CN.XXXII.TN.C Sinh ký tử quy…

59 lượt xem Suy Niệm
maxresdefault 1 2

CN.XXXII.TN.C

Sinh ký tử quy…
(2 Mcb 7, 1-2.9-14; 2 Tx 2, 16-3, 5; Lc 20, 27-38)

 

Người Việt có câu nói: sinh ký tử quy, nghĩa là sống gửi thác/chết về. Một câu nói chứa đựng cái nhìn, quan niệm về sự sống và cái chết. Nhưng, sống-chết đó luôn là đề tài bàn luận từ ngàn xưa, theo Khổng Tử thì “sống còn chưa biết thì biết chết để làm gì? Khi tôi sống thì làm sao biết được chết là gì. Khi tôi chết rồi, lại càng không thể biết chết là gì”. Những ai theo lối sống vô thần cho rằng chết là hết, chẳng còn gì nữa, mọi chuyện xảy ra sau khi chết chỉ là chuyện tưởng tượng. Quan sát thực tế lại khác, họ mạnh dạn phê phán tôn giáo và coi “tôn giáo là thuốc phiện” mê hoặc con người, thế nhưng vẫn âm thầm cúng bái, xây chùa chiền để “lỡ mà có cuộc sống sau khi chết thì…”; phải chăng bên cạnh đó cũng là để xoa dịu lương tâm không trong sạch theo lối sống hưởng thụ, tìm mọi cách đáp ứng nhu cầu-thỏa mãn bản thân. Nếu chết là hết thì cuộc đời mỗi người thật vô nghĩa, vô phúc đến đáng sợ. Cát bụi trở về cát bụi, không còn gì tiếp theo sau, nên sống để trả thù đời vô nghĩa bất chấp hậu quả. Trong âm hưởng đó, Cao Bá Quát thốt lên:

Ba vạn sáu ngàn ngày lá mấy,
cảnh phù du trông thấy những nực cười.
Thôi công đâu chuốc lấy sự đời
tiêu khiển một vài chung lếu láo.

Cao Bá Quát nghĩ rằng đời người ngắn lắm, dài nhất là 3 vạn 6 ngàn ngày, nghĩa là 100 năm, sau đó thì ai cũng chết, mà chết là hết tất cả, cho nên còn sống bao lâu thì hãy lo ăn chơi, hưởng thụ, uống rượu “tiêu khiển một vài chung lếu láo”. Còn những năm gần đây, một số bác sĩ người Đức và Mỹ rất chú ý nghiên cứu kinh nghiệm cận tử để tìm hiểu xem phải chăng tồn tại cõi âm. Họ đã phỏng vấn 1370 người trải qua kinh nghiệm hồi sinh sau khi chết một thời gian ngắn. Trong những điều họ thuật lại, có những điểm mà ai cũng nhất trí: 1. Có một cuộc sống khác ở “cõi bên kia” và cuộc sống đó hạnh phúc hơn cuộc sống ở đời này.; 2. Điều đặc biệt là sau khi “chết đi sống lại”, không ai còn sợ chết, không còn ham muốn kiếm tiền bạc danh vọng lạc thú nữa. Điều duy nhất mà họ quan tâm là sống yêu thương, quảng đại, phục vụ mọi người (Willie Hoffsuemmer).

Vào thời Thầy Giêsu, phái Sađốc cũng không tin có sống lại. Họ dựa vào một khoản luật của Môsê (Đnl 23,5; Dt 25, 5-10) để đặt ra một câu chuyện lố bịch chế diễu Thầy. Khoản luật đó là: Nếu một người đàn ông có vợ nhưng chưa có con mà bị chết, thì một trong các anh em trai của người chết ấy phải cưới lấy người vợ góa. Khi sinh ra đứa con đầu tiên thì phải coi đứa con đó là con của người đàn ông quá cố. Mục đích của luật này là để cho người quá cố không bị tuyệt tự, nhưng vẫn có con lưu truyền nòi giống cho mình. Phái Sađốc đã căn cứ vào khoản luật này và đặt ra một thí dụ: gia đình kia có 7 anh em trai, người thứ nhất lấy vợ rồi chết mà không có con, người thứ hai lấy người vợ góa đó nhưng cũng chết không con, tới người thứ 3, thứ tư, năm, sáu bảy đều lần lượt lấy người vợ góa đó và cũng đều chết mà không có con. Vậy khi sống lại thì người đàn bà này sẽ là vợ của ai? Mục đích của phái Sađốc là mỉa mai cho rằng sống lại là việc phi lý, vì nếu có sống lại thì chẳng lẽ người đàn bà ấy có thể là vợ chung của tập thể 7 anh em kia sao?

