Ánh mắt Thầy Giêsu…
(Kn 7, 7-11; Dt 4, 12-13; Mc 10, 17-30)
Một bác nông dân người Anh đang ngồi nghe một nhà giảng thuyết tài ba John Wesley rao giảng Tin Mừng. Hôm đó, nhà giảng thuyết đề cập đến vấn đề tiền bạc của cải.
Đầu tiên, nhà giảng thuyết nói đến việc “phải ra công tích lũy tiền bạc tối đa, phải dùng hết khả năng để kiếm tiền và làm giàu”. Bác nông dân gật đầu và nói nhỏ vào tai ông bạn thân đang ngồi bên cạnh: “Thật là một tư tưởng hay”.
Rồi nhà giảng thuyết khai triển điểm thứ hai của bài giảng: “Phải tiết kiệm tối đa, ông lên án những thói ăn chơi xa xỉ, quăng tiền qua cửa sổ”. Bác nông dân một lần nữa lại xuýt xoa: “Bài giảng thật là tuyệt vời, cám ơn Chúa, từ trước đến giờ ta vẫn luôn làm như ta vẫn luôn làm như lời ông ta nói là tiết kiệm”.
Cuối cùng, nhà giảng thuyết đề cập đến điểm then chốt: “Hãy đem những của cải đã thu gom được chia sẻ cho những Đức Kitô hiện thân nơi những người nghèo chung quanh, vì của cải vật chất là của Thiên Chúa ban chung cho nhân loại, chúng ta chỉ là những người quản lý. Do đó, chúng ta phải tích cực làm việc bác ái xã hội, phải dạy người nghèo một nghề để tự kiếm sống, phải tạo ra nhiều việc làm, đừng để xảy ra tình trạng người thì ăn sung mặc sướng, trong khi nhiều người khác lại bị đói khát, bất hạnh…”. Nghe vậy, bác nông dân sụ nét mặt lại, lắc đầu tỏ ý không bằng lòng và bỏ ra về, ông vừa đi vừa lẩm bẩm: “Cái lão thầy tu này giảng không thực tế chút nào, tại sao lại phải đem tiền của kiếm được do công lao mồ hôi nước mắt của mình mà chia sẻ cho kẻ khác?”
Bác nông dân trên đây đã phản ứng trước đòi hỏi của Tin Mừng về vấn đề tiền của rất giống với chàng thanh niên trong bài Tin Mừng hôm nay. Anh thành tâm thiện chí xin Thầy Giêsu một lời khuyên để đạt sự sống đời đời. Có lẽ ít có thanh niên nào lại bận tâm đến cuộc sống đời đời như anh thanh niên này, vì thường họ chỉ nghĩ sống cho hiện tại. Thầy nhìn anh đầy yêu thương và nói: Hãy giữ các điều răn, đó là phương thế rất phổ thông và truyền thống trong đạo Do Thái.
Thầy dành ánh mắt yêu thương nhìn anh, một người trẻ giàu có và thành công trong cuộc sống nhưng giữ vững đời sống công chính, ngay thẳng và không dối gian. Bởi vì, anh đã tuân giữ mọi điều ngay từ nhỏ: “Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ kính cha mẹ” (Mc 10, 19). Bên cạnh đó, anh là người có chí cầu tiến đặc biệt về đời sống thiêng liêng vượt qua rào cản giàu có về vật chất. Anh luôn nghe được tiếng réo gọi trong tâm hồn về khát vọng sự sống đời đời nên luôn kiếm tìm. Và, anh đã gặp được Thầy là nguồn mạch sự sống anh đang khát khao chính vì thế anh thể hiện cụ thể kiếm tìm đó: “Đức Giêsu vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ trước mặt Người” (Mc 10, 17). Thế nhưng, anh thanh niên đã không thể hoàn tất khởi đầu thuận lợi đó. Anh thiếu một đòi hỏi từ bỏ cách dứt khoát mọi ràng buộc để theo Thầy: “Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy theo tôi” (Mc 10, 21).
Lời mời gọi được Thầy truyền đạt nhưng anh thanh niên đã tự đánh mất để trở thành môn đệ của Thầy, anh đã để vuột mất khỏi tầm tay vì không chấp nhận được điều kiện Thầy đưa ra. Để rồi từ đó, Thầy “rảo mắt nhìn xung quanh” lên tiếng cảnh tỉnh: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao”; và Thầy nói thêm: “con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa” (Mc 10, 22.25).
Sau khi đưa ánh mắt nhìn cảnh tỉnh về mối nguy cơ và cản trở lớn, Thầy đã “nhìn thẳng vào các ông” (Mc 10, 27), một cái nhìn trực diện đòi hỏi đầy quyết đoán và dứt khoát: “Đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được”. Đúng thế, chính hồng ân của Ngài giúp mỗi kitô hữu vượt qua được những rào cản của “tham, sân, si” và hướng về Nước Trời, nếu bản thân cộng tác với ơn Chúa và giúp mọi người nhận ra không thể “bắt cá hai tay” là bởi vì:
Tiền bạc có thể mua được chiếu giường, nhưng không mua được giấc ngủ.
Có thể mua được nhà cửa, nhưng không mua được hạnh phúc.
Có thể mua được thức ăn, nhưng không mua được sức khỏe.
Có thể mua được đầy tớ, nhưng không mua được lòng trung thành.
Có thể mua được sắc đẹp, nhưng không mua được tình yêu…
Từ chân nhận những giá trị tương đối để hướng tới những giá trị chân lý giúp mỗi kitô hữu biết đi ra khỏi những khuôn phép của chính mình, hành động cách cụ thể trong đời sống Đức Tin: từ bỏ những gì mình có, từ bỏ những gì làm thành cuộc đời mình, để thuộc về Đức Kitô cách trọn vẹn hơn; Cụ thể, bỏ qua lối sống đạo hời hợt bên ngoài, sống đạo cách tiêu cực, sống đạo theo thói quen mà thiếu xác tín, thiếu tình yêu và nhất là thiếu tính dấn thân trong việc sống, làm chứng và loan báo Đức Kitô cho những người xung quanh…
Tin cùng chuyên mục:
Dự án Nhà Mẹ Lavang-Fatima và đại lễ khánh thành và làm phép tượng đài Đức Mẹ Lavang-Fatima do Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng chủ tế
Ngôn ngữ của tình yêu
Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới Truyền giáo 2023
Thứ tư tuần XXVI thường niên, Thánh Phaxicô Assisi: Không có gì quí hơn là Thập Giá của Đức Kitô