CN.XXXIII.Các Thánh Tử đạo Việt Nam.C
Gieo đẫm lệ, gặt hân hoan…
(2 Mcb 12, 43-45/2 Mcb 7, 1.20-23.27b-29 ; Kh 21,1-5a.6b-7/ Rm 8, 31b-39 ; Lc 9,23-26)
Đời sống con người luôn được ví như cuộc lữ thứ trần gian vì “sống gửi, thác về”. Là lữ thứ nên chọn cho mình đường đời và cùng đích của nó để đi trọn vẹn hướng tới cuộc trở về nguồn, thác về. Có người chọn con đường danh vọng-quyền lực, đấu đá nhau từng bước trèo lên cao để làm sao lưu tên của mình. Có người bước vào con đường kiếm tiền, tìm mọi cách đong đầy túi tham, và như thế cũng… lưu tên sử sách. Có người tìm đến những thú vui thỏa mãn vì chỉ muốn “sống gửi” chứ không muốn “thác về”. Còn người khác lại chấp nhận thiệt thòi, thậm chí chấp nhận cái chết để đi trọn con đường trở về nguồn đời sống hạnh phúc vĩnh cửu.
Những ai trở về nguồn đạt được hạnh phúc vĩnh cửu bằng chính cái chết của mình được ngôn ngữ Hi Lạp, ngôn ngữ Tân Ước, diễn tả bằng từ μαρτύρος-μάρτυρες/marturos-marturés, nguyên nghĩa là chứng nhân, là người làm chứng. Họ dám hi sinh để làm chứng cho chân lý, dám chọn cái chết “vì đạo”, tử vì đạo để không đi ngược lại niềm tin của mình.
Là chứng nhân Tình Yêu cho Thầy Giêsu, có những người như bà Anna Lê Thị Thành, còn gọi là bà Đê, đã chu toàn vai trò hiền mẫu của mình, theo lời tường thuật của người con gái út : “Thân mẫu chúng tôi rất chăm lo việc giáo dục các con. Chính người dạy chúng tôi đọc chữ và học giáo lý, sau lại dạy cách dự thánh lễ và xưng tội rước lễ”. Bước sang tuổi 60, bà Đê bị bắt vì tội là kitô hữu và cho các linh mục trú ẩn tại nhà của mình. Đánh đập, tra tấn, dụ dỗ chối bỏ niềm tin, bị lôi qua Thánh Giá, thả rắn độc vào người, nhưng bà vẫn trung kiên giữ vững Đức Tin của mình. Thân xác đòn roi túa máu ướt đẫm quần áo, bà lại coi đó như được mặc áo hoa hồng. Trung kiên đến cùng để rồi sau ba tháng cực hình, bà đã đi trọn con đường lữ thứ trần gian để “thác về”, trở về Nhà Cha khoác triều thiên tử đạo.
Từng đoàn người như thế luôn vững bước “sống gửi” lại thế trần những giọt máu đào. Từng đoàn người với mọi tuổi đời, với mọi tầng lớp kiên vững niềm tin bước ra pháp trường : có những vị quan lớn trong triều đình Hồ Đình Hy, quan án Phạm Trọng Khảm chấp nhận mất chức quyền, phù hoa danh vọng hơn mất Đức Tin ; có những thanh thiếu niên Tôma Thiện, Phaolô Bột cương quyết từ chối tất cả để dâng hiến tuổi thanh xuân cho Đức Tin chân chính. Một cuộc tử đạo kéo dài gần 300 năm, từ năm 1638 đến 1866 với trên 100.000 chứng nhân anh dũng chịu đủ loại cực hình : bá đao-tùng xẻo (cắt cơ thể đủ 100 miếng theo tiếng trống), lăng trì (chặt đứt tứ chi trước khi bị chém đầu), xử giảo (thòng dây vào đầu và kéo cho đến chết), thiêu sinh (thiêu sống), xử trảm (chém đầu), chết rũ tù (bị hành hạ đủ kiểu cho đến chết).
