CN.XXIII.TN.C Đường đời, đường đạo…

64 lượt xem Suy Niệm
CN XXIII TN 2

CN.XXIII.TN.C

Đường đời, đường đạo…
(Kn 9,13-18 ; Plm 9b-1012-17 ; Lc 14, 25-33)

 

Cuộc đời mỗi người thường được ví như một con đường, tùy theo hoàn cảnh-thời điểm sống, sự chọn lựa bản thân mà con đường đó dẫn đến đâu, đến cùng đích nào. Cũng là con đường đời, nhưng Phan Bội Châu trong bài thơ An Mai Quân được viết trong tù ở Quảng Đông an ủi linh mục Mai Lão Bạng : « Ví tựa đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai ». Nếu đường đời gặp sóng gió, hiểm nguy, trắc trở là những mài giũa giúp và thể hiện bản thân trưởng thành, lớn lên, chí hùng anh, thì cũng có những người chọn lựa đường đời của mình hướng tới những cùng đích khác nhau : phấn đấu xây dựng một gia đình hạnh phúc ; đạt được danh vọng- quyền lực trong xã hội ; tích lũy tiền tài trở thành đại gia… Con đường trần gian một cách tự nhiên là như thế khiến con người quay cuồng rơi vào vòng xoáy như muốn quên đi tất cả để đạt được cùng đích của mình.

Cũng một con đường nhưng là tiến bước hướng về thành thánh Giêrusalem. Trên con đường này Thầy Giêsu đang bước đi và theo sau là đám đông dân chúng. « Theo sau » không còn là do tò mò hay bị cuốn hút bởi lời giảng dạy chân lý, nhưng họ trở thành những môn đệ như muốn tiếp bước Thầy hướng về Giêrusalem. Tuy nhiên cảm nhận về cùng đích của con đường Giêrusalem lại khác nhau, bởi vì đám đông-môn đệ tiến bước theo Thầy trong suy nghĩ như muốn dành chiến thắng, vinh quang, danh dự theo kiểu trần gian. Trong tâm thức, dường như ai cũng nghĩ Thầy hướng về Giêrusalem để làm vua, thiết lập một vương quốc hùng cường và họ mong muốn được cùng chia sẻ vinh dự đó.

Thế nhưng cũng trên con đường hướng về Giêrusalem, một con đường khác-trái ngược hoàn toàn với suy nghĩ của đám đông dân chúng, của các môn đệ. Thầy mạnh dạn bước đi để hướng về với Cha, để thành lập vương quốc Nước Trời, để tuôn tràn hồng ân cứu độ, là con đường đón nhận cái chết từ thập giá ô nhục vượt qua tử nạn ê chề mới dẫn đến vinh quang Phục Sinh. Chính vì thế, Thầy quay đầu lại để giáo huấn vả sửa đổi tâm tình thế tục của các môn đệ. Lời giáo huấn như một ca nước lạnh dội vào đầu mỗi người với những từ ngữ khó có thể chấp nhận :

1. « Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta ». Một đòi hỏi từ bỏ quyết liệt đến ngỡ ngàng và không tường từ Thầy nếu chỉ hiểu theo nghĩa đen của từng từ. Từ bỏ trở về nguồn ngôn ngữ Hi Lạp miséi/ µισεῖ, ghét, mang nghĩa trái với agapé/αγάπη, là yêu thương. Nói cách khác miséi được dịch là ít/bớt thương yêu. Và như thế, ý Thầy không phải là từ bỏ theo kiểu viết giấy từ con, viết giấy li dị vợ-chồng nhưng là một chọn lựa hơn-kém, biết đặt mức yêu thương như thế nào. Yêu thương đó từ ngàn xưa đã được Yhavé Thiên Chúa ước định trong 10 điều răn : Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến người trên hết mọi sự. Để trở thành môn đệ của Thầy là như thế, một chọn lựa dứt khoát của « từ bỏ » không chỉ những gì trần thế lưu luyến nhưng chính bản thân ích kỷ để có thể gắn bó trọn vẹn thương yêu và cùng bước theo Thầy lên Giêrusalem đón nhận những biến cố xảy ra.

2. Chưa hết, theo Thầy không chỉ ở thái độ nhưng còn thể hiện cách cụ thể ra hành động : « Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta ». Một hành động thiết thực để chia sẻ cùng một số phận với Thầy trên con đường khổ nạn. Và hơn nữa, « vác thập giá mình » còn là chân nhận chính bản thân với những giới hạn của mình. Chấp nhận chính mình như mình là để hướng tới chấp nhận để Thiên Chúa làm những gì Ngài muốn nơi tôi, để như Thầy học hỏi thực thi thánh ý Cha.

Con đường đời với những tranh giành thỏa mãn khát khao trần thế… con đường hướng về quê Trời với đời sống vĩnh cửu trong vinh quang Thiên Chúa… từ bỏ và vác thập giá, mỗi kitô hữu được mời gọi chọn lựa và sống trọn vẹn với chọn lựa đó.

Lm. Jos. Phạm, SCJ