CN.XXV.TN.A

59 lượt xem Suy Niệm
10082020 092732

Tư tưởng của tôi, của Thiên Chúa…
(Is 55, 6-9; Pl 1, 21-24, 27; Mt 20, 1-16a)

 

Là người ai cũng có những suy nghĩ, lăng kính nhìn và quan điểm riêng. Điểm tích cực giúp cho bản thân trở nên một thực thể khác biệt không giống với khuôn mẫu nào. Thế nhưng mặt tiêu cực, chính những nhận định và quan điểm đó nếu không được mài giũa thanh lọc sẽ trở thành bốn bức tường tù ngục bản thân vào vòng định kiến, thành kiến. Nói cách khác, cá nhân rơi vào lối mòn suy nghĩ mà tác giả khuyết danh có đề cập: “cuộc sống thường không có chật hẹp trong những ngôi nhà, trên những con đường, góc phố mà là chính trong những định kiến và suy nghĩ của con người”; hay “đôi khi chúng ta không nhận ra được món quà cuộc sống chỉ vì những định kiến của bản thân”. Để rồi Leonardo da Vinci từng thốt lên rằng “sự lừa lọc lớn nhất mà con người phải chịu chính là quan điểm riêng của bản thân mình”.

Bên cạnh đó, suy nghĩ con người dường như có điểm chung chính là theo kiểu dân buôn bán như: món hàng trị giá thế nào, vậy phải mua thế nào, bán thế nào? bao nhiêu thì đúng, bao nhiêu thì sai? làm việc đó có lợi cho ta thế nào, có hại làm sao…? Lối suy nghĩ chỉ tìm lợi ích bản thân được áp dụng cách rộng rãi trong cách đối nhân xử thế đặc biệt ngày nay. Nếu không có gì ích lợi cho tôi, tôi dại gì mà… Tiêm nhiễm, ảnh hưởng sâu sắc đến mức độ hình thành phản ứng lối suy nghĩ đó một cách tự nhiên để rồi áp dụng cho cả Thiên Chúa trong lời cầu nguyện: tôi đã làm gì và làm bao nhiêu, cho nên Thiên Chúa phải ban cho tôi ơn gì và bao nhiêu. Và, như thế mới sòng phẳng công bằng.

Nhưng, Thiên Chúa không muốn làm người bán cũng không muốn làm người mua. Ngài chỉ muốn làm người Cha giàu tình thương và lòng khoan dung. Nơi Ngài tràn ngập yêu thương và chỉ dùng lòng tốt để đối xử. Đối với từng người con, Ngài không xem xét đã làm được gì, đáng được bao nhiêu. Ngài chỉ nghĩ con cần được chăm sóc như thế nào, ban cho con cái gì là tốt nhất.

Đó chính là điều mà Thầy Giêsu truyền dạy khi mời gọi mỗi người trở về vùng đất Palestin với câu chuyện có thật vào mùa hái nho chính đầu tháng 10, vì sau đó là mùa mưa. Nếu không hái nho kịp trước khi mưa đến thì nho sẽ hư, vì vậy phải chạy đua với thời gian để kịp thu hoạch. Bất cứ người làm công nào cũng được thu nhận dù người đó chỉ làm được một giờ. Tiền công trả cũng bình thường, một denier (một quan tiền) là tiền công của một ngày bình thường của một người làm mướn. Những người đứng ở chợ không phải là những người biếng nhác ở đầu đường xó chợ, hay ăn không ngồi rồi. Ở Palestin, chợ là nơi trao đổi lao động. Người ta đến đó vào sáng sớm, mang theo dụng cụ lao động của mình và chờ ở đó cho đến khi có người đến mướn. Họ ở đó chờ công việc, bằng chứng là trong số họ có người chờ đến 5 giờ chiều, chứng tỏ họ muốn làm việc như thế nào. Thời gian trong dụ ngôn cũng là thời gian bình thường của người Do Thái: bắt đầu từ 6 giờ sáng và được tính từ đó đến 6 giờ chiều. Tính từ 6 giờ sáng thì giờ thứ 3 là 9 giờ sáng, giờ thứ 6 là 12 giờ trưa, và giờ thứ 11 là 5 giờ chiều.

Vấn đề xảy ra khi người chủ trả công cho thợ: thợ làm nhiều nghĩ sẽ được trả công nhiều theo lẽ công bằng; còn chủ vẫn trả công đầy đủ như thoat thuận cho những thợ làm nhiều giờ, nhưng vì lòng xót thương nên cũng trả cho người thuê cuối cùng một đồng. Cũng chính vì thế mà những người thợ làm nhiều giờ không ngừng lẩm bẩm than trách, họ muốn lấy suy nghĩ của mình áp đặt lên suy nghĩ của ông chủ. Họ muốn chủ đừng làm người cha yêu thương mà hãy làm người buôn bán vô cảm, vô tình.

Không ngừng lẩm bẩm như những cằn nhằn của dân Israel trong sa mạc (Xh 16, 9; Tv l06, 25), diễn tả thái độ rất thường gặp của kitô hữu khi không hiểu những thử thách đang ập xuống, khi luôn chịu bao thiệt thòi vì là kitô hữu nếu so sánh với người khác, với các tôn giáo khác. Để rồi từ đó trách móc Thiên Chúa ưu ái người này, rộng tay với người kia, còn tôi thì… Câu trả lời cho cái lẩm bẩm đó là đây: “Chẳng lẽ tôi không có quyền cho của cải của tôi sao? Hay vì bạn thấy lòng tốt của tôi, mà bạn ghen tức ư?”.

Bài học của Thầy là đây: không ganh tị, không nghiêm khắc, không phán xét xấu, không lên án, nhưng phải thông cảm, ưu ái với một “nụ cười của tâm hồn”. Kitô hữu không chỉ đế ý đến công bằng mà đặc biệt cần quan tâm đến nhân hậu như Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II nhắn nhủ: “Lòng nhân hậu là một sức mạnh đặc biệt của tình yêu, còn mạnh hơn tội lỗi và sự bất trung. Trong một nghĩa nào đó, lòng nhân hậu ở vị trí đối lập với công lý của Người, và trong nhiều trường hợp tỏ ra mạnh hơn, căn bản hơn công lý”. Để rồi từ nay thoát khỏi phân bì ghen tức, để cho Thiên Chúa hoạt động và trở nên khí cụ bình an trong tay Ngài, sống như Ngài:

Ðể con đem yêu thương vào nơi oán thù,
Ðem thứ tha vào nơi lăng nhục,
Ðem an hòa vào nơi tranh chấp,
Ðem chân lý vào chốn lỗi lầm.
Ðể con đem tin kính vào nơi nghi nan,
Chiếu trông cậy vào nơi thất vọng,
Ðể con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm,
Ðem niềm vui đến chốn u sầu…