CN.XIII.TN.A

58 lượt xem Suy Niệm
unnamed 1

Mất vs Được…
(2 V 4, 8-11.14-18; Rm 6, 3-4.8-11; Mt 10, 37-42)

 

Được và mất nói theo cách khác trong nét văn hóa Việt là phúc và hoạ, với nhiều câu nói nhắc nhở: họa trung hữu phúc, phúc trung hữu họa, trong mất có được, trong được có mất; làm việc vô ích để cầu phúc không bằng làm việc có ích để cứu người; người mê thích làm điều lành, phúc tuy chưa đến nhưng họa đã xa, người mà không thích điều lành, họa tuy chưa đến nhưng phúc đã xa. Được-mất đó trong sách “Nhân gian huấn” có thuật lại câu chuyện:

Xưa kia, ở nước Tống có một người rất hay làm việc thiện. Một ngày nọ, con trâu đen trong nhà anh ta sinh ra một con nghé con màu trắng. Anh ta cảm thấy vô cùng kỳ lạ nên tìm đến thỉnh giáo Khổng Tử. Sau khi lắng nghe, Khổng Tử nghe xong liền nói: “Không cần phải lo lắng, đây là điềm báo may mắn. Ngươi hãy về nhà làm lễ tạ ơn thiên thượng đi!”.

Người lương thiện kia ngay sau khi trở về nhà đã lập tức làm theo lời Khổng Tử căn dặn. Năm sau, mắt của anh ta vô duyên vô cớ đột nhiên bị mù. Sau đó, con trâu đen kia lại sinh ra một con nghé con màu trắng giống như lần trước. Lần này, anh ta còn cảm thấy kỳ lạ hơn nên sai con trai đến thỉnh giáo Khổng Tử. Người con thấy cha sai như vậy thì bèn hỏi: “Năm ngoái cha đi hỏi một lần, hai mắt bỗng nhiên bị mù. Vì sao bây giờ cha còn muốn đi hỏi nữa?”

Người cha trả lời: “Lời của thánh nhân đều là lúc trước mâu thuẫn nhưng sau thì lại phù hợp. Chuyện này còn chưa kết thúc đâu, con hãy đi hỏi ngài cho cha”.

Người con đành đến thỉnh giáo Khổng Tử lần nữa. Khổng Tử nói: “Không cần lo lắng, đây là điềm báo may mắn. Ngươi hãy về làm lễ tạ ơn thượng thiên đi!” Người con sau khi trở về bèn kể lại lời Khổng Tử căn dặn cho cha nghe. Người cha nói: “Chúng ta cứ dựa theo lời của Đức Khổng Tử căn dặn mà làm!”. Người con trai làm đúng như vậy và một năm sau đó, hai mắt của người con trai cũng vô duyên vô cớ bị mù.

Một thời gian sau, nước Sở đem quân đánh nước Tống, tất cả nam giới trưởng thành đều bị bị điều đi lính để giao chiến. Kết quả đã có hơn một nửa số người bị tử trận. Hai cha con nhà kia vì mắt bị mù nên không phải đi giao chiến, vì thế mà may mắn thoát được cái chết. Sau khi chiến tranh kết thúc, thị lực của hai cha con cũng tự nhiên phục hồi như kỳ tích, cả hai đều cảm thán thốt lên: “May mà chúng ta nghe theo lời của Đức Khổng Tử, cho dù xảy ra tai họa cũng kiên trì kính tín thần linh, thành tâm lễ tế thần linh”.

Ảnh hưởng của triết lý sống Khổng-Lão, người việt nhắn nhủ nhau: người làm điều thiện thì trời lấy phúc mà trả lại, kẻ làm điều bất thiện trời lấy họa trả lại; hễ ai làm việc thiện trời ban trăm điều phúc, ai làm điều bất thiện trời giáng trăm họa.

Được-mất trong cái nhìn của nhân gian là thế, nhưng đối với Thầy Giêsu được-mất không chỉ nhìn theo lối suy nghĩ giới hạn con người theo đời này bởi vì còn tồn tại đời sau. Được-mất ở đời sau không tùy thuộc vào phúc-họa nhưng là do chọn lựa sống của bản thân: “Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được” (Mt 10, 40).

Liều mất “mạng sống mình”, trong ngôn ngữ Hi Lạp Tin Mừng được diễn tả bằng từ ψυχὴν/psychén, mạng sống, mang nghĩa rất rộng: chỉ lòng, trí, tâm, là tất cả cuộc sống, là toàn thể con người. Như thế, “liều mất mạng sống” mang nghĩa là dám mất tất cả. Kitô hữu là người chọn Thầy Giêsu Kitô làm lý tưởng để rồi từ đó làm chứng về Thầy. Vì thế mọi lời ăn tiếng nói, đến tâm tư tình cảm phải quy hướng về Thầy Giêsu. Thầy phải chiếm vị trí tối ưu trong tâm hồn người môn đệ. Nói thế không có nghĩa là người môn đệ chối bỏ mọi tình cảm chính đáng, dứt lìa những mối liên hệ gia đình, nhưng là từ nay người môn đệ có yêu thương ai thì cũng là yêu thương trong tình yêu của Thầy Giêsu và bằng tình yêu của Thầy.

Cụ thể hơn, Thầy dạy bài học làm toán. Người đời thường thích làm toán cộng và nhân cuộc đời, nghĩa là cứ muốn thêm thật nhiều và thật nhanh mọi tiện nghi trong cuộc sống để hưởng thụ và coi đó là có phúc. Còn Thầy, Thậy lại dạy làm toán trừ và toán chia: làm toán trừ là từ bỏ; làm toán chia là chia sẻ, trao tặng những gì mình có cho người khác. Tuy làm toán trừ và toán chia ta sẽ bị mất mát, nhưng chính Thiên Chúa sẽ đích thân làm toán cộng và nhân cho ta: “Chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất vì Thầy và vì Tin Mừng mà bây giờ ngay ở đời này lại không nhận được… gấp trăm… và sự sống vĩnh cửu ở đời sau” (Mc 10, 29-30).

Được-mất, phúc-họa theo Thầy Giêsu là như thế, mỗi kitô hữu được mời gọi cùng Thầy làm toán trừ và chia, vì “ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10, 38) để rồi “người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mt 10, 42).