CN.XXV.TN.C
Tôi hai chủ…
(Am 8, 4-7 ; 1 Tm 2, 1-8 ; Lc 16, 1-13)
Nói đến sức mạnh của đồng tiền, có bài đồng dao xưa luôn được hát hò trên môi thiếu nhi:
Tiền là tiên là phật
Là sức bật của tuổi trẻ
Là sức khoẻ của tuổi già
Là bước đà hy vọng
Là cái lọng che thân
Là cán cân công lý
Là cái đà phát triển
Là nổi điên kẻ giàu
Là nỗi đau kẻ yếu
Là điểm yếu kẻ tham
Là đam mê kẻ trộm
Là hỗn độn thị trường
Là chặng đường doanh nhân….
Một bài vè vui nhưng thể hiện rõ nét giá trị cũng như sức mạnh của đồng tiền trong xã hội xưa và đặc biệt ngày nay. Đồng tiền trở thành cơn bão cuốn theo biết bao người trong đời sống thực dụng, đồng tiền trở thành thước đo phẩm giá, vị trí xã hội, thể hiện quyền lực bản thân đến độ bằng mọi giá phải kiếm tiền : giới trí thức doanh nhân dùng thông minh của mình moi từng đồng trong túi người dân, quảng cáo lừa đảo để lấp đầy túi riêng ; có người dùng tiền tỉ mua quan chức để rồi có thể kiếm được nhiều tỉ hơn ; giới bình dân, dân đen cũng có kiểu kiếm tiền của mình như dùng hóa chất trong nuôi-trồng. Hệ quả của nó không thể lường hết, đánh mất niềm tin, nghi ngờ lẫn nhau…
Trong cơn lốc xoáy kiếm tiền, mỗi kitô hữu buộc phải đứng trước thử thách chọn lựa nếp sống đức tin của bản thân : chạy theo thì đi ngược lại đời sống kitô ; không theo luôn bị chèn ép và khó tồn tại. Đứng trước vấn nạn đó, Thầy Giêsu nhắc nhở bằng một dụ ngôn người quản gia bất trung để mỗi kitô hữu soi chiếu biết sống như thế nào.
Trong đời sống Do Thái, quản gia không chỉ là người làm công ăn lương nhưng còn toàn quyền thay chủ quyết định chăm lo các tài sản trong nhà, và hơn nữa, chủ phải tôn trọng quyết định những dịch vụ buôn bán của họ. Để rồi khi chủ phát hiện quản gia bất trung, gian dối phung phí tài sản cũng không thể thu hồi vì luật pháp không bắt buộc, việc có thể làm chỉ là sa thải. Cho nên, khi biết sẽ bị sa thải và rơi vào hoàn cảnh bế tắc, người quản gia đã làm một việc gây ngạc nhiên chuẩn bị đường rút cho mình. Một cách khôn ngoan, ông ta gọi các con nợ của chủ đến và đề nghị họ bớt, sửa lại những khoản nợ quan trọng : giảm món nợ từ 100 thùng dầu xuống chỉ còn 50, và từ 100 giạ lúa xuống chỉ còn 80. Tính toán kế hoạch như thế là vì khi bị sa thải, quản gia mong muốn có người đón mình về.
Nói như thế không đồng nghĩa Thầy Giêsu khen, ủng hộ kiểu lừa dối của người quản gia. Một hành động tính toán mà ngôn sứ Amos lên án mạnh mẽ khi chỉ biết thu lợi thỏa mãn ích kỷ cá nhân : mê kiếm thêm tiền đến nỗi ngay trong những ngày lễ như mồng một và sabat họ chỉ mong cho ngày lễ ấy chóng qua để họ tiếp tục làm ăn kiếm thêm tiền ; khi làm ăn, dùng đủ cách gian lận “làm cho cái đấu nhỏ lại, cho quả cân nặng thêm” ; đặc biệt họ khai thác và bóc lột những người nghèo. Trong dụ ngôn, ta có thể hiểu lầm khi kết luận người quản lý có quyền quyết định tài sản không theo ý chủ muốn. Còn Thầy Giêsu, Thầy khẳng định ngược lại là trung tín và khôn ngoan : con người lãnh nhận muôn hồng ân trong cuộc đời từ Thiên Chúa cần sống xứng đáng với hồng ân đó, và trên hết dùng những gì mình có để làm theo thánh ý Ngài. Thánh ý đó chính là biết dùng tất cả những gì đời này để được “đón rước vào nơi vĩnh cửu”.
Trung tín và khôn ngoan để đưa ra cho bản thân một chọn lựa đích thực bởi vì “anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được”. Tiền Của được viết hoa để dịch và nhấn mạnh nguyên ngữ Hi Lạp µαµωνᾷ/Mamona, một từ bị khinh bỉ, xấu xa để chỉ con người thần tượng, thần thánh hóa Đồng Tiền đến độ trở thành nô lệ. Đối với Thầy, không có sự thỏa hiệp : hoặc là Thiên Chúa, hoặc là tiền bạc.
Trung tín và khôn ngoan, Thiên Chúa và Tiền Của, bản thân tôi là kitô hữu chọn lựa và sống thế nào ?
Lm. Jos. PHẠM, SCJ
Tin cùng chuyên mục:
Dự án Nhà Mẹ Lavang-Fatima và đại lễ khánh thành và làm phép tượng đài Đức Mẹ Lavang-Fatima do Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng chủ tế
Ngôn ngữ của tình yêu
Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới Truyền giáo 2023
Thứ tư tuần XXVI thường niên, Thánh Phaxicô Assisi: Không có gì quí hơn là Thập Giá của Đức Kitô