Không ở đâu xa, chỉ cách nhà thờ Chánh tòa Bà Rịa khoảng 300m còn lưu lại chứng tích bách đạo cay nghiệt dưới thời vua Tự Đức : nhà thờ Mồ. Đây là nơi dấu tích nhà tù xưa vào tháng 9 năm 1861 đón nhận những tù nhân bị giam cầm ngược đãi, bị xăm hai bên má 4 chữ “Biên Hòa Tả Đạo” để nhục mạ Kitô giáo. Để rồi chỉ trong một đêm ngày 07-01-1862, 288 tù nhân trở thành đuốc sống trong mồi lửa của các quan quân thất trận Tự Đức. Nấm mồ bằng cẩm thạch được cha Jules Jean-Baptiste Errard mang về từ Hong Kong năm 1871 ghi nhớ :
Ba trăm bổn đạo xác nằm đây
Những trông sống lại hưởng phước đầy
Vì Chúa tù lao dư ba tháng
Cam lòng chịu chết cháy chỗ này
Lập mộ táng chung vào một huyệt
Giáo dân coi đó nhớ hằng ngày…
Các vị tiền nhân đã sống như thế trong thuở đầu hạt giống Đức Tin được gieo vào mảnh đất Việt, còn mỗi kitô hữu ngày nay thì sao ? Không còn sống trong thời bách đạo đổ máu như xưa, nhưng dường như cũng đang sống trong thời bách đạo mới : bách đạo theo kiểu kinh tế thị trường, theo kiểu công nghệ-thông tin. Bách đạo kinh tế thị trường, bởi vì con người ngày nay tôn thờ µαµωνᾷ/Mamona, tôn thờ Tiền Của. Chính vì tôn thờ Thần Tài nên làm mọi cách để làm giàu, mở rông túi tham đến độ đẩy nhau vào đường cùng, bóc lột và đầu độc giết nhau cách âm thầm. Kitô hữu vì sống chứng nhân Tình Yêu, vì sống đúng lương tâm bảo vệ Đức Tin chịu bao thiệt thòi, cay nghiệt người đời. Cũng có kiểu bách đạo theo kiểu công nghệ-thông tin làm suy thoái như cơn bão cuốn hút giới trẻ bước vào đời sống ảo, đam mê “chém gió” đẩy nhau vào lối sống bất cần đời. Sống ảo trong lốc xoáy thông tin không được chọn lọc hay đã được định hướng để che giấu sự Thật, khiến bao người bị ru ngủ, mê man. Bị lèo lái sống ngược với Chân-Thiện-Mỹ làm lung lạc bao niềm tin yêu. Kitô hữu hơn bao giờ hết bị đả phá, chống đối không thương tiếc trong cơn bão mang tên truyền thông.
Động lực hướng dẫn cuộc đời các vị tiền nhân tử đạo là tình yêu và, cái chết của các ngài làm chứng cho tình yêu. Đó chính là điều mà mỗi kitô hữu tiếp bước con đường đời của mình : hãy kiên cường làm chứng nhân tình yêu trước lốc xoáy bách đạo kinh tế thị trường ; hãy luôn tỉnh thức trước cơn bão công nghệ-thông tin để vững bước trên con đường hướng về Chân-Thiện-Mỹ, hãy đón nhận mọi thiệt thòi, chèn ép, cay nghiệt để không chỉ Chết vì Đạo nhưng còn là Sống vì Đạo… Để rồi, dù sống lữ hành trần gian gieo đẫm lệ, nhưng mùa gặt mai sau ngập tràn hân hoan…
Lm. Jos. PHẠM, SCJ
Tin cùng chuyên mục:
Các bài Suy niệm Lễ Đức Mẹ Mân Côi: Con Thiên Chúa xuống thế để ở với con người
Chúa nhật XXVI thường niên năm A: Đường lối của Thiên Chúa và của con người
Ngày 30/09: Thánh Giêrônimô, Linh mục – Tiến sĩ Hội Thánh
Thứ bảy tuân XXV thường niên: Phải vượt gian khổ mới hy vọng đạt được vinh quang