CN.XVII.TN.A

133 lượt xem Suy Niệm
maxresdefault 10

Đi tìm kho báu…
(1 V 3, 5-12; Rm 8, 28-30; Mt 13, 44-52)

 

Trong giai thoại Trạng Quỳnh có thuật lại câu chuyện:

Chúa Trịnh có một viên ngọc quý, suốt ngày nâng niu, giữ gìn rất cẩn thận. Nhân một buổi dạ tiệc, chúa đem ngọc ra khoe. Các quan nhiều kẻ có thói hay nịnh bợ, đua nhau tán tụng: “Ngọc của chúa quý hơn ngọc ba tiêu, lấy trong cây chuối, ba nghìn năm mới có một lần, giữ được ngọc này thì thoát tục, tới được cõi bồng lai, lại có thể phân biệt được đâu là yêu quái, đâu là người trần tục!”; rồi còn cho rằng là ngọc kỵ thuỷ, ngọc kỵ hỏa …

Thấy Quỳnh vẫn đứng yên không nói năng gì, chúa bèn hỏi. Quỳnh chắp tay cung kính thưa: “Bẩm chúa, trong cõi trời đất này, không có gì quý bằng người. Ngọc kỵ thủy, ngọc kỵ hỏa có quý nhưng sau dám sánh bằng ngọc người? Ngọc người thì chỉ nằm trong óc người. Nhưng chỉ kẻ nào ngu ngốc mới có ngọc, còn khôn ngoan, thông minh thì không thể có được!”.

Chúa hỏi: Vì sao người ngu ngốc mới có ngọc?
Quỳnh đáp: Chúa chả nghe người ta bảo người khôn thì anh hoa phát tiết ra ngoài đó ư? Còn kẻ ngu ngốc vì bao nhiêu cái khôn không xuất ra được nên hun đúc trong óc rồi lâu ngày dẫn thành ngọc!

Chúa nghe vậy thì tin, thích lắm bảo rằng: Ngươi nói nghe có lý. Vậy thì ngươi mau tìm cho ta một viên ngọc người vậy! Quỳnh lại tâu: Kẻ hạ thần tuy là người trần mắt tục nhưng vẫn thấy hào quang đang tỏa rạng quanh mình chúa.

Đám bá quan văn võ ưa xu nịnh nghe thế được dịp dập đầu thanh hô vang: Muôn tâu, hào quang tỏa rạng quanh mình chúa thượng. Chúng thần nhìn rõ lắm!

Nghe lời nịnh ấy, chúa vô cùng thích chí, mặt mày rạng rỡ. Quỳnh tiếp ngay: Tâu chúa thượng, đó chính là hào quang của viên ngọc. Nếu chúa muốn thấy nó, xin chúa hãy truyền cho ngự y tìm cách mổ óc ra sẽ được ngọc ngay! Chúa chợt hiểu ra mình bị chơi xỏ, tức uất người ngưng chỉ đành câm lặng trong khi bọn quan nịnh thì chả hiểu sao chúa vừa vui vẻ đã quay sang bực bội.

Từ câu chuyện Trạng Quỳnh xỏ xiên chúa Trịnh mới thấy giá trị của khôn ngoan như thế nào. Salomon lên ngôi vua kế vị David lúc 20 tuổi vào khoảng năm 960 BC. Salomon biết mình còn trẻ nên thiếu khả năng, ông cũng biết rằng trách nhiệm rất nặng nề. Ông còn ý thức rằng vương quyền của ông là do Thiên Chúa ban, để phục vụ cho dân tuyển chọn. Chính vì vậy, khi Thiên Chúa bảo ông muốn xin bất cứ điều gì thì Ngài sẵn sàng ban cho, Salomon không xin sống lâu, được giàu có, tiêu diệt kẻ thù mà xin được ơn khôn ngoan để biết suy xét và lãnh đạo dân chúng. Thiên Chúa khen ông và ban cho sự khôn ngoan, đến nỗi sau này trong lịch sử, ông được mang tên là “Ông Vua Khôn Ngoan”. Nhưng bất hạnh thay, lúc về già, vua Salomon thay tính đổi nết, đã trở nên dại dột, đã làm những điều ngang trái và đây là cả một sự tai hại lớn cho Israel. Hay nói khác hơn, Salomon tự khoanh vùng ơn khôn ngoan của mình trong cách cai trị dân và không sử dụng hồng ân đó để tìm kiếm kho tàng Nước Trời.

Kho tàng đó được Thầy Giêsu truyền dạy qua dụ ngôn kho báu và viên ngọc quý. người nông dân và người lái buôn sau khi đã biết được giá trị của kho báu và viên ngọc quý thì sẵn sàng bán tất cả những gì mình có để sở hữu cho bằng được kho tàng và viên ngọc đó. Người buôn ngọc chắc phải bán nhiều hơn người nông dân, nhưng cả hai đều phải bán tất cả. Bán tất cả để mua kho báu và viên ngọc quý… đó là điều mà Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh ở đây.

Để có thể làm được điều này, cả người nông dân lẫn người lái buôn cần có khôn ngoan để nhận ra những tài sản ông hiện đang có không thể so sánh với kho tàng ẩn giấu và cần phải làm ngay. Ông không thể vừa muốn kho tàng chôn giấu vừa muốn giữ các tài sản của mình. Nếu không nhận ra sự quan trọng của Nước Trời trong cuộc đời, chắc chắn không ai dám hy sinh tất cả cuộc đời vì Nước Trời; và các thánh Tử Đạo chắc chắn sẽ không dám chết cho Nước Trời.

Trong 7 ơn Chúa Thánh Thần, đứng đầu là ơn Khôn ngoan. Vậy khôn ngoan là gì ? Đó chính là nhận biết cái gì là đúng cái gì là sai, cái gì là chính cái gì là phụ, cái gì là quan trọng cái gì là thứ yếu, cái gì là bền vững cái gì là chóng qua. Tuy nhiên, sự khôn ngoan trong cái nhìn của Thầy Giêsu khác với con người. Bởi vì ngay bây giờ nếu Thầy đòi hỏi mỗi kitô hữu bán tất cả tài sản để mua Nước Trời, ta sẽ thế nào ? Ta có thể có được thái độ thanh thản, dứt khoát như hai người trong bài dụ ngôn hay là khó chịu như anh chàng thanh niên giàu có khi Thầy đòi hỏi anh ta phải bán tất cả chia cho người nghèo, sau đó đến mà theo Thầy. Anh thanh niên đã không dám bán vì anh ấy chưa thấy được việc theo Thầy, việc gắn bó với Thầy là một giá trị vĩnh cửu. Anh chưa thấy được Thầy là nguồn mạch sự sống, là sự sống đời đời mà anh đang khao khát tìm kiếm. Và, chính vì thế mà anh không dám từ bỏ sự vững chãi của hiện tại để đi theo Đấng mà anh không biết chắc tương lai sẽ như thế nào.

Khôn thế gian làm quan địa ngục,
Dại thế gian làm quan thiên đàng…