CN.XVII.TN.C
Xin – cho…
(St 18,20-32 ; Cl 2,12-14 ; Lc 11,1-13)
Xin-cho luôn gây mưa bão ảnh hưởng sâu vào nếp sống cũng như các mối tương quan xã hội. Hệ quả để lại của xin-cho là tham nhũng, quyền lực khiến đời sống, chất lượng cuộc sống ảnh hưởng nặng nề. Xin-cho không chỉ đơn giản là trì trệ phát triển xã hội nhưng ăn sâu dần vào nếp sống khiến con người trở nên thực dụng hơn. Không chỉ thế, xin-cho còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống đạo, đời sống đức tin âm hưởng đến ngày nay trong lời cầu nguyện. Để rồi, đời sống thiêng liêng-cầu nguyện không còn là giờ gặp gỡ, trò chuyện thân tình với Thiên Chúa. Cầu nguyện trở thành xin, và chờ được… cho.
Câu hỏi đặt ra, nếu xin mà chưa được cho thì sao ? Nhiều kitô hữu việt phản ứng theo kiểu thực dụng lên tiếng oán trách cả Thiên Chúa vì xin hoài mà không nhận được. Không chỉ nghi ngờ về sự hiện diện của Thiên Chúa, nhưng còn làm lung lay niềm tin bao người xung quanh. Một thực trạng tiệm tiến nên khó nhận ra, khi giật mình nhìn lại thì đã “đi lạc xa quá” trên hành trình Đức Tin. Hãy quay trở về và nhìn lại, soi chiếu lại đời sống cầu nguyện trên nền tảng lời dạy Thầy Giêsu: “Khi các con cầu nguyện, hãy nói: ‘Lạy Cha…”.
Abba/Pater, ngay từ đầu lời cầu nguyện, Thầy Giêsu dẫn đưa các môn đệ vào mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa. Ngài không phải là Đấng mà con người tôn vinh trong sợ hãi vì quyền năng, vì cao vời không với tới. Ngài là Cha, một danh xưng dù không lạ để gọi Thiên Chúa trong nhiều tôn giáo. Nhưng, trong Do Thái giáo danh xưng này chỉ được dùng để nói về Thiên Chúa, và không được sử dụng để thưa, để nói chuyện vì thể hiện sự quá thân mật có thể đánh mất đi sự Thánh thiêng của Thiên Chúa. Chỉ qua, trong và với Thầy Giêsu, mọi kitô hữu trở nên những người con, được tham dự vào mối tương quan sâu thẳm với Thiên Chúa trong tình Cha-con. Để rồi từ đó, lời cầu nguyện không còn là kiểu xin-cho theo cái nhìn ích kỉ con người nhưng là hai phần:
Phần một hướng về Cha với 2 nguyện ước : Danh Cha cả sáng và Nước Cha trị đến. Danh Cha cả sáng dịch sát nghĩa “ước gì danh Cha được hiển thánh”, không phải hiểu theo ý Thiên Chúa phải bận tâm thể hiện Ngài là Thánh và làm cho con người không làm ô nhục Danh Ngài. Đây là lời cầu nguyện xin Thiên Chúa mạc khải Ngài là ai, đó chính là Đấng giàu lòng thương xót, nhân hậu, tình phụ tử vô biên. Đấng Tình Yêu đó được thể hiện trọn vẹn qua Thầy Giêsu, chính Thầy tuôn trào hồng ân cứu độ loan báo triều đại Cha hiện diện. Mong ước Triều đại đó Cha hoạt động, thanh tẩy, thánh hóa trong mọi tạo vật trở nên Tình Yêu, An Bình. Nước Thiên Chúa chính là mong ước cao nhất của nhân loại/tương lai, và chỉ hiện diện trọn vẹn trong ngày cánh chung.
Phần hai, được chuyển tiếp giữa hai lời nguyện siêu nhiên về Thiên Chúa-Vương Quốc của Ngài và hai lời nguyện hạ nhiên (infra naturel) về ơn tha tội và tránh cám dỗ, là lời cầu xin về lương thực/hiện tại. Con người vì là con của Cha/Thiên Chúa nên không thể bị cơn đói dằn vặt và cũng không sống trong dư thừa phung phí : xin lương thực đủ dùng hằng ngày để không bị bận tâm đến thực tại trần thế và hướng tâm hồn đến thực tại Nước Trời nơi Cha ngự trị. Lời nguyện còn rộng hơn hướng tới nguồn lương thực Lời Hằng Sống Thiên Chúa, nguồn lương thực nuôi sống tâm hồn và xin cho được sống như Lời Ngài. Lương thực hằng ngày, đó cũng chính là Bánh Thánh Thể Kitô, bánh ban sự Sống đời đời.
“Xin tha nợ như chúng con cũng tha”, ơn tha thứ lỗi lầm đã phạm/trong quá khứ là một hồng ân nhưng không của Cha, mỗi kitô hữu không thể trở nên và sống trong trọn vẹn thân tình cha-con với Thiên Chúa nếu không được chính Ngài tha thứ. Nhưng lời nguyện hồng ân tha thứ quan trọng không kém ở chữ “như”, đã lãnh nhận lòng xót thương của Cha, mỗi kitô hữu cũng được mời gọi sống thương xót như Cha với tha nhân. Và cuối cùng, hướng về bước đường tương lai xin vượt qua mọi thử thách gian nan bao trùm đời sống con người. “Cám dỗ” không chỉ diễn tả những quyến rũ phạm tội nhưng còn bao gồm mọi hoàn cảnh khiến con người bị thử thách về đức, thánh liêm, lòng tín trung.
Abba, “lạy Cha chúng con…” mỗi kitô hữu hãy luôn cất vang tiếng cầu nguyện trong tâm tình một người con hiếu thảo dâng lên Cha, để đời sống cầu nguyện trở thành lời nguyện xin tinh tuyền không còn là xin-cho…
Lm. Jos. PHẠM
Tin cùng chuyên mục:
Thứ ba tuần XXVI thường niên: Phản ứng của con người khi gặp trái ý hay đau khổ
Thứ hai tuần XXVI thường niên-Các Thiên thần hộ thủ, Lễ nhớ
Các bài Suy niệm Lễ Đức Mẹ Mân Côi: Con Thiên Chúa xuống thế để ở với con người
Chúa nhật XXVI thường niên năm A: Đường lối của Thiên Chúa và của con người