Sai lầm của những người phái Sađốc là đây, họ dựng câu chuyện theo quan niệm có tính cách vật chất về sự sống lại. Họ nghĩ đời sống trần gian này thế nào, thì khi sống lại ở đời sau cũng vậy: Đời này dựng vợ gả chồng thì đời sau cũng chồng nào vợ nấy. Đây cũng là quan niệm “sống sao, chết vậy” của nhiều người Việt, nên mỗi dịp rằm lớn, đặc biệt rằm tháng giêng – tháng 7, rất nhiều nhà biệt thự, siêu xe, iphone, quần áo thời trang, vàng bạc và cả tiền usd giấy được đốt để gửi cho người thân ở cõi âm.

Thầy Giêsu đã trả lời bằng cách bác bỏ quan niệm sai lầm về sự sống lại, Thầy chứng minh rằng: “Con cái đời này cưới vợ gả chồng”, sự sống tại trần thế có cưới vợ gả chồng vì lẽ đời sống con người có sinh có tử, và vì có tử nên con người cần phải dựng vợ gả chồng để truyền sinh và nối dõi. Trong đời sống mai hậu họ không còn cưới vợ gả chồng vì hai lý do : một là vì họ sẽ không thể chết được nữa, và họ được ngang hàng với các thiên thần; hai là vì họ trở nên con cái Thiên Chúa, và là con cái của sự sống lại, nghĩa là được thừa hưởng một thế giới mới và sự sống mới từ nơi Thiên Chúa:

* “Quả thật, họ không thể chết nữa”, vì được ngang hàng với các thiên thần: khi sống đời đời, người ta sẽ không còn lo lắng việc đời nữa, ngoài việc phụng sự và ngợi khen Thiên Chúa, giống như nhiệm vụ của các thiên thần.

* “Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại”: Kiểu nói của người Sêmít này có nghĩa là một khi được Thiên Chúa nhận là con cái thì họ cũng được thừa hưởng thế giới mới và sự sống mới nhờ việc sống lại (x. Ep 1,5; Rm 8,18-21).

* Em bé 12 tuổi con ông Giairô, chàng thanh niên con của bà góa thành Naim và cuối cùng là Lagiarô đã chết 4 ngày được sống lại, Thầy Giêsu đã không coi sự chết như một sự chấm dứt tất cả mà chỉ coi sự chết như một giấc ngủ.

* Và trên hết, sự Phục sinh của Thầy từ cõi chết là bảo chứng và nền tảng cho niềm tin vể cuộc sống mai sau, cuộc sống đời đời.

Niềm tin kitô hữu ngày nay thì sao? Dường như nhiều kitô hữu luôn sống theo kiều “chân trong, chân ngoài”, theo kiểu nếu – thì: lung lay đời sống đức tin nên buông thả theo nhịp sống chung đạt được mọi thỏa mãn đến độ tục hóa, nhưng vẫn ráng cố gắng giữ cách máy móc các thực hành phụng vụ, bởi vì nếu – thì. Đức Thánh Cha Phaolô VI có lần đã nói đến một hiện tượng đang có ở trong Giáo Hội. Đó là hiện tượng “những người công giáo vô thần”: những người đã được Rửa tội, thậm chí đã lãnh nhận Bí tích thêm sức, Hôn phối nhưng cuộc sống của họ chẳng gì một cuộc sống không có Thiên Chúa, họ sống như chẳng có đời sau.

Còn tôi thì sao, đang sống niềm tin Công giáo thế nào? Theo kiểu Sađốc, theo kiểu người công giáo vô thần hay đang chuẩn bị cẩn thận cuộc đời mai hậu?

Mỗi kitô hữu hãy tâm niệm rằng sống là để chết. Ta biết mình đang đi về đời sau để gặp Đấng mà mình tin yêu suốt đời. Vì thế, cái chết không làm cho ta bi quan, ngược lại, cái chết dạy ta biết cách sống. Ta hãy sống như sẽ chết, để khi chết, ta trở về nguồn cội đích thật của mình là quê hương vĩnh cửu. Nơi đó, Thiên Chúa đang chờ để ban hạnh phúc muôn đời cho kẻ đã “xét đáng được dự phần đời sau”.

Lm. Jos. PHẠM, SCJ