CN.VI.PS.C
Xa mặt có cách lòng ?
(Cv 15,1-2.22-29 ; Kh 21,10-23 ; Ga 14, 23-29)
Xa mặt có cách lòng ? Câu hỏi được đặt ra là bởi vì : « xa nhau xa cả bóng hình ; xa vì hoàn cảnh nhưng tình không xa ». Thế nhưng, trong mối tương quan người-người ngày nay dường như không cần trả lời cũng hiểu. Bởi vì, tình cảm được coi như một món hàng trao đổi theo lối sống thực dụng ăn bánh trả tiền, nếu kết hợp với sợ hãi, tâm trạng đề phòng đẩy dần đến vô cảm câu trả lời càng rõ nét hơn nữa. Chai lỳ dần tình cảm theo sóng đời, mỗi kitô hữu đang đứng trước thách thức mới để sống đời chứng nhân Tin Mừng của mình : không còn là vấn nạn triết lý giữa hữu thần và vô thần mà là giữa hữu tâm và vô tâm. Người vô tâm lòng dạ chai đá, trái tim khép chặt, chỉ biết đến bản thân và chăm lo cho chính mình. Người hữu tâm luôn mở rộng trái tim, chạnh lòng thương trước nỗi đau cuộc đời, sống chia sẻ cho đi, sống phục vụ. Và như thế, nếu kitô hữu sống hữu tâm luôn phải lội ngược dòng đời vô cảm, luôn chịu thêm áp lực tiếng đời ngược ngạo chê trách.
Để rồi lời Thầy Giêsu như càng tha thiết hơn mời gọi chọn lựa : “Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. Kẻ không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy”. Lời nói vang lên trong tâm trạng chuẩn bị ra đi, Thầy sẽ vắng mặt, một chuẩn bị bước trước của Thầy để không rơi vào cảnh “cách lòng”. Thầy vắng mặt về thể lý nhưng Thiên Chúa quyết định biểu lộ bản thân, đến cư ngụ nơi những ai đón tiếp và tin tưởng Ngài. Ngài được nhận diện nơi những ai yêu mến Ngài : một tình yêu trong chọn lựa tự do không ép buộc. Chỉ trong tình yêu thật sự mới có thể cảm nghiệm được sự hiện diện thân mật này.
Nhưng mà, vì yêu thương chưa đủ, nên có kitô hữu phàn nàn về sự vắng mặt, về sự thinh lặng của Thiên Chúa: “Châu lệ là cơm bánh đêm ngày, khi thiên hạ thường ngày cứ hỏi: Này Thiên Chúa ngươi đâu?” (Tv 42, 4). Mặt khác, vì yêu thương chưa đủ, có người còn ngụy biện “tôi tin nhưng không sống đạo” : gạt Thầy một cách ngọt ngào ra khỏi cuộc sống của mình, một cách gián tiếp chối Thầy, nhẹ hơn thì coi Thầy như một danh nhân đáng ngưỡng mộ nào đó, như một người đã từng hiện diện trong dòng lịch sử mà nay vắng mặt. Có một phần đúng nhưng chưa đủ, bởi vì có thời gian Thầy Giêsu hiện diện hữu hình mà các môn đệ có thể lắng nghe, có thể thấy bằng giác quan ; có thời gian mới, thời Phục Sinh mà mối tương quan Thầy-trò thay đổi cách thức thể hiện : không chỉ Thầy, nhưng là Ba Ngôi Thiên Chúa cùng hiện diện trong cung lòng môn đệ như trong đền thờ của mình (Ga 4, 21-24), sự hiện diện của chính Thiên Chúa trong nội tâm và tình yêu, một thân mật sâu xa giữa Ngài và người tin theo Ngài (Os 2, 21-22).
Vắng mặt nhưng vẫn hiện diện, xa mặt nhưng không cách lòng, một thời kỳ mới về sự hiện diện của Thiên Chúa không phải là gần nhưng ngay trong mỗi người, một hiện diện trong những hoạt động và thúc đẩy của Thánh Thần. Thánh Thần thông truyền trọng vẹn sự sống thần tính của Thiên Chúa cho con người. Ngài là Đấng linh hứng Lời Thiên Chúa, giúp môn đệ tái khám phá những ý nghĩa lời dạy dỗ, những cử chỉ của Thầy Giêsu dưới ánh sáng Phục Sinh một cách sáng tạo trong đời sống tín hữu, hiện thực hóa Lời Chúa luôn sống động mọi thời đại.
Hơn nữa, một món quả tuyệt vời khác Thầy Giêsu trao ban cho các môn đệ : Shalom, שָׁלוֹם, bình an. Một bình an không phải theo truyền thống Do Thái coi như lời chúc bình an, chào tạm biệt, đây là bình an mà Thầy ban tặng, bình an của Thiên Chúa. Một bình an không theo kiểu con người ước muốn cho nhau có được an tĩnh, an bình trong tâm hồn hay những điều thiện hảo vật chất và hạnh phúc mong muốn có được. Bình An của Thầy hơn thế : là sự hiện diện của chính Thiên Chúa trong cuộc đời mỗi người, giúp bản thân thoát khỏi những thăng trầm của bão đời, vượt qua những chướng ngại vật dòng chảy cuộc đời…
Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy […]Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con… Lời tha thiết mời gọi sống yêu thương của Thầy luôn vang vọng mãi và ngày càng khẩn thiết hơn. Hãy lắng nghe, hãy sống trong tình yêu của Thầy, hãy tuân giữ lời yêu thương của Thầy, và, hãy mở rộng tâm hồn đón nhận Bình An, đón nhận sự hiện diện của Thiên Chúa…
Jos. PHẠM, SCJ
Tin cùng chuyên mục:
Các bài Suy niệm Lễ Đức Mẹ Mân Côi: Con Thiên Chúa xuống thế để ở với con người
Chúa nhật XXVI thường niên năm A: Đường lối của Thiên Chúa và của con người
Ngày 30/09: Thánh Giêrônimô, Linh mục – Tiến sĩ Hội Thánh
Thứ bảy tuân XXV thường niên: Phải vượt gian khổ mới hy vọng đạt được vinh quang