CN.V.PS.B

59 lượt xem Suy Niệm
unnamed 4

ἐγώ εἰμί, Tôi là…
(Cv 9, 26 -31; 1Ga 3, 18-24; Ga 15, 1-8)

 

Voltaire, một triết gia nổi tiếng người Pháp thế kỷ XVIII, tên thật là François-Marie Arouet. Ông là người sống bi quan vì những trải nghiệm trong cuộc đời cá nhân, đặc biệt qua biến cố tai nạn động đất năm 1755 tại Lisbonne làm 30.000 người bị chôn vùi, trong số đó có không ít kitô hữu bị chôn vùi trong thánh đường ngày lễ Các Thánh. Tâm trạng này cùng với gương mù, gương xấu của một số giáo sĩ đã đẩy ông trở thành người chống phá mạnh mẽ Giáo Hội không biết mệt mỏi. Ông từng lên tiếng : « cứ đè bẹp quân đê hèn này cho ta ». Dưới mắt Voltaire, những nghi lễ và giáo điều Kitô giáo chẳng khác gì so với tôn giáo cổ thời Hi Lạp, một tôn giáo lạc hậu, mê tín và lầm lạc. Để rồi từ đó, ông không còn tin vào một Thiên Chúa Toàn Năng vì sự dữ hiện diện tràn lan : trên đường lưu lạc của mình Candide còn gặp một tu sĩ Dòng Tên có khuynh hướng đồng tính và một sư thầy trong chùa nhưng lại là chồng của cô gái điếm. Những người tự xưng là tu sĩ mà hơn nữa lại là những người có cấp bậc trong Giáo Hội nhưng có một lối sống vô thần, giả hình. Chính cái nhìn và lối suy nghĩ bi quan che mờ dần cặp mắt và con người của ông, dẫn đến chống đối lại cả Thiên Chúa. Để rồi đến cuối đời, ông trải qua và đón nhận bất hạnh là hệ quả của bao chống phá đó.

Câu chuyện thuật lại rằng năm 1778, ông bị thổ huyết. Quá lo sợ trước cái chết, ông cho người nhà đi mời linh mục cho ông. Và, để cho linh mục tin là ông thật lòng trở lại, ông đã viết một bản cam kết hối lỗi trước mặt cha Gauthier vì đã làm gương mù, gương xấu, đồng thời xin Thiên Chúa tha thứ. Thế nhưng ngay sau khi thoát khỏi bệnh, Voltaire đã nuốt lời hứa. Một lần nữa ông lại bị thổ huyết, lần này ông cũng cho mời linh mục tới nhưng bạn bè của ông bao vây không cho linh mục tới gần. Ngày 30/05/1778 ông chết một cách khốn nạn sau những cơn quằn quại trong đau đớn và tuyệt vọng. Tổng Giám mục Paris đã từ chối không cho ông được an táng theo nghi lễ Công giáo.

Đây là một trong muôn ngàn cành nho vì bi quan nên không chịu được cắt tỉa, chăm sóc để rồi từ đó không sinh trái được Thầy Giêsu nhắc nhớ trong bài Tin Mừng hôm nay. Trong dụ ngôn, Thầy Giêsu mạc khải cho nhân loại biết mình là ai, ἐγώ εἰμί, « Thầy là cây nho thật ». Một hình ảnh thân quen, không xa lạ với dân tuyển chọn bởi vì chính họ được giới thiệu là vườn nho của Thiên Chúa : « Vườn nho của Đức Giavê ấy là nhà Israel » (x. Is 5, 1-7). Thế nhưng, « Ta đã trồng ngươi như cây nho tốt » nhưng vườn nho đã sinh ra quả đắng ngót (Gr 2, 21). Cây nho sinh trái đắng, biểu tượng của dân tộc Israel đã liên lỉ chống đối lại Thiên Chúa từ những vi phạm giao ước đến những suy thoái lối sống. Để rồi, Thầy Giêsu khẳng định lại bản thân là cây nho thật được Cha trồng giữa vườn nhân loại, được Ngài chăm sóc vun tưới để cho thế gian được sống, nhờ kết hiệp mật thiết với Thầy.

Còn mỗi kitô hữu, một ἐγώ εἰμί khác chính là cành nho. Như cành nho được thông truyền sự sống từ cây nho, mỗi kitô hữu nhờ gắn kết, kết hiệp mật thiết và trọn vẹn với Thầy mới lãnh nhận được nhựa sống dồi dào từ Thầy. Bên cạnh đó, Thiên Chúa Cha là người trồng và chăm sóc cây nho cách thực tế và cụ thể, vì người trồng nho mùa Đông cắt tỉa loại bỏ cành khô và đốt chúng. Cắt tỉa để cô đọng nhựa sống làm cho sinh nhiều hoa trái hơn, bởi vì, một cây nho không được cắt tỉa chỉ sinh lá. Những người trồng nho thường nói rằng cây nho biết khóc, khóc vì số nhựa dồi dào chảy ra trước khi vết cắt được lành. Và, chính Thầy là người được Cha cắt tỉa trước tiên trên cây Thập giá nhưng sinh muôn hoa trái Cứu độ. Cũng thế, mỗi kitô hữu cần được cắt tỉa, đốt bỏ đi những dư thừa gây hại trong cuộc sống hằng ngày từ những toan tính danh lợi ích kỷ, những ham mê hưởng thụ, những món lợi bất chính hại người.

Để rồi từ đó, mỗi kitô hữu thực sự là ἐγώ εἰμί, tôi là kitô hữu trong Đức Kitô. Đây cũng là danh xưng được gọi đầu tiên tại Antiokhia : « Chính tại Antiôkhia mà lần đầu tiên các môn đệ được gọi là kitô hữu » (Cv 11, 26). Là Χριστιανός, theo nguyên ngữ Hy Lạp được dân ngoại gán cho các môn đệ theo Thầy Giêsu với nghĩa nguyên thủy « những nô lệ (ιανός) của Đức Kitô, của Đấng được xức dầu ». Về sau được danh tự này được chính các môn đệ sử dụng với nghĩa tích cực để gọi nhau. Còn trong tiếng Việt, danh tự này diễn tả tuyệt vời hơn nữa vì nói lên gắn kết, hiệp nhất mật thiết với Thầy Giêsu. Từ hữu trong Hán-Nôm mang nhiều nghĩa vì đồng âm nhưng cách viết khác nhau nên cũng hiểu không được trọn vẹn khi được việt hóa : 友-bằng hữu, bạn ; 右-bên phải, coi trọng ; 有-có, được. Và như thế, kitô hữu thường được hiểu như là « người có Đức Kitô » để rồi quên một nghĩa khác gắn kết mật thiết mối tương quan với Thầy Giêsu : bạn Đức Kitô, « Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết » (Ga 15, 15).

ἐγώ εἰμί, Thầy là Cây Nho ; ἐγώ εἰμί, tôi là kitô hữu, là cành nho. Mỗi kitô hữu đã-đang và sẽ gắn kết với Thầy Giêsu thế nào để có thể sinh nhiều hoa trái ?