tinh thần hiệp thông, tham gia, sứ vụ. Tất cả đều cùng chung mục đích thăng tiến đời sống riêng trong sự hài hoà thăng tiến đời sống cộng đoàn thánh hiến.
Tác giả bài viết: Tu sĩ Chúa yêu – SCJ
Tin cùng chuyên mục:
Các bài Suy niệm Lễ Đức Mẹ Mân Côi: Con Thiên Chúa xuống thế để ở với con người
Chúa nhật XXVI thường niên năm A: Đường lối của Thiên Chúa và của con người
Ngày 30/09: Thánh Giêrônimô, Linh mục – Tiến sĩ Hội Thánh
Thứ bảy tuân XXV thường niên: Phải vượt gian khổ mới hy vọng đạt được vinh quang