CN.VII.TN.C

CN 7 TN

Nhân từ như Cha…
(1 Sm 26, 2.7-9.12-13.22-23; 1 Cr 15, 45-49; Lc 6, 27-38)

 

Dan Clark, nhà giảng thuyết sinh tại Arizona-Mỹ và tác giả bộ sách 21 cuốn Chicken soup for souls (súp gà cho tâm hồn), kể một câu chuyện về bốn vị linh mục tranh luận với nhau về các bản dịch khác nhau của Kinh Thánh: Một người thích phiên bản King James nhất vì tiếng Anh đơn giản, đẹp. Một người khác thích phiên bản sửa đổi của Mỹ nhất vì dịch sát nghĩa hơn, gần với ngôn ngữ cổ Thánh Kinh là Do Thái và Hy Lạp. Tuy nhiên, một người khác thích bản dịch Moffat vì vốn từ vựng được cập nhật sát với thời đại.

Vị linh mục thứ 4 giữ thinh lặng, nhưng sau nhiều lần gặng hỏi về ý kiến của bản thân, ông trả lời: “Tôi thích bản dịch của mẹ tôi nhất”. Ba người kia bày tỏ sự ngạc nhiên, họ không biết và chưa bao giờ đọc được bản dịch đó. Vị linh mục thứ tư tái khẳng định: “Mẹ tôi đã dịch Kinh Thánh bằng chính trong đời sống mỗi ngày của cuộc đời mẹ, và đó là bản dịch thuyết phục nhất mà tôi từng thấy”.

Đúng thế, Ngôi Lời chỉ trở nên tuyệt vời và đẹp nhất khi được thể hiện cách cụ thể trong đời sống hằng ngày. Người mẹ của vị linh mục thứ tư đã sống với Ngôi Lời được chính Thầy Giêsu truyền dạy, đỉnh điểm là:

Hãy yêu thương kẻ thù.
Hãy làm ơn cho những kẻ ghét anh em
Hãy chúc lành cho những kẻ nguyền rủa anh em.
Hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống cho anh em (Lc 6, 27).

Nói cách khác, đó chính là sống đời yêu thương tuyệt đỉnh vô vị lợi và không loại trừ bất cứ ai. Một yêu thương tinh tuyền đụng chạm đến điểm yếu đuối nhất của kiếp người. Bởi vì, theo lẽ tự nhiên, ai cũng muốn sống và thể hiện “mắt đền mắt, răng đền răng”. Thậm chí như ngày nay với cuốn hút của phong trào “chém gió” và “thánh chửi” công nghệ, nhiều người, đặc biệt là trẻ, bất bình giùm người khác nên không tiếc lời “đâm chém” một cách mù quáng trước những thông tin đọc được. Bên cạnh đó, bình thường ai cũng yêu kẻ thương mình, ghét kẻ thù mình, thậm chí không ai muốn nhìn chứ đừng nói yêu kẻ thù mình và “yêu ai yêu cả đường đi, ghét ai ghét cả tông chi họ hàng” hay “yêu nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau quả bồ hòn cũng méo”. Để rồi sống theo kiểu đời có vay có trả, không ai có thể xây dựng với kẻ thù. Bởi thế chỉ có hủy hoại, chết chóc, chém giết, giận hờn, không thể đội trời chung với kẻ thù.

Thầy Giêsu lại khác, Thầy không dạy cách nhận dạng kẻ thù nhưng muốn nhận dạng người anh em ngay giữa những ai đang tìm cách hại ta. Một nghịch lý nhưng Tin Mừng thường được thành hình giữa những nghịch lý như thế: “Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong” (Lc 6, 29). Thầy Giêsu muốn con người thoát khỏi tính tự nhiên để đối diện với kẻ thù với một thái độ cao cả. Yêu thương kẻ thù có nghĩa là hành động vì lợi ích tối đa cho họ. Tuy nhiên, cần nhận diện rõ khuôn mặt kẻ thù. Chắc chắn kẻ thù cũng là tha nhân, nhưng là một tha nhân đặc biệt. Không thể vì yêu kẻ thù, ta lại tiết lộ hết bí mật và liều mạng trước âm mưu thâm độc của họ. Yêu kẻ thù một cách thiếu khôn ngoan sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, cần “phải khôn như rắn và hiền lành như chim bồ câu” (Mt 10, 16) trước những âm mưu thâm độc. Để rồi từ đó, nếp sống kitô hữu cần bày tỏ tất cả sức mạnh, nét hào hùng của Tin Mừng: Đừng mong đợi kẻ thù thay đổi, nếu chúng ta không thay đổi trước.

Thay đổi trước, như Thầy đã thực hiện khi bước lên thập giá xin Cha tha thứ cho kẻ giết mình. Để rồi, chính ở hành vi tha thứ, Đức Giêsu cho thấy tình yêu Thiên Chúa mạnh hơn tội ác. Thầy mời gọi “anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6, 36). Sống yêu thương nhân từ tha thứ như Cha, cần cụ thể hóa bắt đầu từ những gì thực tế nhỏ trong đời sống:

Dan Clark đã thuật lại một câu truyện: Buổi tối hôm đó trời rất lạnh. Một em bé khoảng 6-7 tuổi đang đứng tần ngần trước một cửa hàng. Đứa bé rất nghèo, không có giầy, quần áo chỉ là những miếng giẻ rách được khâu lại. Bỗng có một thiếu phụ đi qua. Trông thấy cậu bé, người thiếu phụ dừng lại. Bà hiểu được cậu bé đang thèm khát những gì qua ánh mắt xanh u uẩn. Bà cầm tay, dắt cậu vào trong tiệm, mua cho cậu một đôi giầy mới và một bộ quần áo ấm.

Sau đó cả hai lại trở ra phố. Bà nhìn cậu bé một lần nữa và nói:
– Bây giờ cháu có thể về nhà và hưởng một ngày thật vui vẻ nhé.

Cậu bé ngạc nhiên đưa cặp mắt ngước nhìn lên người thiếu phụ và hỏi:
– Thưa bà, bà có phải là Chúa không?

Bà cúi xuống mỉm cười với cậu và trả lời:
– Không phải đâu, bà chỉ là một trong những người con của Ngài thôi.

Lúc đó cậu bé nói:
– Cháu biết ngay mà bà có họ hàng với Ngài mà….