CN.XXVI.TN.C Giàu có vs Khó nghèo…

66 lượt xem Suy Niệm
V 2016 CN26TN Lazarus Lc16 19 31 1

CN.XXVI.TN.C

Giàu có vs Khó nghèo…
(Am 6, 1a. 4-7 ; 1 Tm 6, 11-16 ; Lc 16, 19-31)

 

Trong đời sống con người luôn có những bất công tưởng chừng không bao giờ có thể xóa nhòa : giàu-nghèo, lương thiện-tà ác, trong sáng-đen tối, hữu tâm-vô cảm, sống-chết… Mỗi mặt của đời sống luôn dẫn đến những cùng đích của nó. Cái cùng đích như là kết quả của lối sống, suy nghĩ và hành động bản thân. Bởi vì cuộc đời là khoảng thời gian chóng qua, nhiều người giữ quan điểm “thà một phút huy hoàng hơn trăm năm u ám” nên cần sống hưởng thụ bằng mọi giá, bằng mọi cách cho khỏi uổng làm người. Cũng chính “phút huy hoàng” bằng mọi giá nên trái tim trở nên chai lỳ, trở nên vô cảm và chỉ biết sống ích kỷ cho bản thân.

Cũng chính vô cảm tạo nên hố sâu phân cách giữa các tầng lớp xã hội được thể hiện rõ nét ngày nay, đặc biệt giữa giàu-nghèo, giữa đại gia-cùng đinh. Một phân cách bị Amos lên án mạnh mẽ nơi thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên. Vị ngôn sứ không chịu đựng nổi những kẻ có thế lực nhục mạ người khốn khổ bằng lối sống xa hoa của mình. Để rồi, Amos không tiếc lời đả kích những kẻ giàu có chỉ biết hưởng thụ, ăn uống, chè chén, say sưa ca hát mà không quan tâm đến người khác, “chẳng biết đau lòng trước cảnh Israel sụp đổ”. Họ sẽ bị diệt vong. Sống trên đời là phải sống liên đới với người khác trong vui-buồn, hạnh phúc-khổ đau.

Lời vị ngôn sứ được Thầy Giêsu bày tỏ một cách rõ ràng với hoa trái cùng đích cuộc đời nơi dụ ngôn người giàu ích kỷ và Lazarô nghèo khó. Lối sống hưởng thụ giàu có trong cái nhìn, trong quan điểm sai lầm của người biệt phái là kết quả từ lối suy nghĩ : người lành luôn được thịnh vượng, kẻ ác gặp phải bất hạnh. Và cũng chính vì như thế, họ cho rằng thịnh vượng là dấu chỉ ơn lành của Thiên Chúa, và nghèo nàn là dấu ấn bị ruồng bỏ. Trong cái nhìn của họ, thế giới đời sau chỉ có ích lợi thứ yếu. Và càng sai lầm hơn nữa, những người thuộc biệt phái Saducêen không tin vào đời sau, nên cho rằng hành vi đạo đức chủ yếu nhắm tới quyền lợi và công bằng trong tương quan giữa Thiên Chúa-con người. Từ đó đòi hỏi mỗi người cố gắng hành động tốt, tức là giữ giới luật Thiên Chúa, để có thể lãnh nhận ngay khi còn ở trên dương gian phần thưởng mà họ có thể nhận được.

Thầy Giêsu lên án mạnh mẽ quan điểm, lối suy nghĩ dẫn đến thể hiện ra đời sống hằng ngày đầy sai lầm này. Thịnh vượng trần thế không minh chứng giá trị đạo đức và sự hậu đãi của Thiên Chúa ; cũng như, nghèo khó không chứng minh được sự bại hoại luân lý và việc bị Thiên Chúa ruồng bỏ. Người giàu có-Lazarô, hai người ở sát cạnh nhưng hoàn toàn xa cách nhau trong lối sống. Thậm chí, người phú hộ còn không biết tới sự hiện diện của Lazarô. Người phú hộ quen dựa vào tiền của, không thèm để ý đến ai, để rồi khi chết thì những chỗ cậy dựa cũng tiêu tan theo mây khói và phải rơi vào cảnh khốn khổ. Còn Lazarô là người nghèo khó không có chỗ dựa ở trần gian, chỉ biết trông cậy vào Thiên Chúa, và khi chết được hưởng hạnh phúc trong vòng tay yêu thương.

Hơn nữa, mặc dù là nhân vật chính nhưng người thứ nhất lại không được nêu tên: “một viên phú hộ kia”, chỉ như thế. Nghĩa là mỗi người đều có thể nhận ra chính mình nơi ông. Còn thứ hai lại có một tên gọi và là một cái tên mang ý nghĩa biểu tượng: “Lazarô”, có gốc từ chữ “Êlêada”, nghĩa là “Thiên Chúa phù trợ”.

Còn mỗi kitô hữu, Lời Thầy Giêsu luôn vang vọng mãi. Hãy tĩnh lặng để lắng nghe, để chọn lựa cùng đích cuộc đời bản thân, để trở thành người phú hộ ích kỷ hay Lazarô…

Lm. Jos PHẠM, SCJ