CN.XXIX.Truyền Giáo.2020

65 lượt xem Suy Niệm
maxresdefault 12

Ta sẽ sai ai đây?….

 

Tiếng Việt ngày nay có nhiều từ ngữ thật khó hiểu vì được đưa vào định nghĩa theo những chuyên ngành khác nhau. Thế nhưng, có một từ dù không bị mang vào làm thuật ngữ nhưng tự nó lại là và dường như bao trùm mọi khía cạnh: vùng cấm. Có nhiều kiểu vùng cấm khác nhau: từ những chuyện xấu phải che giấu đến những toan tính lợi ích bè nhóm; từ những góc khuất u tối trong đời sống cá nhân đến bóng mờ che phủ đụng chạm xã hội… Các vùng cấm được thiết lập chung quy đều vì lợi ích nào đó hay những đen tối buộc phải che giấu. Cũng chính những vùng cấm khiến con người dần sống xa lánh, sợ hãi lẫn nhau và tạo cho mình những vỏ bọc dầy để tự bảo vệ. Cũng chính vùng cấm làm cho bao sự thật bị che giấu, lu mờ một cách khó hiểu.

Sống trong các vùng cấm sợ hãi bủa vây tứ phía, người kitô hữu từng bước bị ngấm dần và coi đó như chuyện tự nhiên nên cũng tự đặt ra vùng cấm cho đời sống đạo của bản thân. Để rồi từ đó, trực tiếp-gián tiếp tạo khoảng cách cũng như ngăn cản bước đường giới thiệu Tin Mừng cho mọi người.

Điển hình trong quyển tự thuật, Mahatma Gandhi, người cha chủ trương tranh đấu bất bạo động và là người đã giải phóng Ấn Ðộ khỏi ách thống trị của người Anh, đã kể lại rằng: Trong những ngày còn làm sinh viên, ông đã đi lại khá nhiều tại Nam Phi. Ông đã say mê đọc kinh thánh và vô cùng cảm kích về bài giảng trên núi của Thầy Giêsu. Chính Tám Mối Phúc đã gợi hứng cho chủ trương tranh đấu bất bạo động của ông. Mahatta Gandhi xác tín rằng Kitô giáo là giải pháp cho mối ung nhọt phân chia giai cấp đang đục khoét xã hội Ấn từ bao thế kỷ qua. Ông đã nghĩ đến chuyện gia nhập vào Giáo Hội. Thế nhưng, ngày nọ, khi đến nhà thờ để dự lễ và đón nhận một vài lời chỉ dẫn, ông đã thất vọng: Ông vừa vào đến cửa nhà thờ thì những người da trắng chặn ông lại và nói với ông rằng nếu ông muốn tham dự thánh lễ thì hãy tìm đến một nhà thờ dành riêng cho người da màu. Mahatma Gandhi đã ra khỏi nhà thờ và ông đã không bao giờ trở lại bất cứ nhà thờ nào nữa.

