Đi khắp tứ phương…
(Cv 1, 1-11; Ep 1, 17-23; Mt 28, 16-20)
Lênh đênh trên cửa Thần Phù,
Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm.
Câu ca dao người xưa ví von cuộc đời con người như một chiếc thuyền trôi trên dòng sông đời. Mỗi người phải khéo lèo lái con thuyền của mình trên biển trần gian mới được yên ổn. Giống như ở Thanh Hóa, ngày xưa có cửa biển Thần Phù nằm trên tuyến đường thủy hành quân Nam tiến của người Việt nên được gắn với nhiều truyền thuyết ly kỳ trong dân gian và sử sách. Cửa Thần Phù ngày nay đã bị phù sa bồi đắp và trở thành vùng đất nằm cách bờ biển hơn 10 km. Một cửa biển hiểm trở với dòng nước xoáy, rất nguy hiểm, người chèo qua đó phải rất cứng tay và khéo léo, nếu không sẽ bị chìm. Người xưa lấy câu ca dao này để khuyên mọi người phải sống tốt lành để khỏi hư đi, đặc biệt khi sử dụng chữ « tu ». Theo chữ Nho, « tu » có nghĩa là « sửa », tu thân là sửa mình, và như thế : ai khéo tu thân tích đức là người khéo chèo chống thì sẽ nổi, sẽ được siêu thoát ; còn ngược lại thì sẽ bị chìm, nghĩa là phải trầm luân.
Tu thân, sửa đổi bản thân đối với mỗi kitô hữu lại khác. Khác vì không phải tự tìm hiểu nên làm thế nào, khác vì chính Thầy Giêsu đã mở Đường, và chính Thầy là con Đường dẫn tới bến bờ đời sống yêu thương hạnh phúc vĩnh cửu. Con Đường đó được Thầy chuẩn bị bằng chính cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của mình, bằng chính sự ra đi trở về với Cha để dọn chỗ trên Thiên Quốc cho những ai dùng cả cuộc đời bước đi trên con Đường Thầy chuẩn bị.
Trên con đường đó, các môn đệ được mời gọi thực thi sứ vụ được trao ban trước khi Thầy về Trời : « các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con » (Mt 28, 19-20). Lời Thầy truyền đề cập đến ba khía cạnh : loan báo Tin Mừng để khơi dậy được những con người môn đệ ; tham dự vào mầu nhiệm Phục Sinh bằng việc lãnh nhận phép Rửa và các bí tích ; và, sống đời sống mới bằng cách thi hành các điều Thầy dạy. Truyền giáo là như thế, không có ba yếu tố này, công việc ấy không đầy đủ, và chẳng một yếu tố nào trong ba thực hiện được sứ vụ truyền giáo này. Hơn nữa, sứ vụ truyền giáo không giới hạn nơi giáo sĩ, tu sĩ nhưng dành cho mọi kitô hữu, như lời Đức Thánh Cha Phanxicô đề cập trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng : « Nhờ bí tích Rửa Tội của mình, tất cả thành viên của Dân Thiên Chúa trở thành những môn đệ truyền giáo ».
Mỗi kitô hữu được mời gọi vào đời thực thi sứ vụ truyền giáo ngay sau khi Thầy lên trời, chính vì thế bước đi trên con Đường Giêsu nơi cuộc sống hiện tại lữ hành trần gian được đặt nền tảng nơi chiêm ngắm vinh quang Phục Sinh của Thầy trở về Thiên Quốc ngự bên hữu Cha. Lên Trời ở đây không có nghĩa như sự kiện xảy ra theo cái nhìn duy vật ngày 05/09/1961 : Chính vì hiểu thiên đàng là không gian vật chất nên ông Kroutchev, thủ tướng của Liên xô cũ, đã nói với ký giả C. Sulberger của tờ báo New York Time : « Để điều tra trên trời có thiên đàng thật như người ta nói hay không, chúng tôi đã gửi một thám tử lên không trung, anh Youri Gagarine. Anh đã đi vòng quanh quả địa cầu mà chỉ trông thấy những bóng đen dầy đặc, không có chi giống như thiên đàng cả. Sau đó, chúng tôi đã suy nghĩ và chúng tôi đã gửi một thám tử khác lên : German Titov. Chúng tôi đã bảo anh rằng : « Hãy bay lâu hơn một chút nữa. Có lẽ Gagarine chưa trông thấy thiên đàng, vì chỉ mới bay có một tiếng rưỡi thôi. Vậy chuyến này anh hãy trông cho kỹ ». Titov đã đi rồi trở về, và anh đã xác nhận lời tuyên bố của Gagarine : « Hư vô, chỉ có hư vô ». Rồi Kroutchev xoa tay kết luận : « Cho nên người cộng sản chúng tôi không tin có đời sau ».
Trời/Thiên Đàng không phải là một nơi chốn, nhưng diễn tả Ba Ngôi Thiên Chúa sống chan hoà yêu thương. Sự sống của Thiên Chúa không giống sự sống của cây cỏ, hay sự sống của động vật và loài người. Đó là sự sống thần linh vượt không gian, vượt thời gian, không còn bị lệ thuộc vào điều kiện vật chất. Sự sống không còn bị hao hụt, giảm thiểu bởi đau đớn, bệnh tật, đói khát. Đó là sự sống viên mãn tràn đầy và được tham dự vào sự sống ấy là một hạnh phúc, là thiên đường. Bởi vì, đây là rời bỏ thế giới hữu hạn của loài người để bước vào thế giới vô hạn của Thiên Chúa. Đức Giêsu lên trời có nghĩa là Đức Giêsu về với Thiên Chúa, sống với Thiên Chúa, sống cuộc sống Thiên Chúa. Chính vì thế, tuy Thầy về Trời xa cách mặt thể lý nhưng « Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế » (Mt 28, 20).
Thầy về Trời, mỗi kitô hữu được mời gọi hãy vào đời, bước đi trên con Đường Thầy dọn sẵn, với hành trang là sứ vụ sống chứng nhân Nước Trời…
Tin cùng chuyên mục:
Các bài Suy niệm Lễ Đức Mẹ Mân Côi: Con Thiên Chúa xuống thế để ở với con người
Chúa nhật XXVI thường niên năm A: Đường lối của Thiên Chúa và của con người
Ngày 30/09: Thánh Giêrônimô, Linh mục – Tiến sĩ Hội Thánh
Thứ bảy tuân XXV thường niên: Phải vượt gian khổ mới hy vọng đạt được vinh quang