Homo homini lupus est…
(Đn 7, 13-14; Kh 1, 5-8; Ga 18, 33b-37)
Trong ngôn ngữ Latinh có câu tục ngữ: « Homo homini lupus est », nghĩa là: con người là lang sói của con người. Từ năm 495, nhiều triết gia sử dụng câu nói đó để viết về triết thuyết, nhận định nhân loại như Plautus, sau này là Thomas Hobbes hay Sigmund Freud. Với câu ngạn ngữ, Cæcilius Statius viết thành « l’homme est un dieu pour l’homme », nghĩa là con người là vua chúa của con người. Dù rất bi quan nhưng lại phản ánh một khía cạnh sự thật trải dài lịch sử trong nếp sống nhân loại. Lang sói là một loài thu dữ, bản tính thích tấn công, cắn xé và giết chóc. Và dường như loài người lại giống với loài thú dữ đó, luôn tấn công, cấu xé và giết chóc nhau. Bởi vậy một sử gia đã đưa ra một kết luận tương tự: lịch sử loài người là một chuỗi những cuộc chiến tranh liên tiếp. Từ khi có nhân loại trên mặt đất, mấy khi loài người được hưởng thái bình! Hầu hết thời gian lịch sử đều là chiến tranh, cụ thể: 2 cuộc chiến tranh thế giới, đại chiến thứ nhất kéo dài từ năm 1914 đến 1918, làm cho 8.700.000 người chết; đại chiến thứ hai từ năm 1939 đến năm 1945, giết chết thêm 40 triệu sinh mạng nữa. Và, hiện nay đâu đó trên thế giới vẫn luôn xảy ra xung đột, chiến tranh, giết chóc.
Trong bối cảnh giữa 2 cuộc chiến tranh thế giới làm chết hàng mấy chục triệu sinh mạng con người như thế, ngày 11/12/1925, Đức Thánh Cha Piô XI đã thiết lập Lễ Chúa Kitô Vua cầu nguyện cho nhân loại không sống trong phần “con” thú tính mà cấu xé lẫn nhau, các nước đừng nuôi mộng bá chủ hoàn cầu mà chinh chiến, chèn ép nước yếu. Và, chỉ có một Đấng xứng đáng duy nhất là Đức Kitô với vương quyền của Người. Bởi vì, đứng trước chất vấn của Philatô: “ông có phải là vua dân Do Thái không” (Ga 18, 33), Thầy Giêsu đã trả lời: “ Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do Thái” (Ga 18, 36).
Thế nhưng, nhiều thể chế luôn cố ý hiểu sai để đạt được mục đích quyền lực của mình khiến bao kitô hữu chân yếu tay mềm bị đàn áp, tử đạo. Họ cố ý không hiểu Vương Quốc Kitô là gì nên lợi dụng, kích động bao cuộc bách hại trải dài dòng lịch sử. Thầy Giêsu là Vua nhưng là “đã sinh ra và đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật” (Ga 18, 37). Trên nền tảng trao đổi giữa Thầy Giêsu và Philatô, không chỉ giải tỏa hiểu lầm danh hiệu Vua nơi Thầy, nhưng còn giúp mỗi người phân biệt cách làm vua: 1. Vua theo kiểu thể chế chính trị như La Mã thời Thầy Giêsu, thống trị người khác bằng cách nô lệ hóa theo nhiều cách thức khác nhau; 2. Vua Thiên Sai như mong mỏi đợi chờ của dân Do Thái thuộc dòng dõi vua David, vị vua chiến thắng mọi kẻ thù của Israel, vị vua theo lời hứa Yhavé Thiên Chúa; 3. Vị Vua thứ ba Thiên Sai, nhưng phá vỡ mọi não trạng suy nghĩ của dân tuyển chọn, của con người. Đó chính là Vua theo kiểu Thầy Giêsu, là chính Thầy, không áp bức, bóc lột hay dùng sức mạnh đè bẹp những ai chống đối, mà là Vua của Đức Ái tuyệt hảo.
Cụ thể, Thầy đến “để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10). Thầy mời gọi “tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28). Và trên hết, một vị Vua dám “hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10, 11), một vị Vua “đến không phải để được người ta phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người” (Mt 20, 28). Một vị Vua chịu tử nạn, hiến mạng sống vì nhân loại để rồi đón nhận ngai vàng là Thánh giá và vương miện là mạo gai. Cả cuộc đời của vị Vua là lời mời gọi tha thiết cho những ai muốn trở thành công dân Nước Trời: “ai đứng về phía sự Thật thì nghe tiếng Tôi” (Ga 18, 37).
Nói theo cách khác, một vị Vua là “Đường, sự Thật và sự Sống” đến để làm cho con người thật sự là người, chứ không phải “con người là lang sói của con người”. Cả cuộc đời của vị Vua Giêsu là giúp Con người phát huy cái tính người và đồng thời dần dần loại bỏ đi phần con trong mình: biết tôn trọng nhân phẩm nhân quyền của nhau; nhắc nhở và giúp nhau làm những việc tốt mà lương tâm chân chính của con người dạy phải làm. Người nào sống như vậy là người sống trong vương quốc của Thầy ; người nào, cố gắng làm cho nhiều người khác cũng sống như vậy là đang xây dựng vương quốc của Thầy.
Sở dĩ loài người luôn làm hại làm khổ lẫn nhau là vì còn sống theo phần con, cái tính thú trong mình. Nên, nếu muốn sống hoà thuận để cùng nhau chung hưởng thái bình thì cần sống theo phần người, được thể hiện nơi những giá trị sống nhân bản. Nhưng chưa hết, cần sống cụ thể những đức tính mà Thầy Giêsu đã dạy, đặc biệt là ba nhân đức đối thần: Tin – Cậy – Mến. Sống và “đứng về phía sự Thật” là thế, ai sống theo những giá trị Tin Mừng để thành người hơn, để sống nên thánh, thì người đó thuộc về Vương quốc của Thầy; ai giúp cho người khác sống theo những giá trị Tin Mừng ấy là người đang cộng tác xây dựng Nước Trời; và khi mọi người, dù là kitô hữu hay không, đều sống theo những giá trị Tin Mừng, thì đó là thời “Nước Cha đã trị đến”. Nước Trời không ở đâu xa, vị Vua Giêsu trị vì Vương quốc đó luôn hiện diện ngay thế giới này.
Hãy khám phá và chung tay cộng tác xây dựng Nước Trời…
Tin cùng chuyên mục:
Thứ ba tuần XXVI thường niên: Phản ứng của con người khi gặp trái ý hay đau khổ
Thứ hai tuần XXVI thường niên-Các Thiên thần hộ thủ, Lễ nhớ
Các bài Suy niệm Lễ Đức Mẹ Mân Côi: Con Thiên Chúa xuống thế để ở với con người
Chúa nhật XXVI thường niên năm A: Đường lối của Thiên Chúa và của con người