CN.VII.TN.A Từ Corona nghĩ về Cô-em-la

59 lượt xem Suy Niệm
1200px Cosimo Rosselli Sermone della Montagna

CN.VII.TN.A

Từ Corona nghĩ về Cô-em-la
(Lv 19, 1-2.17-18; 1 Cr 3, 16-23; Mt 5, 38-48)

Giữa tâm chấn đại dịch Covid-19 đang gặp nhiều khó khăn để ngăn chặn với nhiều biến động phức tạp tại Trung Quốc và đang lan tỏa mạnh trên nhiều quốc gia, tại Việt Nam cũng như các quốc gia khác luôn xuất hiện nhiều bàn tay chia sẻ, nâng đỡ nhau không chỉ để phòng tránh nhưng còn tìm cách ngặn chặn, cứu chữa các bệnh nhân. Điển hình tại tâm dịch cách ly tỉnh Vĩnh Phúc, cha Giuse Hoàng Đức Hữu đã tình nguyện đến họ đạo Ngọc Bảo cùng với chuyên môn học ngành y của mình, “phục vụ bà con giáo dân cũng như trực tiếp giám sát và thực thi các công việc bác ái của giáo phận tại vùng bị cách ly dịch”. Thế nhưng cũng giữa những bàn tay nhân ái đó lại tồn tại nhiều kiểu lợi dụng một cách vô cảm và độc ác: đầu cơ – tích trữ khẩu trang để bán giá cao 200k-500k/hộp khi giá thực chỉ từ 35k; nhà thuốc thì kêu gọi đoàn kết nhau không nhập-bán khẩu trang vì ít lời do không được phép nâng giá cao hơn; người Trung Quốc nói riêng và Châu Á nói chung không chỉ ở các nước phương Tây mà còn cả trong nước bị phân biệt và kỳ thị… Thậm chí, đưa ra những thông tin, kêu gọi mượn danh nghĩa khác nhau để tung tin giả câu like hoặc âm mưu đen tối nào đó gây nhiều hoang mang, để làm kiếm tiền trên nỗi đau của người khác. Cũng điển hình là trường hợp của cha Giuse Hoàng Đức Hữu, chính cá nhân cha cũng như thông cáo của Giáo phận Bắc Ninh phải lên tiếng đính chính.

Nói đến công việc mục vụ của mình giữa tâm dịch, cha Giuse viết nhật ký mỗi ngày chia sẻ, trong đó “Nhật ký Corona số 5” như một gợi ý để mỗi người cùng suy nghĩ: “Có người đã hỏi tôi: Sau khi dập được đại dịch Covid 19 sẽ là chuyện gì? Với suy nghĩ cá nhân và theo cách gọi tên của riêng tôi, ngay sau khi tiêu diệt được “vi-rút cô-rô-na 19” thì con người sẽ phải đối diện với một chủng virus mới, siêu to khổng lồ mà tôi gọi là “vi-rút cô-em-la 20”. […]. Sợ bị la mắng cho dẫu mình có làm đúng hay sai; rất sợ bị la mắng cho dẫu là chuyện vui hay buồn; cực kỳ sợ bị cô-em-la cho dẫu biết rằng: Có thể việc la mắng của các cô ấy chẳng có cơ sở gì. Đó là những triệu chứng tương tự mà chủng “vi-rút cô-em-la 20” gây ra cho người dân vùng dịch hay cụ thể hơn, đó là những gì tôi dự đoán cho anh chị em vùng Sơn Lôi, Vĩnh Phúc này […]. Liệu rằng anh chị em Sơn Lôi, Vĩnh Phúc chúng tôi vừa thoát được đại dịch Covid 19 có phải đối diện với đại dịch “Cô-em-la 20” hay không?”

Cha đã viết cụ thể về chủng virus này chính là sự kỳ thị, nghi ngờ và né tránh những người dân chất phác. Nói cách khác, chính sợ hãi cùng kiểu sống ích kỷ-vô cảm với nhiều tính toán đen tối mới đáng sợ. Sự lây lan Covid-19 không nguy hiểm bằng virus lòng người, và cũng qua Covid-19 mới bộc lộ, phơi trần bộ mặt lối sống thực tại nhiều người, gây ra nhân họa cho nhau. Có lẽ, căn bệnh virus Cô-kỳ-thị này mà dân ngoại xưa từng gặp phải từ dân Do Thái, dân tuyển chọn.

Con virus Cô-kỳ-thị ra đời từ việc hiểu, giải thích sai ý nghĩa những luật điều cổ xưa trong sách Lêvi, được gọi là “Bộ luật về sự Thánh Thiện”. Bởi vì, “các ngươi phải sống thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh” (Lv 19, 2). Nghĩa là, hãy sống yêu thương như chính Thiên Chúa đã yêu thương, được cụ thể qua việc “ngươi không được để lòng ghét người anh em… Ngươi không được trả thù, không được oán hận”, cũng như “phải yêu đồng loại như chính mình” (Lv 19, 17-28). Tuy nhiên, từ những cụm từ “anh em, đồng bào” và lời khuyên xa tránh “dân ngoại” (Đnl 20, 13-17; 23, 4-5; 25, 17-19) đã suy diễn trở thành “ghét, thù địch” những dân tộc khác ngoài Do Thái. Cũng từ đó, người Do Thái từ chối mọi liên đới với người không cắt bì, vì cho rằng họ không có bổn phận gì về công bằng với người ngoại. Họ là những người không đồng chủng, không cùng tín ngưỡng nên phải chăng có thể đánh lừa, ăn trộm, mà không phải áy náy gì hết.

Để rồi, Thầy Giêsu không chỉ sửa đổi sai lệch lệ luật này mà còn kiện toàn luật trở nên hoàn hảo trọn vẹn. Một cách cụ thể, “hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những người ngược đãi anh em” (Mt 5, 44). Trong yêu thương, sự bao dung đại lượng cần đi tới đỉnh điểm là yêu thương người thù địch với mình, lấy ơn báo oán, vì mọi người đều là anh-chị-em nhân loại với nhau. Và như thế, trong một thế giới bị chi phối bởi luật “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại”, giáo huấn của Thầy Giêsu mở ra nhiều giá trị sống cao đẹp: giúp ta tránh khỏi cái vòng quỷ quái của toan tính ích kỷ, của hành động vụ lợi, của thù hận đáp trả hận thù. Chỉ tình yêu mới có thể phát sinh tình yêu, nên chỉ những kitô hữu được thu hút bởi sức mạnh chinh phục của sự dịu dàng nơi Thầy, mới có thể tạo nên trong thế giới một thay đổi tận căn trong ôn hòa, có sức đánh đổ việc bóc lột người hèn yếu, phá đổ bức tường sợ hãi, vô cảm, độc ác của lòng người trước nỗi đau nhân họa.

Không những thế, đáp trả lời mời gọi của Thầy “hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48), sống nên thánh hoàn thiện kitô hữu không phải là lối sống tránh phạm tội của biệt phái. Cũng như, kitô hữu không nhìn đến bản thân, không tìm cách trau dồi các nhân đức cá nhân theo kiểu như muốn làm nổi trội bản thân trước mặt người khác, mà là chỉ cố gắng sống bắt chước theo Thiên Chúa là Cha nhân lành, qua việc gieo những hạt mầm yêu thương nơi mình đang sống, trong chân lý-sự thật và bác ái…