Làm lớn, làm bé….
(Kn 2, 12.17-20; Gc 3, 16-4, 3; Mc 9, 30-37)
Ngày 05/09/1997, ngay sau khi tin Mẹ Teresa Calcutta qua đời (87 tuổi) được loan đi đã gây một chấn động lớn cho toàn thế giới. Nhiều nhà lãnh đạo đã bày tỏ lòng thương tiếc, cả thế giới xúc động, thương tiếc và bày tỏ lòng ngưỡng mộ sâu xa. Rất nhiều những điện văn chia buồn của các vị nguyên thủ trên khắp thế giới gửi đến phân ưu. Mẹ Teresa chỉ là một nữ tu người Albani bình thường, già nua, thấp bé, nghèo nàn, không chút nhan sắc. Mẹ sang Ấn độ thành lập dòng Thừa Sai Bác Ái, để rồi cũng tại đất nước phần đông theo Ấn độ giáo này đã long trọng tổ chức quốc táng cho mẹ. Trên trang đầu tiên của các tờ báo lớn đăng tin: Mẹ của những người nghèo đói đã ra đi; Vị nữ thánh của những người cùng khổ không còn nữa; Vị nữ thánh giữa đời thường đã vĩnh viễn ra đi. Cùng điểm qua các điện tín của các nguyên thủ quốc gia:
Tổng thống Pháp Jacques Chirac đã gửi đến Calcutta bức điện chia buồn: Buổi tối hôm nay đã có ít tình yêu hơn, ít lòng trắc ẩn hơn và cũng ít ánh sáng hơn trên thế giới. Tại Mỹ, tổng thống Bill Clinton đã nói: Mẹ là người luôn gây ngạc nhiên, một trong những vĩ nhân của thời đại này. Nữ hoàng Elizabeth II nước Anh gửi một bức thư chia buồn tới dòng Nữ Tu thừa Sai Bác Ái đã viết: Mẹ Teresa và công Chúa Diana mỗi người một cách đã nói lên tấm gương: Là con người hãy biết đối xử với nhau bằng lòng nhân ái. Thủ tướng Tony Blair đã gửi đến Calcutta lời thương tiếc: Trong một tuần đầy bi kịch, thế giới lại càng buồn hơn vì một trong những người phục vụ nhiều lòng trắc ẩn đã ra đi.
Điều mà cả thê giới khám phá nơi người nữ tu bé nhỏ này là một tâm hồn vĩ đại, dạt dào yêu thương. Mẹ đã dành cả đời mình để săn sóc phục vụ những người cùng khổ. Mẹ đã cúi xuống để đưa những người đói khát, bệnh tật, đưa người hấp hối đang bị bỏ rơi nằm chờ chết bên vệ đường, bãi rác, phố chợ về mái ấm tu viện để được chăm sóc vỗ về và được chết như một con người. Hàng ngàn người Ấn độ và nhiều người thuộc các quốc tịch, tầng lớp xã hội… đã bất chấp mưa gió, xếp hàng dài hàng cây số trước trụ sở dòng Thừa Sai Bác Ái ở Cancultta để được viếng xác và nhìn mặt người nữ tu khả ái ấy lần cuối. Giá trị của Mẹ không hệ tại ở sắc đẹp, giàu sang, tài năng hay quyền thế, nhưng ở chỗ đã thực thi lời Thầy Giêsu: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9, 35).
Một điều mà chính các tông đồ dường như muốn trốn tránh, không muốn nghe, không muốn đón nhận trong khung cảnh Thầy loan báo cuộc tử nạn của bản thân. Điều mà các môn đệ theo Thầy quan tâm lại là “ai là người lớn hơn cả” (Mc 9, 34). Các ông bỏ ngoài tai con đường tử nạn của Thầy, họ chỉ quan tâm đến vinh quang Phục Sinh, Thầy được tuyên phong Vua Vũ Trụ. Điều mà các tông đồ, cũng như bao kitô hữu ngày nay tìm kiếm là vị thế, là quyền lực được trao nhiều hơn. Một tranh giành có thể nói là tự nhiên và thường xuyên diễn ra, ai cũng muốn được “ăn trên ngồi trước”, muốn chiếm được một địa vị cao hơn người khác và khó chịu khi ai đó thành công hơn bản thân. Thầy Giêsu hiểu rõ tâm tư-tính toán thiệt hơn đó, nên khi về tới nhà trọ Carphanaum, Thầy ngồi quanh các môn đệ chấn chỉnh lại suy nghĩ – ham muốn tìm kiếm quyền lực và danh vọng nơi các ông bằng bài học phục vụ: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết và làm kẻ phục vụ mọi người”. Khi dạy như thế, Thầy đã hoàn toàn đảo lộn suy nghĩ và quan niệm của các tông đồ trước đây. Các tông đồ theo Thầy với mục tiêu tìm kiếm quyền lực và địa vị, thì giờ đây Thầy muốn các ông phải trở thành người thấp bé nhất và là những con người dám phục vụ người khác. Một đòi hỏi nghịch lý và cũng là một thách thức cho tất cả những người tin theo Thầy. Bởi vì, đối với Thầy: giá trị một con người không hệ tại ở địa vị hay quyền to chức trọng, mà là khả năng và mức độ phục vụ của họ.
Một cách cụ thể hơn, “ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy…” (Mc 9, 37ss). Không phải vô cớ mà Thầy Giêsu đưa một em nhỏ ra làm gương cho các môn đệ. Thời đó trong xã hội Do Thái, trẻ em được xếp đứng hàng sau chót trong bậc thang giá trị địa vị – tầng lớp xã hội. Thầy xác định lại cho các tông đồ biết mục tiêu và thái độ khi đi theo Thầy là gì: là phải có một tâm hồn đơn sơ, tín thác vào Thầy như một trẻ nhỏ và đón nhận chính Thầy vào trong cuộc đời của mình; Thầy muốn các môn đệ phải có một tâm hồn mở rộng để đón nhận người khác, kể cả các em nhỏ là tầng lớp bị coi thường trong xã hội. Trẻ nhỏ là những người không có gì để đáp trả lại, trẻ nhỏ luôn cần sự trợ giúp của người lớn. Khi dám đón nhận người khác giống như đón nhận một em nhỏ tức là đón nhận người khác một cách vô vị lợi không tình toán và còn sẵn sàng để cho người khác làm phiền mình, chiếm thời gian, sức lực của bản thân. Thầy Giêsu muốn mỗi chúng ta cũng dám đón nhận Thầy như vậy. Khi dám đón nhận Thầy một cách quảng đại và sẵn sàng phục vụ Thầy như đón nhận trẻ nhỏ, được coi như đón tiếp chính Thiên Chúa Cha – Đấng đã sai Thầy.
Mẹ thánh Teresa Calcutta, một kitô hữu nhỏ bé đã sống và cảm nghiệm trọn vẹn đời phục vụ như lời Thầy dạy, chia sẻ: “Quan trọng không phải chúng ta cho đi bao nhiêu, nhưng là dành bao nhiêu yêu thương để cho đi”. Là kitô hữu, tôi đang sống thế nào để hiện thực hóa lời Thầy Giêsu?
Tin cùng chuyên mục:
Các bài Suy niệm Lễ Đức Mẹ Mân Côi: Con Thiên Chúa xuống thế để ở với con người
Chúa nhật XXVI thường niên năm A: Đường lối của Thiên Chúa và của con người
Ngày 30/09: Thánh Giêrônimô, Linh mục – Tiến sĩ Hội Thánh
Thứ bảy tuân XXV thường niên: Phải vượt gian khổ mới hy vọng đạt được vinh quang