CN.XXIII.TN.B

57 lượt xem Suy Niệm
JesusSourd

ἐφφαθά, Ephphatha…
(Is 35, 4-7a; Gc 2, 1-5; Mc 7, 31-37)

 

Trên báo “Kiến Thức Ngày Nay” số 636, ngày 10/04/ 2008 có đăng một bài viết, xin trích dẫn: Thử nghĩ mà xem, Thượng Đế cấu tạo cơ thể con người một cách rất hợp lý, nhưng ta lại không sử dụng nó theo đúng ý của Ngài:

– Ngài đặt hai mắt chúng ta ở đằng trước, vì Ngài muốn chúng ta luôn hướng tới phía trước, chứ không phải để ngoái nhìn về những sự việc ở phía sau, ở quá khứ.

– Ngài đặt hai tai ở hai bên là để nghe từ hai phía, cả lời khen lẫn tiếng chê, chứ không phải chỉ nghe từ một phía hoặc chỉ để nghe những lời tâng bốc êm tai.

– Ngài tạo cho chúng ta chỉ một cái miệng và một cái lưỡi mềm mại, vì Ngài muốn ta nói ít nghe nhiều và chỉ nói những lời khôn ngoan-yêu thương, chứ không phải để nói nhiều hơn nghe và nói những lời sâu hiểm làm tổn thương người khác.

– Ngài đặt bộ não trong một hộp sọ vững chắc vì Ngài muốn chúng ta nên tích lũy tri thức, những thứ chẳng ai có thể lấy đi, chứ không phải chỉ chăm lo tích lũy những của cải bên ngoài, những thứ dễ dàng bị mất mát.

– Ngài đặt trái tim nằm trong lồng ngực, vì Ngài muốn những tình cảm yêu thương giữa những con người phải được xuất phát và lưu giữ tận nơi sâu thẳm trong cõi lòng, chứ không phải ở một nơi hời hợt bên ngoài.

Mỗi một bộ phận đều có những giá trị tuyệt vời trong cuộc sống mỗi người, thiếu hay khiếm khuyết hoặc bị mất đi mới có thể cảm nhận cách sâu sắc ý nghĩa tạo hóa của nó. Cũng như có những điểm thiếu khuyết đi đôi với nhau, người câm không thể nói luôn là người không nghe được. Một sự bù trừ vì nếu như nghe mà không nói được thì mọi cảm nhận càng đẩy họ đi sâu vào mặc cảm. Tuy nhiên, câm-điếc luôn là một bất hạnh khiến họ dễ dàng rơi vào im lặng và cô đơn. Chính vì thế, đứng trước anh thanh niên bị câm điếc, Thầy Giêsu đã chạnh lòng thương và chữa lành cho anh.

Tuy nhiên, Thầy chữa lành không như bao lần khác vì đã kéo anh thanh niên tách ra khỏi đám đông hiếu kì và có cả những toan tính lợi lộc. Một điều thường thấy nơi bao kitô hữu hôm nay đang sống theo kiểu “có bệnh vái tứ phương” nên rơi vào mê tín: nghe biết nơi đâu có dấu là thì ào kéo đến; rồi một mặt cầu nguyện xin ơn, mặt khác chạy tìm những thầy mo bùa ngải để đạt được mong muốn; thay vì sống phó thác vào bàn tay nhân lành của Thiên Chúa là Cha, lại chạy tìm những ông thầy bà bóng coi bói để biết được quá khứ vị lai. Thầy tách anh thanh niên ra khỏi đám đông để tránh cái nhìn soi mói, tránh đám đông ham thích được đón nhận những dấu lạ. Và trên hết, Thầy thực hiện biến cố siêu việt từ đụng chạm thể lý tai-miệng anh thanh niên đến ngước mắt lên trời kết hiệp với Cha:

“Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói…” (Mc 7, 34). Từng cử chỉ không những diễn tả lòng trắc ẩn của Thầy, bên cạnh đó là một nỗ lực để thực hiện lại công việc sáng tạo của Thiên Chúa (bùn đất): sửa đổi con người bị hư hỏng do kiêu ngạo, do tội lỗi tìm về vẻ huy hoàng nguyên thủy của mình. Ephphatha, ἐφφαθά, hãy mở ra… Điều đặc biệt là ở đây, Thầy không nói với các cơ quan bệnh tật nhưng là nói với chính anh thanh niên. Thầy không chú trọng chữa lành thể chất của anh vừa câm vừa điếc. Điều Thầy thực hiện là việc mở tai để anh có thể nghe Lời Chúa, cởi trói lưỡi để anh có thể tuyên xưng đức tin vào Thầy Giêsu.

Nếu câm-điếc thể lý là điều bất hạnh, câm-điếc tâm hồn còn nguy hiểm hơn, bởi vì: Có thứ câm do ích kỷ, vô cảm. Ta chỉ nói về những quan tâm, những nhu cầu, những ước vọng bản thân, mà quên đi những quan tâm, những nhu cầu, những ước vọng của anh em; Có thứ câm do sợ sệt, vì sợ nên không dám nói lên sự thật, rồi còn những nỗi sợ mất quyền lợi, sợ mất danh dự, sợ mất lòng người khiến ta trở thành câm nín, cam chịu; Có thứ câm do lười biếng nên không nói được những lời tốt đẹp khích lệ anh em, vì lười biếng nên nói được những lời an ủi người đang buồn sầu, những lời chia vui với người anh em gặp may mắn, và nhất là vì lười biếng mà ta không nói lên được những lời ca tụng Thiên Chúa. Bên cạnh đó là: Có thứ điếc vì định kiến nên không muốn nghe người ấy nói, dù có nói hay đến đâu ta cũng cho là dở, dù nói tốt đến đâu ta cũng cho là xấu và nghe không lọt tai, nhưng nếu có vào thì chi vào những phần xấu; Có thứ điếc vì bịt tai không muốn nghe, tự làm cho mình trở thành điếc vì mất tin tưởng vào nhau, tuyệt vọng vì cuộc sống, tự đóng kín trong vỏ ốc của bản thân và đoạn tuyệt với mọi người.

Ephphatha, ἐφφαθά, hãy mở ra… Thầy vẫn luôn cố gắng chữa lành câm-điếc mỗi người, hãy để bản thân tách ra khỏi bao toan tính ồn ào của ích kỷ, của dục vọng để ở riêng với Thầy, để Thầy tái tạo sửa chữa lại những khiếm khuyết bản thân, để sống đúng với những giá trị cơ thể-tâm hồn…