CN.XIX.TN.B

55 lượt xem Suy Niệm
CN19namB

Thực và Đạo…
(1 V 19, 4-8; Ep 4, 30-32 – 5, 2; Ga 6, 41-51)

 

Hồng y Newman trước khi trở về với Công giáo từng giữ chức vụ cao trong Anh giáo và bổng lộc hằng năm là một ngân khoản rất lớn. Dù được xếp thuộc tầng lớp qúy tộc, nhưng ngài vẫn luôn có những trăn trở về một số vấn đề liên quan đến đức tin tôn giáo. Để rồi, sau khi đã dành nhiều thời giờ suy tư tìm hiểu, ngài quyết định từ bỏ mọi chức vụ và các đặc quyền đặc lợi để xin theo Công giáo. Biết được ý định của Newman, nhiều người thân và bạn bè đến thăm, đề nghị ngài suy nghĩ lại. Có người còn nêu cụ thể vấn đề bổng lộc: “Trước khi quyết định, xin ngài hãy cân nhắc cẩn thận. Vì nếu ngài cải giáo thì không những bị mất tất cả các chức danh và địa vị tinh thần, mà ngay cả lương bổng vật chất hàng năm không còn được hưởng nữa”.

Nhưng, Newman thẳng thắn trả lời: “Tiếc thì tôi cũng có tiếc thật. Nhưng tôi đã suy nghĩ kỹ rồi, chức vụ, quyền hành và bổng lộc vật chất tuy đáng qúy, nhưng có đáng là gì nếu đem so sánh với những cái tôi nhận được khi được trở nên thành viên của Hội thánh Công giáo và Tông truyền. Tôi sẽ được lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần qua việc lãnh các bí tích, nhất là được ăn bữa tiệc Thánh Thể. Đó mới thực là bánh đem lại phúc trường sinh”.

Điều mà vị hồng y Newman khắc khoải và tìm thấy được chính là Bánh, là lương thực vượt trội thỏa mãn cái đói thật sự của ngài. Nói đến lương thực-thực phẩm, đây là điều mà con người không thể thiếu để duy trì sự sống và đảm bảo những hoạt động khác nhau của các bộ phận trong cơ thể con người. Nếu thức ăn đủ chất dinh dưỡng, được cấu trúc theo một tỉ lệ hợp lý, cơ thể sẽ khỏe mạnh; ngược lại, thì cơ thể sẽ yếu đuối. Nói cách khác, không có ăn uống thì con người không thể tồn tại; không có ăn uống thì thì con người không thể sống khỏe mạnh. Phải chăng vì thế nên ông bà có câu nói: “trời đánh tránh miếng ăn”.

Một câu nói ví von diễn tả nếp sống tốt đẹp của người Việt: khi dùng cơm chung với nhau, mọi người đều phải loại bỏ mọi bực mình, khó chịu, xích mích mâu thuẫn để cùng hòa giải, cùng chia sẻ sự bình an, thương yêu và hiệp nhất trong cùng “một bàn ăn”. Một bữa ăn bình thường của người Việt là thế, đặc biệt hơn dành cho mỗi kitô hữu cùng tham dự bàn tiệc Thánh Thể, Mình Máu Thánh Thầy Giêsu.

Thế nhưng, bao kitô hữu ngày nay rơi vào kiểu sống của những người Do Thái xưa “xầm xì phản đối” Thầy sau khi được hưởng quà tặng mana, “ông này chẳng phải là ông Giêsu, con ông Giuse đó sao?” (Ga 6, 42): một lối sống thực dụng chỉ biết tìm đến những lợi ích cá nhân; không chấp nhận và đón nhận người khác nếu không có gì lợi cho bản thân. Để rồi từ đó, tham dự thánh lễ, Bí tích Thánh Thể trở thành hình thức cho có, rước Mình Thánh Chúa trở thành nghi thức lặp đi lặp lại với sự nhàm chán vì kitô hữu chỉ tập trung vào những gì hữu hình, những gì mong muốn là cần phải có được ngay. Văn sĩ-triết gia người Pháp Charles Péguy, từ người theo vô thần xã hội quay trở về Công giáo, đã nói: “Bí tích Thánh Thể, Bánh Hằng Sống, không phải là những chuyện tầm thường ngang tầm tay chúng ta. Phải tìm kiếm vượt trên những gì hữu hình. Không ai đã thấy bao giờ! Vậy để thấy rõ hơn, có lẽ chúng ta sẽ nhắm hẳn mắt lại, tránh mọi sự chia trí trong thế giới hữu hình, để tập trung vào cái ‘vô hình’”.

