Nạn đói…
(Xh 16, 2-4.12-15; Ep 4, 17-24; Ga 6, 24-35)
Biến cố nạn đói năm Ất Dậu, khoảng từ tháng 10/1944 đến tháng 5/1945, có lẽ không một người Việt nào sống trong thời đó có thể quên vì số người chết vì đói không thể thống kê hết, lên đến khoảng 2 triệu. Nạn đói khiến hàng trăm ngàn người phải tha hương cầu thực, từng bước đi xiêu vẹo đến gục ngã dần rồi chết. Từ sáng sớm, những chiếc xe bò lại đi khắp các nẻo đường lượm xác người chết đói đem chôn thành những nấm mồ tập thể vô danh, đến độ có người bị quẳng lên xe còn thì thào “tôi chưa chết”, từng người với thân xác khô quắt nằm chờ để được chết, để được thoát khỏi cơn đau đớn dằn vặt từng giây phút. Con số từ 400 người chết tăng dần đến 5.000 người mỗi ngày. Thời gian đầu còn ăn cháo gạo, đến cháo cám, cháo độn…, càng về sau lên đến đỉnh điểm thì cái gì có thể ăn được thì ăn: từ lõi thân cây chuối, rau sam, rau má, bèo, khoai ngứa với vài ba con ốc nấu thành cháo để húp qua ngày; không còn gì để ăn thì rang cám và trấu (vỏ hạt lúa), đến cám cũng không còn thì bóc cả vách tường đất sét trộn trấu ra để ăn; người đói quá ăn cả bắp ngô được lượm từ phân ngựa… Cũng chính cái đói khiến con người đánh mất đi nhân tính, chỉ còn biết sống theo bản năng, người khỏe hơn cướp phần ăn người thoi thóp đến độ ai cũng đề phòng nhau, sợ con ma đói đến ăn cướp.
Dân Do Thái xưa cũng đã trải qua kinh nghiệm này, ngày được giải phóng khỏi ách nô lệ Ai cập, họ đã vui mừng ra đi và tràn đầy hy vọng một tương lai tươi sáng. Thế nhưng chẳng bao lâu sau, họ lại đòi trở lại Ai Cập, họ muốn làm nô lệ, là bởi vì: “Phải chi chúng tôi chết bởi tay Đức Chúa trên đất Ai cập, khi còn được ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thỏa thuê. Nhưng không, các ông lại đưa chúng tôi ra khỏi đó mà vào sa mạc này, để bắt chúng tôi phải chết đói cả lũ ở đây” (Xh 16, 3). Để rồi, Thiên Chúa rộng tay ban phát mana để nâng đỡ cuộc sống của họ trong hành trình tiến về Đất Hứa. Tuy nhiên, dân Do Thái phải chờ thế hệ sau mới sẵn sàng qua sông Giođan và vào Đất Hứa. Bởi vậy có người từng nói: “Dân do thái chỉ cần một ngày để ra khỏi Ai cập, nhưng phải cần đến 40 năm để hình ảnh sống đời nô lệ tại Ai cập thoát khỏi đầu óc của họ”.
Nói tới nạn đói, đời sống con người có nhiều cái đói khác nhau được nhà tâm lý học Maslow thống kê thành 5 tầng của kim tự tháp nhu cầu, từ nhu cầu nền tảng đến nhu cầu bậc cao:
– Nhu cầu thể lý: là cái đói căn bản của con người về ăn, uống, uống, ngủ-nghỉ, không khí để thở, xác thịt, các nhu cầu làm cho con người tồn tại. Đây là những nhu cầu cơ bản nhất và mạnh nhất của con người. Trong hình kim tự tháp, những nhu cầu này được xếp vào bậc thấp nhất: bậc cơ bản nhất. Tức là các nhu cầu ở mức độ cao hơn không xuất hiện nếu nhu cầu cơ bản này chưa được thỏa mãn.
– Nhu cầu về an toàn: khi cái đói thể lý được đáp ứng đầy đủ là tiến tới cái đói được sống an toàn trước những sự đe dọa, mối nguy hiểm về vật chất hay tinh thần. Đó là sự mong muốn sống một cuộc sống ổn định, một xã hội hòa bình.
– Nhu cầu về xã hội: tiếp đến là cái đói cao hơn là tinh thần về tình cảm như một gia đình thương yêu, bạn bè hàng xóm tin cậy; yêu và được yêu.
– Nhu cầu được quý trọng: là cơn đói không ai muốn mình là đồ bỏ; ai cũng muốn mình được đón nhận, được tôn trọng, được người khác chấp nhận.
– Để rồi từ đó, nhu cầu được thể hiện bản thân: muốn sáng tạo, muốn được thể hiện khả năng, thể hiện bản thân, có được và được công nhận là thành đạt.
Về mặt tự nhiên là thế, nhưng Thầy Giêsu còn đi xa hơn nữa khi đề cập tới nạn đói cao nhất là khao khát được sống đời đời, được bất tử. Một đỉnh điểm của cơn đói mà bao người có đời sống thực dụng từ xưa đến nay quên mất. Chính vì vậy, Thầy Giêsu đã lên tiếng cảnh tỉnh: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê” (Ga 6, 26). Để rồi từ đó, “các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực trường tồn đem lại phúc trường sinh” (Ga 6, 27). Công việc đó chính là Tin vào Đấng Messiah được Cha gửi đến, Tin vào Thầy là Mana Mới, là Bánh đích thực, “từ trời xuống, là bánh đem lại sự sống cho thế gian” (Ga 6, 33).
Thế nhưng, nghe lời Thầy nói, dân chúng chán nản bỏ Thầy đi gần hết, chỉ còn lại 12 tông đồ. Con người là thế, ngửi được mùi có lợi lộc vật chất thỏa mãn nhu cầu thì chạy theo, khi không còn được lợi ích gì nữa thì bỏ đi. Còn tôi, là kitô hữu, tôi thì sao?…
Tin cùng chuyên mục:
Các bài Suy niệm Lễ Đức Mẹ Mân Côi: Con Thiên Chúa xuống thế để ở với con người
Chúa nhật XXVI thường niên năm A: Đường lối của Thiên Chúa và của con người
Ngày 30/09: Thánh Giêrônimô, Linh mục – Tiến sĩ Hội Thánh
Thứ bảy tuân XXV thường niên: Phải vượt gian khổ mới hy vọng đạt được vinh quang