Đường, sự Thật, sự Sống…
(Cv 6, 11-7; 1 Pr 2, 4-9; Ga 14, 1-12)
Xao xuyến, một rung động tâm hồn diễn tả nhiều tình cảm, cảm xúc khác nhau : có thể là những lo lắng trong đời ; có thể là những bận tâm chưa giải quyết được ; rồi còn có tình trạng tâm hồn rối như tơ vò ; mất đi phương hướng cuộc đời… Tất cả như đổ dồn khiến bản thân như rơi vào ngõ cụt không lối thoát.
Cái xao xuyến đó luôn là tình trạng bị xáo trộn, bất an với nhiều nguyên nhân khác nhau từ chủ quan lẫn khách quan : lỡ lầm, thất bại, bị hiểu lầm, bị bách hại, bị bỏ rơi; đặc biệt ảnh hưởng đại dịch Virus T+ làm bao kitô hữu lao đao, hụt hẫng và thậm chí rơi vào tình trạng nghi ngờ sự hiện diện của Thiên Chúa vì không thể tham dự thánh lễ, các bí tích với đỉnh điểm đời sống Đức Tin trong Tuần Thánh-Phục Sinh… Một tình trạng đã hoặc sắp sửa mất một thiện hảo nào đó mà mỗi người luôn khao khát. Thi rớt tú tài, không biết vào đời làm sao đây? Bề trên quyết định không cho khấn, không biết đường tu của mình thế nào? Người tình bỏ rơi ta, bầu trời như xám lại! Nợ nần chồng chất mà còn bị thất nghiệp thì lấy gì để sinh sống? Một tương lai bấp bênh, một thiệt hại không vượt qua được, những suy sụp tuổi già hay mang căn bệnh không chữa khỏi… Dù với nguyên nhân gì đi nữa thì những ai trong tình trạng xao xuyến đều cảm thấy như mất phương hướng để sống, không biết đường phải đi, nói cách nôm na là « không biết đâu mà lần ».
Đó cũng là tâm trạng các môn đệ theo Thầy Giêsu : « Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao biết được đường? » (Ga 14, 5). Xao xuyến nơi các môn đệ là vì chuẩn bị mất đi một điều gì đó, mất đi hi vọng với viễn cảnh Thầy sẽ là vua cai trị trần thế. Và trên hết, là mất đi chính Thầy với một chuỗi dài u ám : từ Giuđa sẽ nộp Thầy đến Phêrô chối Thầy ; từ thất bại của Thầy ra đi chịu tử nạn đến viễn cảnh vắng bóng Thầy giữa một thế giới ngập tràn thù nghịch bủa vây tứ phía. Là người thật thà, thực nghiệm, nhìn xem và chứng kiến, khó chấp nhận những gì mông lung, tông đồ Toma lên tiếng hỏi Thầy. Nỗi lòng của Tôma như một hình ảnh đại diện bày tỏ nỗi thắc mắc mỗi kitô hữu ngày nay khi niềm tin đang ngày càng bị thử thách đến độ tàn khốc : làm ăn thật thà thì thua thiệt ; mang heo nuôi bị lỗ vốn ra chợ bán thì bị tiểu thương đe dọa và dội chất thải ; bao người kêu oan vì sự thật bị bóp méo…
Giải đáp thắc mắc cho Tôma, cũng là câu trả lời Thầy Giêsu gửi đến mỗi kitô hữu : « Thầy là Đường, là sự Thật và là sự Sống » (Ga 14, 16). Đối với những ai tin vào Thầy, đời sống trần gian sẽ tìm thấy ý nghĩa bởi vì Thầy là người mở đường, mở ra lối thoát cho các hữu hạn với bao điều làm con người xao xuyến. Một Con Đường không dẫn tới hố đen kết thúc của nấm mộ nhưng là trở về nhà Cha. Con Đường đó không phải chỉ là một số lễ nghi hay giáo lý phải giữ, cũng không phải là những minh triết khôn ngoan phải theo. Con Đường ấy hiện thân nơi một con người. Cuộc đời kitô hữu là bước theo Con Đường mang tên Giêsu, là gắn bó sống chết với Giêsu, chia sẻ sứ mạng của Giêsu, Con Thiên Chúa làm người bằng xương bằng thịt.
Hơn thế nữa, chính Thầy Giêsu là Con Đường duy nhất dẫn ta đến với Chúa Cha. « Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy » (Ga 14, 6). Phải qua Con Đường Giêsu, mỗi kitô hữu mới vào được thế giới của Thiên Chúa. Ngày nay người ta nói đến nhiều con đường khác để được cứu độ, nhưng con đường nào cũng phải đi qua Con Đường Giêsu. Nơi Con Đường này gặp được sự Thật trọn vẹn về Thiên Chúa, gặp được sự Sống viên mãn của chính Thiên Chúa.
Con Đường Giêsu chính là mỗi kitô hữu can đảm đối diện với sự thật, sống trung thực với bản thân, với tha nhân và nhất là với Thiên Chúa thì sẽ thoát được mọi nổi xao xuyến. Để được điều này cần phải khiêm nhu nhìn nhận hiện trạng của mình, không quanh co, không lấp liếm, không bào chữa, không biện minh. Dù có yếu đuối, lầm lỡ, dù có sai phạm cách này hay cách khác nhưng khi đã được thú nhận cách chân thành, được nhìn nhận cách thẳng thắn, thì những sợi dây ràng buộc sẽ bị chặt đứt, được tháo gỡ, bởi vì chính sự Thật giải thoát ta.
Và, tích cực làm phát triển sự sống, một sự sống không phải là kết quả của cơ chế tự nhân đôi, của sự sinh sản vô tính hay là kết quả của sự kết hợp phái tính, nhưng là hoa trái của tình yêu đích thực. Đây là tình yêu quyện hoà hai động thái trao ban và đón nhận như Đức Bênêđictô XVI diễn tả trong Thông Điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Yêu là trao ban cho nhau tất cả những gì tốt đẹp của mình một cách tự nguyện vô điều kiện. Yêu là sẵn sàng đón nhận nhau với tất cả những gì là của nhau, cả những mặt tích cực lẫn những mặt hạn chế, cả những ưu điểm lẫn những khuyết điểm, cả những thành công lẫn thất bại, cả những công đức lẫn những lỗi lầm của nhau…
Tin cùng chuyên mục:
Thứ ba tuần XXVI thường niên: Phản ứng của con người khi gặp trái ý hay đau khổ
Thứ hai tuần XXVI thường niên-Các Thiên thần hộ thủ, Lễ nhớ
Các bài Suy niệm Lễ Đức Mẹ Mân Côi: Con Thiên Chúa xuống thế để ở với con người
Chúa nhật XXVI thường niên năm A: Đường lối của Thiên Chúa và của con người