Một lời mời gọi để khám phá hồng ân Bánh hằng sống được trao ban cách nhưng không cho nhân loại, đặc biệt nơi Thánh Lễ với hai bàn tiệc: Lời Chúa và Thánh Thể. Cuộc đời kitô hữu thường được ví như một cuộc lữ hành vượt qua sa mạc với bao giông bão trần thế để về quê Trời. Khó có ai vượt qua được nếu không được trợ sức, được nuôi dưỡng. Chính vì thế, đặc biệt là các bạn trẻ thích xem lễ tại gốc cây, yên xe, xem lễ từ bên kia con đường cách ngang với tai nghe và điện thoại nghe nhạc, để rồi nhận xét rằng thánh lễ chẳng có gì hấp dẫn và chỉ tốn thời gian vô ích: Hãy can đảm bước ra khỏi tù ngục mà bản thân từng nghĩ là chân trời hấp dẫn của cuộc sống thực dụng hưởng thụ, hãy bước vào Thánh đường làm cuộc phiêu lưu mới, khám phá mới vượt lên những gì hữu hình. Nơi bàn tiệc Lời Chúa, không chỉ là những lời dạy đơn giản về sống tốt, về nhân bản nhưng cần khám phá là Lời dìu dắt mỗi người về một con đường đích thật của Chân-Thiện-Mỹ, một con đường hạnh phúc và bình an vượt lên trên mọi sóng gió thử thách, vượt lên trên mọi hấp dẫn tầm thường của hưởng thụ trần tục.

Để rồi từ đó, cùng chia sẻ bánh Thánh Thể khác biệt mọi món ăn ngon cao lương mĩ vị khác. Khi ta ăn uống và hưởng dùng lương thực phần xác, thì những thứ thực phẩm được nghiền nát, được tiêu hóa và trở thành chất bổ dưỡng nuôi cơ thể. Như thế lương thực trở thành máu thịt của ta. Lãnh nhận Thánh Thể, Bánh hằng sống thì ngược lại: Thánh Thể biến đổi ta để làm cho ta trở nên giống Thầy Giêsu, tức là làm cho ta trở nên “Thánh Thể” ngay trong đời sống hằng ngày. Thánh Augustinô viết: “Ta là thức ăn của người mạnh, hãy lớn lên và ăn Ta. Nhưng con không biến đổi Ta trong con như biến đổi một thức ăn, mà đúng ra là con sẽ được biến đổi thành Ta”. Thánh Tôma Aquinô cũng khẳng định: “Hiệu quả đích thực của Bí tích Thánh Thể là chuyển đổi con người thành Thiên Chúa”. Nhờ siêng năng kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể, cuộc sống kitô hữu sẽ được canh tân đổi mới và có thể sống như Thánh Phaolô khuyên dạy: “Anh em hãy đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô. Anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, vì anh em là con cái được Người yêu thương, và hãy sống trong tình bác ái, như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta” (Ep 5, 1-2).

Như Thầy Giêsu đã trao ban chính bản thân mình, mỗi kitô hữu được mời gọi sống như Thầy, dấn thân phục vụ, sống vì tha nhân, để trở nên những cánh tay nối dài của Người giữa trần gian: “Chúc anh chị em đi bình an”…