Tật xấu, lợi ích nhóm….
(Ds 11, 25-29; Gc 5, 1-6; Mc 9, 38-43.45.47-48)
Nói đến tật xấu, người xưa thường tập trung nói về thói tham lam vì cho rằng đây là một trong những tính xấu nhất của người Việt. Đối với Phật giáo, “tham, sân, si” (tham lam, giận dữ và mê đắm) là “tam độc” thường làm cho lòng ngư¬ời mờ tối nghiêng ngả, trong đó lòng tham đứng thứ nhất. Đó chính là tham lam ích kỷ: lòng tham không đáy; bắt cá hai tay, cất đó ng¬ười, giữ thời ta; chư¬a ăn cỗ đã giục lấy phần; ăn thì no, cho thì tiếc, để dành thì thiu; miễn là mình béo mặc thiên hạ gầy. Đã là tật xấu nên mang tính lây lan nhanh và bùng phát mạnh đến nỗi ông bà ta cảnh tỉnh: gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.
Bên cạnh đó, để cùng bảo vệ nhau thu về đầy túi tham lại hình thành bè nhóm lợi ích, cùng tận lực vơ vét theo kiểu: ăn ngập mặt ngập mũi; tiền của vào quan như than vào lò; trống chùa ai vỗ thì thùng, của chung ai khéo vẫy vùng nên riêng;… Bè nhóm lợi ích đó phá vỡ mọi quy chuẩn sống nền tảng của xã hội, bởi vì “có tiền mua tiên cũng được”, dẫn đến “nén bạc đâm toạc tờ giấy”; “năm tiền có chứng, một quan có cớ”, tạo nên những uy quyền vô đạo đức “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, “ho ra bạc, khạc ra tiền”. Mối tương quan giữa người-người trở thành “nhiều tiền thì thắm, ít tiền thì phai”, tạo nên những bất công “chó ỉa bờ giếng không sao, chó ỉa bờ ao tóm cổ”, “tiền bạc đi trước, mực th¬ước đi sau”. Tình trạng đó dẫn đến “dột từ nóc dột xuống”. “Đục từ đầu sông đục xuống” và “ngư¬ời trên ở chẳng kỷ cư¬ơng, cho nên kẻ dưới lập đư¬ờng mây m¬ưa”. Còn trong quan hệ gia đình “anh em gạo, đạo ngãi tiền”, “chị em thì thật là hiền, chỉ vì đồng tiền mà mất lòng nhau”, rồi “có tiền vợ vợ chồng chồng, không tiền chồng đông vợ đoài”. Từ đó dẫn đến trong xã hội đối xử kiểu “tiền trao cháo múc”, “buôn tranh bán c-ướp”, “cá lớn nuốt cá bé” và đương nhiên tất yếu sẽ dẫn đến “hết tiền tài, nhân nghĩa tận”!
Những nguy hiểm từ tật xấu, nhóm bè phái đó luôn xuất hiện trải dài lịch sử con người. Ngược trở về thời xuất hành lang thang trong sa mạc hướng về Đất Hứa, khoảng năm 1250 BC, ngoài nhóm 72 người được chọn lãnh nhận hồng ân ngôn sứ, có 2 người khác cũng nói tiên tri. Một đứa bé thấy vậy chạy về báo cho Môsê và người phụ tá của ông là Giôsuê hay sự việc. Giôsuê liền đề nghị Môsê ra lệnh ngăn cấm 2 người đó, lý do là vì họ không thuộc danh sách 72 người được chọn. Nói cách khác, đây chính là thể hiện lối suy nghĩ ganh tỵ và bè phái. Nhưng, Môsê chẳng những không ngăn cấm mà còn nói: “Anh ghen giùm tôi à? Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ” (Ds 11, 25-29).
Những tính xấu đó Nhóm 12 cũng không tránh khỏi, Gioan thấy có một số người không thuộc Nhóm 12 mà vẫn nhân danh Chúa mà trừ quỷ và ông xin Thầy Giêsu ngăn cấm họ. Nhưng, Thầy chẳng những không ngăn cấm mà lại còn truyền dạy bài học: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Mc 9, 40). Bài học là đây, đừng nhìn người khác bằng cặp mắt thành kiến đố kỵ, mà còn phải hợp tác với những người thiện chí. Thầy đi xa hơn nữa khi ngăn cấm mầm mống tật xấu ngay từ trong trứng nước: làm gương mù, gương xấu cho người khác vấp ngã.
Thầy răn đe những người gây ra gương xấu bằng những lời lẽ thật nghiêm khắc: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn” (Mc 9, 42). Và, Thầy muốn diệt trừ các duyên cớ gây ra tội lỗi cách quyết liệt : “Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục, nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt” (Mc 9, 43-48). Khi truyền dạy như thế, Thầy Giêsu không có ý nói là phải huỷ hoại thân mình để loại trừ thói xấu, nhưng là phải diệt trừ thói xấu cách triệt để, bằng bất cứ giá nào.
Câu hỏi lớn đặt ra là làm sao có thể loại trừ mọi tật xấu ra khỏi cuộc đời bản thân khi đang sống trong nền tảng giả dối đến tận cội rễ, để có thể “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”? Trong truyện Kiều của Nguyễn Du có câu “thân tàn gạn đục khơi trong; Là nhờ quân tử khác lòng người ta”. Đúng thế, “gạn đục khơi trong”, đó cũng chính là phương pháp sống hữu hiệu trả lời cho câu hỏi trên. Nói cách khác, cần gạn loại bỏ hết bùn đục điều xấu đi và hãy khơi trong cuộc đời từ những điều tốt lành. Hãy dùng cái tốt đẩy lùi cái xấu: quyết tâm tạo cho mình những việc làm tốt để đẩy lui những việc làm xấu; tập thói quen tốt để đẩy lùi thói quen xấu; lấy sách báo lành mạnh thay thế cho sách báo đồi truỵ; lấy phim giáo dục đẩy lùi phim vô luân; chọn bạn tốt lành thay cho bạn bè xấu tính để rồi từ đó tránh xa được bè phái…
Nếu tay, nếu chân, nếu mắt… trộm cướp bằng nhiều hình thức, bạo lực của quyền lực áp đặt, ước muốn-thèm muốn xấu dẫn đến bao hệ lụy… Hãy cùng nhau đoạn tuyệt cách nghiêm khắc và triệt để, hãy cùng nhau hướng về sự Sống Nước Trời.
Tin cùng chuyên mục:
Các bài Suy niệm Lễ Đức Mẹ Mân Côi: Con Thiên Chúa xuống thế để ở với con người
Chúa nhật XXVI thường niên năm A: Đường lối của Thiên Chúa và của con người
Ngày 30/09: Thánh Giêrônimô, Linh mục – Tiến sĩ Hội Thánh
Thứ bảy tuân XXV thường niên: Phải vượt gian khổ mới hy vọng đạt được vinh quang