Cẩn tắc vô ưu…
(Kn 6, 13-17; 1 Tx 4, 13-18; Mt 25, 1-13)
Để răn dạy nhau luôn biết cẩn thận, lo xa đề phòng bản thân rơi vào những hoàn cảnh bất ngờ không lường trước sẽ bị bối rối và không thể xử lý, các bậc tiền nhân thường dùng câu thành ngữ Hán-Việt: “cẩn tắc vô ưu”, nghĩa là, luôn phải cẩn thận làm việc thì không phải lo lắng về sau, thận trọng giữ gìn thì không phải lo lắng. Câu nói càng đúng với thời đại ngày nay, khi mọi người dường như chạy đua trong cơn bão thực dụng để so kè đời sống kiếm tiền, hưởng thụ của bản thân bất chấp hậu quả. Chính những ganh đua này nên đời sống luôn rơi vào bất an: lo lắng vì sợ bị người vượt mặt; che giấu nỗi sợ vì nếu bị đưa ra ánh sáng những hành vi mờ ám; lo lắng vì sợ những hậu quả gây ra cho người khác. Đủ mọi thứ gây ra lo lắng nên quên dần câu nói: “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử”, con người xưa nay ai mà không chết, chính vì thế cần:
Người đời hữu tử hữu sinh
Sống lo xứng phận, thác dành tiếng thơm
Là người ai cũng phải chết, nhưng chuẩn bị, hướng tới cái chết của bản thân thế nào lại là chuyện khác. Sống trong tháng 11 không chỉ là được mời gọi “người phải chết/người sẽ chết cầu nguyện cho những người đã chết”, những thay đổi về thời tiết của mùa Thu chuyển sang ảm đạm của mùa Đông nhắc nhở mỗi người mọi sự sẽ đi đến chung cuộc. Và như thế, làm sao để có thể chuẩn bị cho mình kết cuộc tốt nhất?
Một câu hỏi được Thầy Giêsu trả lời rõ ràng qua dụ ngôn Mười cô trinh nữ tham dự tiệc cưới. Mỗi vùng miền đều có những tục lệ khác nhau, ở Palestin cũng thế, cô dâu phải ở nhà cha mẹ chờ chú rể cùng bạn bè đến rước. Tiến sĩ Alexander Findlay, có lần đi du lịch tại xứ Palestin về, thuật lại những điều được chứng kiến: Khi chúng tôi đến gần cổng một thị xã Galilê, tôi thấy 10 cô gái vẫy tay và đánh đàn vui vẻ, nhảy múa dọc theo con đường phía trước xe chúng tôi. Tôi hỏi họ đang làm gì vậy? Người hướng dẫn trả lời, họ ra nhập nhóm với cô dâu chờ chàng rể đến. Đờng thời, một trong những niềm vui lớn nhất trong đám cưới trung lưu ở Palestin là làm sao bắt gặp nhà gái đang ngủ, vì vậy, chàng rể thường đến bất ngờ, đôi khi vào lúc nửa đêm. Theo ý của công chúng thì chàng rể phải cho một người đi trước để la lên rằng: “Kìa, chàng rể đang đến”. Việc đó có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nên nhà gái phải luôn luôn sẵn sàng đi ra đường để đón chàng rể. Điểm quan trọng khác là không ai được phép ở ngoài đường sau khi trời tối nếu không có đèn. Khi chàng rể đến và cửa đóng lại thì những người đến trễ không được phép vào.
Điều Thầy Giêsu kể trong dụ ngôn là diễn tiến một tiệc cưới thường được cử hành, nhưng thông điệp được truyền tải cần khám phá với điểm nhấn là 5 cô trinh nữ bị cho là “khờ dại”.
Khờ dại, vì không chu toàn bổn phận cũng là bổn phận hằng ngày của mỗi kitô hữu. Bổn phận đó đòi hỏi phải chu toàn từng giây từng phút của cuộc đời chứ không phải là dành mãi đến phút chót mới làm theo kiểu “nước đến chân mới chạy”. Đối với hạnh phúc đời sau cũng vậy, nếu không chuẩn bị sẵn sàng gặp Thiên Chúa, thì khi Ngài đến không ai có thể trở tay kịp và hệ quả ai cũng biết. Khờ dại là vì không phải điều gì cũng có thể “vay mượn”, như 5 cô trinh nữ “khờ dại” khi khám phá ra đèn của mình hết dầu mới đi cầu cứu, lúc đó mới thấy được thực tế phũ phàng. Phũ phàng vì chẳng ai có thể mượn được dầu là mối tương quan với Thiên Chúa, cũng không thể vay mượn được nhân cách và, cũng không thể sống mãi nhờ dựa vào người khác.
Khờ dại, vì khôn mà chưa đủ ngoan trong cuộc sống. Người khôn ngoan luôn là người luôn biết sống cách sẵn sàng như cuộc sống chỉ là hôm nay, là bây giờ, nếu chỉ có khôn thì luôn tính toán thiệt hơn và luôn suy nghĩ tôi còn nhiều thời gian… “E không đủ cho chúng em và các chị, các chị ra hàng mà mua thì hơn” (Mt 25, 10). Câu trả lời dường như làm mọi người cảm nhận 5 cô khôn ngoan ích kỷ, nhưng là dầu bác ái, yêu thương làm sao chia sớt.
Khôn ngoan, là luôn giữ đèn cuộc đời đức Tin cá nhân sáng, dầu bác ái-yêu thương đầy đủ để có thể giữ ngọn lửa lòng Mến Thiên Chúa không tàn lụi, và từ đó trông Cậy trọn vẹn vào bước chân Ngài ngự đến, cùng Ngài bước vào dự tiệc cưới Nước Trời…
Tin cùng chuyên mục:
Các bài Suy niệm Lễ Đức Mẹ Mân Côi: Con Thiên Chúa xuống thế để ở với con người
Chúa nhật XXVI thường niên năm A: Đường lối của Thiên Chúa và của con người
Ngày 30/09: Thánh Giêrônimô, Linh mục – Tiến sĩ Hội Thánh
Thứ bảy tuân XXV thường niên: Phải vượt gian khổ mới hy vọng đạt được vinh quang