Khánh nhật Truyền giáo chính là thời điểm mời gọi mỗi kitô hữu can đảm đi ra khỏi vùng cấm sợ hãi của mình. “Từ cái tôi sợ hãi đến trao ban chính mình cho người khác”-Sứ điệp truyền giáo 2020 của ĐTC Phanxicô, “chúng ta thực sự hoảng sợ, mất phương hướng và khiếp đảm. Đau đớn và cái chết làm cho chúng ta cảm nghiệm sự yếu đuối của con người; nhưng đồng thời nhắc nhở chúng ta về một khát vọng mạnh mẽ về sự sống và về việc được giải thoát khỏi sự dữ. Trong bối cảnh này, lời mời gọi loan báo Tin Mừng, lời mời ra khỏi chính mình vì tình yêu Thiên Chúa và người lân cận được trình bày như một cơ hội để chia sẻ, phục vụ và cầu bầu. Sứ vụ mà Thiên Chúa giao phó cho mỗi người đi từ cái tôi sợ hãi và khép kín đến cái tôi được tìm thấy và đổi mới từ chính việc trao ban chính mình cho người khác”. Cần phá bỏ vùng cấm sợ hãi là bởi vì “trong năm nay, năm được ghi dấu bởi những đau khổ và thách đố do đại dịch Covid-19 gây ra, con đường truyền giáo này của toàn Giáo hội tiếp tục được tìm thấy dưới ánh sáng trong tường thuật ơn gọi của tiên tri Isaia: “Dạ, con đây, xin sai con đi” (Is 6,8). Đây là câu trả lời luôn luôn mới trước câu hỏi của Chúa: “Ta sẽ sai ai đây?” (nt.). Lời kêu gọi này xuất phát từ con tim của Thiên Chúa, từ lòng thương xót của Người, chất vấn cả Giáo hội và nhân loại trong cuộc khủng hoảng thế giới hiện nay. “Như các môn đệ trong bài Tin Mừng, chúng ta bất ngờ bị bão tố hung bạo vùi dập. Chúng ta nhận thấy mình đang ở trên cùng một con thuyền, tất cả đều mong manh và mất hướng, nhưng đồng thời tất cả đều quan trọng và cần thiết, tất cả được kêu gọi cùng chèo với nhau, tất cả đều cần an ủi nhau. Tất cả chúng ta đều ở trên con thuyền ấy. Như những môn đệ trong bài Tin Mừng đồng thanh và lo âu nói với nhau: ‘Chúng ta chết mất’ (Mc 4,38), chúng ta cũng nhận thấy mình không thể tiến bước nếu mỗi người chỉ lo cho mình, nhưng phải cùng nhau”.

Và như thế, truyền giáo không thể chỉ đi lễ, đọc kinh cầu nguyện; nếu như thế mới chỉ là hành vi đáp trả công bằng cho Thiên Chúa, vì việc tạ ơn là hành vi đáp lại ân ban Thiên Chúa dành cho con người. Truyền giáo không phải là việc tuân giữ các giới răn, nếu như thế mới là giữ đạo chứ chưa truyền đạo. Truyền giáo không phải là nói thật hay, thuyết trình thật hùng hồn giới thiệu về Thiên Chúa; nếu như thế mới chỉ là tiếp thị chứ chưa mang đạo vào đời.

Không ai có thể giới thiệu-cho những gì mình không có, chính vì thế mỗi kitô hữu được mời gọi “đi cùng nhau”, hãy đến gặp gỡ và tái khám phá lại Thiên Chúa là Cha qua Thầy Giêsu: Cảm nhận sâu sắc Cha đã yêu thương và trao ban nhưng không mọi hồng ân thế nào, và trên hết là luôn “chạnh lòng thương xót” cũng như tha thứ mọi vấp phạm. Lòng khoan dung của Cha đã phá tan bao vùng cấm sợ hãi, chiếu sáng Chân-Thiện-Mỹ, là nguồn khởi xướng thúc đẩy bản thân “tình yêu đáp đền tình yêu, ân tình đền đáp ân tình”. Như một Phaolô, thay đổi nếp sống trở nên con người mới “tôi sống, nhưng không phải tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (x. Gl 2, 16.19-21). Chính Cha là suối nguồn, là động lực thúc đẩy mỗi người thoát khỏi nếp sống của chủ nghĩa thế tục, của đời sống tục hóa, của sợ hãi đến từ “bệnh tật, đau khổ, sợ hãi, cách ly chất vấn chúng ta. Cái nghèo của người phải chết trong cô đơn, của người bị bỏ rơi, của những người bị mất việc làm và không có tiền lương, của những người không có nhà cửa và thực phẩm chất vấn chúng ta. Khi bị buộc phải ở nhà, chúng ta được mời tái khám phá, chúng ta cần tương quan xã hội, và cả tương quan cộng đoàn với Thiên Chúa”, đặc biệt trong đại dịch Virus T+ đang hoành hành. Chính vì vậy, Thiên Chúa đang hỏi mỗi kitô hữu: “Ta sẽ sai ai đây? Được hỏi lại và chờ đợi câu trả lời quảng đại và thuyết phục từ chúng ta: “Dạ, con đây, xin sai con đi” (Is 6,8). Thiên Chúa tiếp tục tìm kiếm những người sẵn sàng đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa để Người gửi đến thế giới làm chứng cho tình yêu, ơn cứu độ của Thiên Chúa: giải thoát khỏi sự ác, tội lỗi và cái chết”…