CN.XXXII.TN.B

58 lượt xem Suy Niệm
004

Cho thì có phúc hơn nhận…
(1 V 17, 10-16; Dt 9, 24-28; Mc 12, 38-44)

 

Trong những lời dạy dỗ của người xưa có nhiều câu tuyệt vời để giúp con người ngay nay thoát khỏi nếp sống thực dụng-vô cảm: của cho không bằng cách cho, vì giá trị quà tặng không nằm hệ tại ở ít hay nhiều nhưng là tình cảm chất chứa trong đó; đồng nghĩa là “vật khinh hình trọng” có ý nói đến con người là qúy trọng, còn của cải thì coi thường, và con người có giá trị hơn của cải; bên cạnh đó cũng có câu khác ý nghĩa tương tự, “thèm lòng chẳng ai thèm thịt” hoặc “vị tình vị nghĩa, không ai vị đĩa xôi đầy”, đều có ý nói: người ta đến giỗ tết hiếu hỷ vì quan hệ tình cảm chứ không phải cốt để ăn uống.

Mẹ thánh Teresa Calcutta thuật lại rằng một hôm mẹ đang đi trên đường phố thì gặp một người ăn xin. Người này nói : “Thưa mẹ Teresa, ai nấy cũng cho mẹ hết. Trọn ngày hôm nay tôi cũng xin được cho mẹ 30 xu. Tôi muốn cho mẹ hết”. Mẹ Teresa suy nghĩ nếu tôi lấy 30 xu thì người ăn xin sẽ không có gì để ăn đêm nay, nhưng nếu tôi không lấy thì ông sẽ đau lòng. Vì thế, tôi đưa tay ra nhận số tiền. Quả thực tôi chưa từng thấy một khuôn mặt nào rạng rỡ niềm vui như gương mặt người ăn xin, khi ông nghĩ rằng anh cũng có cái gì đó cho mẹ Teresa.

Và, mẹ thánh tường thuật tiếp: Thật là một hy sinh lớn đối với người nghèo, ông đã phải ngồi ngoài nắng suốt ngày mới kiếm được 30 xu. 30 xu chẳng là bao và cũng chẳng làm được gì, nhưng khi ông đưa và tôi nhận lấy, thì nó trở thành hàng ngàn bởi vì nó được cho với biết bao lòng mến. Và mẹ kết luận, Thiên Chúa không nhìn đến tầm vóc lớn lao của việc ta làm, Ngài nhìn tấm lòng của ta khi làm việc đó.

Ngược lại, người đời thường hành động theo phương châm “đẹp khoe, xấu che”. Ai cũng muốn cho mình được người ta ca tụng, không muốn bị người ta chê cười, nên tìm cách giấu đi những cái xấu mà chỉ phô ra những cái tốt của mình. Luật sĩ là những người chỉ thích khoe những cái tốt đẹp của mình để lòe thiên hạ, nhưng những cái họ khoe ra không có thực mà chỉ là ảo, nghĩa là họ giả hình giả bộ cốt lấy tiếng khen của mọi người. Thầy Giêsu cảm nhận sâu sắc điều đó nên dành thời gian quan sát những người bỏ tiền dâng cúng cho đền thờ. Thầy khám phá và nêu bật hai hình ảnh trái ngược: nhiều người giàu bỏ thật nhiều tiền; nhưng cũng có một bà goá nghèo bỏ vào hai đồng xu nhỏ. Bà góa đã sống theo phương châm “vật khinh hình trọng”, nghĩa là bà đã dâng cúng cho Thiên Chúa với “của ít lòng nhiều”. Lễ vật của bà tuy bé mọn nhưng gói ghém rất nhiều lòng mến.

Cũng cần điểm lại nếp sống xã hội thời đó, một bà góa, nghĩa là một phụ nữ, một người đáng thương hại dưới con mắt của nam giới vốn có ưu thế trong gia đình và xã hội, nam trọng nữ khinh. Vì không còn sự bao bọc của chồng, người góa phụ chỉ còn nhờ vào tài sản chính mình, không ai giúp đỡ. Theo Thánh Kinh các bà góa được liệt vào số những người nghèo khổ nhất cùng với những người mồ côi và tha phương cầu thực (Đnl 24,17-22). Thầy Giêsu vì thế cất tiếng khen ngợi: “Thầy bảo thật anh em, bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà góa nghèo này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình” (Mc 12, 43-44).

Không chỉ là lời khen mà còn là lời truyền dạy đến mọi kitô hữu: Đối với Thầy Giêsu, giá trị của món quà không tuỳ vào giá mua của món quà đó nhưng tuỳ vào mức độ yêu thương mà người trao tặng đặt vào trong món quà. Giá trị của một món quà có thể tăng lên nhiều lần nếu được trao tặng với tấm lòng yêu thương và trân trọng. Cụ thể, nếu có ai đó nài xin ta một số tiền mà ta chẳng muốn cho, nhưng vì người ấy cứ nài nỉ mãi khiến ta bực mình. Nên cuối cùng, để tống cổ người đó đi, ta đem cả cọc tiền lớn, bực bội ném cho người ấy và nói: “Tiền đây! Lải nhải hoài!” Chắc chắn người kia, dù nghèo thiếu đến mức nào đi nữa, sẽ quay mặt bỏ đi, mang theo trong lòng không chỉ là mặc cảm mà còn là nỗi hận vì bị xúc phạm.

Điều làm đẹp lòng Thiên Chúa không phải là dâng cho Ngài nhiều món quà lớn nhưng là dâng tình yêu lớn. Dâng cho Thiên Chúa những món quà lớn hay những thành quả lớn lao vĩ đại mà thiếu vắng tình yêu, thì lễ vật đó sẽ trở thành trống rỗng và chẳng có giá trị. Hoa trái của tấm lòng bao la đó còn được thể hiện rõ nét trong bài đọc 1: Sách Các Vua thuật lại câu chuyện có một bà góa ở Serepta đang đi kiếm củi. Ngôn sứ Êlia thấy bà đội một cái bình dầu trên đầu thì tưởng bà ta đi múc nước. Nhưng không, đó là một cái vò đựng một chút bột còn sót lại. Bà đi kiếm mấy thanh củi rồi về nướng làm bánh cho con trai ăn và mình ăn rồi cũng chết. Sống trong nạn đói cùng cực như vậy, thế nhưng đối diện với lời yêu cầu của Êlia, bà vẫn sẵn sàng hy sinh nhường cho vị ngôn sứ ăn, dù không biết ông là ai. Chính vì lòng hy sinh bác ái tột độ đó, Thiên Chúa đã làm dấu lạ cho hũ bột không vơi, vò dầu không cạn để cứu sống gia đình của bà và tiên tri Êlia nữa.

Mẹ thánh Teresa nhắn nhủ: “Khi ta trao tặng một món quà, mà nếu là một mất mát hy sinh lớn đối với ta, thì đó mới thật là món quà”; và cụ thể hơn, “chúng ta không thể làm những việc lớn lao, nhưng chúng ta có thể làm những việc nhỏ với tình yêu lớn lao”. Trong bức thư gửi cho đấng đáng kính Hồng y Fx. Nguyễn Văn Thuận, mẹ Teresa viết: “Điều đáng kể không phải là số lượng công việc ta làm, nhưng là mức độ yêu thương mà ta đặt vào trong mỗi công việc”…