CN.XXI.TN.A

56 lượt xem Suy Niệm
who do you say i am std t nv

Giêsu, Thầy là Ai?
(Is 22, 19-23; Rm 11, 33-36; Mt 16, 13-20)

 

Cất tiếng khóc chào đời, mỗi người đều được nhận cho mình một cái tên. Một danh từ nhưng gửi gắm trong đó bao hoài bão, ước mong của người đặt tên. Trong truyền thống Việt xưa, đây chính là tên chính hay còn gọi là tên húy được đặt sau 100 ngày chào đời trong nghi thức tạ ơn “12 bà mụ”, còn trước đó thì gọi bằng một cái tên xấu (thằng cu, con hím) để tránh tá ác. Bên cạnh đó, người xưa còn đặt thêm tên tự khi con trưởng thành trong nghi thức Thành Đinh, nghĩa là người trưởng thành. Điều này cũng đồng nghĩa người con hết phụ thuộc vào cha mẹ, thay cha mẹ quản lý tài sản và phải chịu trách nhiệm với những gì mình làm, ví dụ như Nguyễn Đình Chiểu tự Mạnh Trạch, trong đó Chiểu và Trạch mang đồng nghĩa là cái đầm, cái ao. Để rồi từ đó, người mang tên được đặt như muốn ôm trọn vai trò, trách nhiệm cũng như cố gắng hết sức để sống đúng với danh hiệu của mình. Hơn nữa, danh xưng sẽ đi suốt dòng đời, được dùng để miêu tả-thể hiện phẩm chất, tính cách và cả con người. Có lẽ cũng chính vì thế một số người sau này muốn tự đổi tên của mình để có thể được… đổi đời.

Cũng là cái tên, là danh xưng để nhận diện một ai đó, Thầy Giêsu đặt câu hỏi cho các môn đệ trong hoàn cảnh đặc biệt: “Người ta bảo Con Người là ai?”. Hoàn cảnh đặc biệt vì cả Thầy và trò luôn phải lẩn tránh kẻ phá hoại, quấy nhiễu nên sang miền đất dân ngoại, phía nguồn sông Giođan. Césarée Philipphe là thành phố mới được xây dựng do kinh phí của hoàng tử Philipphe, con của vua Hêrôđê Cả, có ý tôn vinh hoàng đế Rôma, nên đã đặt tên là Césarée. Chính tại đây, trước khi khởi hành đi Giêrusalem trong cuộc hành trình cuối cùng mà Thầy Giêsu đặt câu hỏi quan trọng. Trong con mắt người đời, Thầy được coi như gắn liền với những cái tên làm nên lịch sử dân tuyển chọn Israel, những cái tên của quá khứ và không ai xem Thầy là một đặc biệt khác-tách rời với lịch sử Israel, một đặc biệt của hiện tại hướng tới tương lai. Các môn đệ dù sống cạnh Thầy nhưng có lẽ cũng suy nghĩ như thế nên Thầy hỏi thêm: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?”. Thầy đòi hỏi hơn những dư luận chung, phản ánh những ý kiến thường ngày không đủ mà cần phải có thái độ của bản thân.

Một sự thinh lặng nhẹ nơi các môn đệ, chỉ có Phêrô mạnh dạn, đầy nhiệt huyết và bộc trực đưa ra cảm nhận cá nhân, cũng là lời tuyên xưng Đức Tin: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Lời tuyên tín vào Thầy là Đấng Messiah, Christos, nghĩa là Đấng được xức dầu mà các ngôn sứ đã tiên báo; Đấng đáp ứng lòng mong đợi bao thế kỷ của Israel, Đấng thực hiện mọi lời hứa của Thiên Chúa nói với dân Người. Để rồi từ đó, Thầy dùng ngôn từ Kinh Thánh như “bát phúc” chào mừng “con của Gionas”, là người vừa nhìn nhận Thầy như “Con Thiên Chúa hằng sống”. Bởi vì Simon Phêrô không thể công bố lời tuyên xưng này phát xuất từ thịt và máu, nghĩa là phát xuất từ bản tính nhân loại yếu giòn, nhưng chỉ có thể phát xuất từ cuộc mạc khải thánh thiêng.

Thầy khẳng định Phêrô không thể nhận biết căn tính của Thầy nếu không được Thiên Chúa là Cha soi sáng. Cũng từ đó, Thầy đặt tên mới cho Simon: “anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá”. Phêrô phát xuất từ tiếng Aram là Képhas, Hi Lạp là potros, một danh từ chung chỉ đá tảng nguyên khối. Chính vì thế nếu dịch sát nghĩa câu nói của Thầy: “Anh là Đá Tảng và trên Đá này, Ta sẽ xây Hội Thánh của Ta”. Thầy Giêsu đã dùng lối chơi chữ để đặt tên mới cho Simon và cũng trao gửi sứ vụ trở thành đá nền đảm bảo tòa nhà Giáo Hội được xây dựng vững chắc.

Nhờ khám phá qua trung gian Phêrô ý nghĩa của tước hiệu huyền nhiệm “Con Người” và nhờ nhận ra trong Thầy Giêsu Đấng Mêsia siêu việt như Người đã tự xưng ngay từ đầu sứ vụ, các môn đệ đã tách khỏi lối mòn suy nghĩ dân Do Thái cứng tin. Và từ đó Thầy Giêsu mới có thể ủy thác cho Phêrô quyền “cầm buộc” và “tháo cởi”, nghĩa là quyền thu nhận vào hoặc loại trừ khỏi Nước Trời. Quyền cầm giữ chìa khóa này, do Thiên Chúa thương ban, dựa trên niềm tin của Phêrô, một con người tội lỗi nhưng đồng thời là một kẻ tin.

Còn mỗi kitô hữu thì sao? Khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội, mỗi người đón nhận thêm một tên mới, một thánh hiệu mới bên cạnh danh xưng bản thân. Thánh hiệu đó như tên tự đánh dấu hạt giống Đức Tin nảy mầm, để rồi từ đó trong lời chuyển cầu và gương sáng của Thánh Bổn Mạng bước đi trên con đường nên thánh. Và như thế, mỗi kitô hữu đã tuyên tín và sống chứng nhân Đức Tin vào Thầy Giêsu thế nào, đã trở nên những tảng đá khác để xây dựng ngôi nhà Giáo Hội chưa?…