CN.V.PS.C
Yêu như Thầy…
(Cv 14, 21b-27 ; Kh 21, 1-5a ; Ga 13, 31-33a.34-35)
Tình yêu luôn là một đề tài muôn thuở bởi vì yêu thương và được yêu là điều không thể tách rời khỏi đời sống con người. Yêu là động lực, là sức mạnh, là sự thúc đẩy khiến bao người như vượt qua giới hạn của mình để có thể yêu và được yêu : « yêu nhau mấy núi cũng leo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua… ». Yêu thương là như thế nhưng cách thể hiện tình yêu lại đặt những câu hỏi cần suy xét. Bởi vì, có loại tình yêu không đạt được thì đạp đổ hại người hại mình : biết bao trường hợp « ăn cơm trước kẻng » và lưu lại phim ảnh như một kỷ niêm đẹp của tình yêu, để rồi nó trở thành một món quà đe dọa khi chia tay, không chịu nổi áp lực tiếng đời dẫn đến hậu quả đáng tiếc là tự tử ; bao gia đình trẻ yêu theo kiểu thực dụng và ly dị, đau đớn vì tan vỡ nên mẹ hay bố ép con cùng quyên sinh… Tình yêu đó được gắn thêm hai từ : vị kỷ, ích kỷ. Tình yêu này trong ngôn ngữ Hi Lạp, ngôn ngữ Kinh Thánh, là έρως/éros, một thứ tình yêu chỉ biết đến lợi ích bản thân, chỉ biết thu vào bất chấp tất cả, thậm chí lợi dụng không được sẽ tìm mọi cách đạp đổ.
Ngược lại là tình yêu xả kỷ, αγάπη/agapé, vị tha : luôn nghĩ và tìm hạnh phúc cho người mình thương, một tình yêu trọn vẹn đến độ dám hi sinh bản thân để người mình thương luôn được hạnh phúc, tràn ngập niềm vui. Xả kỷ nhưng không đánh mất chính bản thân, lựa chọn sống trao ban và cho đi là trong tự do và tự nguyện. Mở rộng trọn vẹn tâm hồn giải phóng bản thân khỏi tính ích kỷ tù túng, phá tan rào cản, bức tường bản thân để đến với người khác, trở nên bạn hữu, anh chị em, người thân thương. Tình yêu xả kỷ được Thầy Giêsu truyền dạy bằng chính đời sống của mình : « Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em » (Ga 13, 34).
Như Thầy đã yêu, Thầy thốt lên câu nói trong một hoàn cảnh đặc biệt để dặn dò các học trò của mình : Giuđa rời khỏi nhóm 12 để nộp Thầy và « giờ tôn vinh » của Thầy đến. Việc Giuđa rời khỏi bàn tiệc ly trong « bóng đêm » như một giải thoát ức nghẹn nơi cổ họng Thầy. Ức nghẹn vì một thành viên phản bội nhóm, tố cáo anh em, trối bỏ người mình sống và chia sẻ bao giây phút thăng trầm, một người sống trong tình yêu vị kỷ. Trả lại bầu khí thân thương nhất, giờ phút linh thiêng nhất của tình Thầy-trò, giờ của Thầy đã đến, giờ của cuộc chiến đấu xung đột bùng nổ đến đỉnh cao giữa Thầy và Bóng đêm thần chết mà Giuđa là mồi lửa. Giờ thảm kịch Ơn cứu độ mà vinh quang tình yêu của Thiên Chúa thể hiện, giờ Thầy được giương cao, nâng lên và tôn vinh. Thầy bước vào thời điểm đó với tâm hồn bình an, coi thập giá như chiếc ngai vàng, Thầy bước lên thập giá với tư thái chinh phục yêu thương.
Như Thầy đã yêu, tình nghĩa Thầy-trò không chỉ dừng lại ở bạn hữu, « Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết » (Ga 15, 15). Một yêu thương đến hạ mình, đến cúi mình xuống rửa chân cho các môn đệ, rửa chân cho nhau để bày tỏ một tình yêu sâu thẳm, tình yêu phục vụ trao ban hạnh phúc trọn vẹn. Như Thầy đã yêu, một tình yêu chung thủy đến tận cùng, đến hi sinh trên thập giá để trao ban sự Sống.
Như Thầy đã yêu : không phải là một yêu thương vụ lợi, yêu vì có lợi ích nào đó cho bản thân ; không phải là yêu thương lãng mạn, tình cảm hướng tới người khác vì niềm vui có được, vì say mê để rồi khi hết say thì… hết yêu ; cũng không phải là yêu thương nhân bản, yêu thương chung chung trừu tượng không có gì cụ thể. Như Thầy đã yêu, một tình yêu vô vị lợi, một yêu thương luôn tồn tại dù bị thù ghét hay bách hại, một tình yêu bền vững thể hiện trong phục vụ, lòng mến dù bản thân bị thiệt thòi.
Như Thầy đã yêu, không còn thuộc quy luật tự nhiên đừng làm cho ai điều ta muốn họ không làm cho mình hay tránh những gì có thể gây thù oán, báo thù bởi vì từ « NHƯ ». NHƯ không chỉ bày tỏ một so sánh yêu thương GIỐNG Thầy, nhưng còn là bắt nguồn, có nguồn cội từ Thiên Chúa : Thiên Chúa là Tình Yêu, tình yêu triển nở nơi các môn đệ mang dấu ấn của Thiên Chúa, để mọi người nhận biết họ là môn đệ của Thầy.
« Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em » (Ga 13, 34), hãy mở rộng, lắng đọng tâm hồn để lắng nghe tiếng thì thầm yêu thương của Thầy…
Lm. Jos. Phạm, SCJ
Tin cùng chuyên mục:
Các bài Suy niệm Lễ Đức Mẹ Mân Côi: Con Thiên Chúa xuống thế để ở với con người
Chúa nhật XXVI thường niên năm A: Đường lối của Thiên Chúa và của con người
Ngày 30/09: Thánh Giêrônimô, Linh mục – Tiến sĩ Hội Thánh
Thứ bảy tuân XXV thường niên: Phải vượt gian khổ mới hy vọng đạt được vinh quang