CN.XIX.TN.A

81 lượt xem Suy Niệm
cnxixa

Biển đời…
(1 V 19, 9a.11-13; Rm 9, 1-5; Mt 14, 22-33)

 

Thi sĩ Nguyễn Du trong cuốn “Đoạn trường tân thanh” gửi gắm tâm sự của mình trước những cảnh nhiễu nhương của xã hội thời đó:

Trăm năm trong cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

Theo nhận xét của Nguyễn Du, đời người là một cuộc bể dâu, thay đổi không ngừng, không có gì là vững chắc. Trong những thay đổi ấy, thi sĩ thấy có biết bao nhiêu cảnh đoạn trường xảy ra nhiều đau đớn. Có rất nhiều người trên đời đã phải vật lộn với biết bao gian nan thử thách để mà sống. Có người đã vượt qua, có người bị đắm chìm, nên người ta đã gửi kinh nghiệm sống đó vào câu tục ngữ: Ba chìm bảy nổi chín lênh đênh, nghĩa là số phận của con người với cuộc sống long đong gặp nhiều gian truân vất vả. Đối với những người yếu đuối tinh thần, gian nan khốn khó làm cho họ nản lòng buông xuôi. Trái lại, đối với những người có ý chí vững mạnh, gian nan khốn khó càng là động lực thúc đẩy họ tiến lên. Ông Baden Powell, ông tổ của Hướng Đạo, đã nói: “Đời sẽ thành vô vị nếu toàn là đường mật; muối sẽ mặn chát nếu ta nếm một mình nó, nhưng khi bỏ nó vào đồ ăn, nó là một thứ gia vị ngon lành. Khó khăn, trở ngại đều là những hạt muối trong đời”.

Tuy nhiên như thế vẫn chưa đủ, cuộc đời con người thường được coi như một chiếc thuyền xuôi chèo trên biển rộng mênh mông. Mặt biển có lúc phẳng lặng, con thuyền có thể lướt qua mặt nước một cách an toàn. Nhưng cũng có lúc mặt biển nổi sóng to gió lớn như biển Tibériade mà các tông đồ đang gặp phải thì con thuyền sẽ chao đảo, phải chèo chống mạnh mẽ. Một mình chèo chống chưa đủ vì sức người yếu đuối, sóng gió lại dữ dội. Ngoài sức chèo chống của mình, cần vững tin lên tiếng xin Thầy Giêsu đến giúp đỡ như các tông đồ đã làm: “Xin cứu con với”!

Thành tâm cầu xin vẫn chưa đủ vì còn cần đặt trọn niềm tin và phó thác vào Thầy. Như thánh Phêrô, khi bước khỏi thuyền đi trên mặt nước với Thầy, ông tin mạnh mẽ; thế nhưng đứng trước cơn bão đời bủa vây, ông lại đánh mất đi chính lòng tin và phó thác đó nên chìm dần; để rồi lại lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa xin Thầy cứu vớt: “Lạy Thầy, xin cứu con”. Chính những lúc lao đao như thế, Thầy luôn giang rộng cánh tay nâng Phêrô vượt qua khỏi gian nan khốn khó: “Đừng sợ”.

Trong cuốn “Tự thuật”, thánh Augustinô từng trải nghiệm: “Lạy Chúa, khi dựng nên con Chúa không cần có con, nhưng Chúa không thể cứu con nếu con không cộng tác”. Đúng thế, Chúa luôn yêu thương ta, Chúa không bao giờ “đem con bỏ chợ”. Nhưng thương yêu không có nghĩa là lúc nào Ngài cũng âu yếm ôm ta vào lòng, chiều chuộng như một trẻ con, nhưng Chúa muốn ta phải trưởng thành, phải chịu gian nan thử thách để thành nhân. Nói cách khác, Đức Tin không bảo đảm cho người tin khỏi gặp sóng gió, nhưng thêm sức cho người ấy có thể bước đi trên mặt nước giữa sóng gió bao trùm. Và như thế, không phải chỉ một mình Phêrô, mà còn rất nhiều người có thể đi trên mặt nước mà không sợ hãi.

Điều quan trọng không phải là tìm giải pháp hay làm sao vượt qua sóng đời, nhưng là tái khám phá và đặt niềm tin tưởng-phó thác vào bàn tay thương xót luôn mở rộng-nâng đỡ của Thiên Chúa. “Thầy đây, đừng sợ”, Thầy Giêsu đã mạc khải-vén mở bức màn che giấu Thiên Chúa là ai. Thầy đây, nguyên ngữ Hi Lạp ἐγώ εἰµι·/êgo êmi, cũng là mạc khải của chính tên Thiên Chúa, “Ta là”, khi Môisen nhận được nơi bụi gai (Xh 3, 14). Lời mạc khải của Thầy Giêsu cho các môn đệ trong bối cảnh của biển cả, sóng gió và đêm tối, gợi lại đường lối đặc trưng mà Thiên Chúa vẫn tự xác định về chính mình trong sách Isaia 40-55: “Ta là Chúa, chính Ta mở đường giữa đại dương và mở lối giữa sóng nước oai hùng” (43,15-16). Sự hiện diện của Thiên Chúa luôn nằm ngoài kiểu mẫu suy nghĩ của con người. Bởi vì khi ngôn sứ Élia đứng trong một hốc núi Horép, ông thấy một luồng gió mạnh xé núi xé non, nhưng Chúa không ở trong đó ; ông lại thấy một cơn bão rất mạnh làm cho đất bị động, nhưng Chúa không ở trong bão ; ông còn thấy lửa, nhưng Chúa cũng không ở trong lửa. Cuối cùng ông thấy một làn gió hiu hiu, ông được soi sáng cho biết có Chúa ở trong đó, ông liền cung kính lấy khăn che mặt lại để bước ra khỏi hang diện kiến Thiên Chúa (1V 19, 9a.11-13a). Ngài thường hiện diện cách êm ả, âm thầm và nhẹ nhàng trong cái rất bình thường của đời sống hằng ngày. Còn ta, ta không nhận ra được sự hiện diện của Chúa bởi vì cứ mãi tìm Ngài trong những sự phi thường.

“Chính Thầy đây, đừng sợ” và “Hãy đến”, Thầy luôn mãi mời gọi mỗi kitô hữu cùng tái khám phá lại dung mạo của Thầy để rồi từ đó đặt trọn niềm tin-phó thác trong bàn tay yêu thương của Thầy. Và, cùng chung tiếng ca vang: “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa”…