CN.V.MC.C
Ai sạch tội, cứ ném đá người này…
(Is 43, 16-21 ; Pl 3, 8-14 ; Ga 8, 1-11)
Không bạn trẻ nào không biết từ ném đá được sử dụng rộng rãi trên mạng, trên internet. Cùng dùng chung với từ này là dìm hàng, không làm cho người nào đó ngóc đầu dậy nổi. Cơn bão ném đá trong thời đại bùng nổ thông tin bị ảnh hưởng theo bầy đàn như làm cuốn trôi, đảo lộn cuộc sống bao người do phong trào anh hùng bàn phím ảo. Bùng nổ thông tin, theo bầy đàn cùng không kiểm chứng nguồn thông tin đã gây bao chuyện dở khóc dở cười cho nhiều nạn nhân : từ chuyện người giàu đi xe SH ăn bữa cơm từ thiện, ổ bánh mì lòng quảng đại sẻ chia, đến chuyện dồn thiếu nữ đến tự tử vì yêu lầm, vì trao thân không đúng người… Những anh hùng bàn phím giết người gián tiếp mà không biết, thậm chí còn tự hào với danh hiệu anh hùng của mình. Thành kiến, kết án vô tội vạ dẫn đến bao thương tâm cho các nạn nhân. Đây dường như là một trò chơi biến thể xưa : công tố viên, luật sư và bị cáo, là mỗi góc của một tam giác (Karpmann’s drama triangle).
Trong vai trò công tố viên, tôi luôn tìm mọi cách kết án người khác, tôi luôn chờ đợi cơ hội để bới lông tìm vết. Một trong những cách bảo vệ và che dấu những khoảng tối trong tâm hồn, thiếu khả năng, muốn được nổi bật … là đây. Phát hiện và tìm cách kết án người khác hay ra lệnh nhằm thể hiện quyền lực bản thân, và hơn nữa, tôi luôn có thành kiến với người khác. Nếu phát hiện được lỗi nào đó, trong vai trò công tố viên, tôi cảm thấy rất vui và thỏa mãn. Nhu cầu này không được đáp ứng, tôi sẽ tìm cách thay thế nó qua phản ứng ngược, có thể là chui lại vào vỏ ốc và khu vực an toàn riêng trong tâm hồn nhằm trốn tránh nhìn nhận con người thật của mình.
Luôn thể hiện sự quan tâm, lo lắng thái quá đến độ quên bản thân, tôi đang đóng vai luật sư. Tôi có thể chịu mọi thiệt thòi để làm người khác hạnh phúc, bảo vệ họ, chăm sóc và tìm mọi cách làm vừa lòng tất cả. Chính vì thế tôi hầu như dành hết thời gian hoạt động bên ngoài, còn thời gian cho riêng bản thân lại không có. Khi không còn đóng vai trò luật sư nữa, tôi luôn thấy trống vắng, cô đơn và thấy bản thân vô ích.
Tôi là người vô ích, chẳng làm được gì tốt. Suy nghĩ đó luôn ám ảnh và ăn sâu trong tâm hồn nên tôi sợ và không dám ngước mặt nhìn đời. Vai trò nạn nhân là thế ! Tôi sống luôn bị phụ thuộc vào người khác, nếu có luật sư bên cạnh tôi mới cảm thấy an toàn và cuộc đời hương sắc hơn. Tôi luôn cảm thấy run khi tiếp xúc với người khác và đánh mất niềm tin vào bản thân. Đứng trước mặt công tố viên, không có gì diễn tả nổi cảm giác đó. Tôi luôn thấy mình có lỗi trong mọi vấn đề, chỉ muốn chạy trốn vào hoang mạc hay rừng sâu nhằm tránh đời.
Tùy thuộc vào hoàn cảnh và môi trường mà tôi nhập vai công tố, hay luật sư hoặc nạn nhân. Nếu tôi biết quan sát rộng hơn sẽ thấy trò chơi này diễn ra hàng ngày : trong gia đình, trường học, nhóm bạn, môi trường công tác… Trong gia đình hình như người cha luôn đóng vai công tố, mẹ đóng vai luật sư, và dĩ nhiên tôi là nạn nhân. Nhóm bạn nếu có người độc đoán, thì đó là anh chàng công tố, còn người luôn quan tâm đến bạn bè thái quá lại là luật sư, chú bé nhút nhát ít nói chuyện và hay run sợ lại là nạn nhân.
Còn tôi lại khác, nếu gặp người nghiêm khắc và có dáng vẻ oai nghi, tôi liền vào vai nạn nhân; nếu gặp người nhỏ hơn tôi liền lên mặt dạy đời trong vai công tố; rồi có người đến mong sự giúp đỡ, tôi ra tay nghĩa hiệp mù quáng trong luật sư. Dù trong bất kì vai trò nào tôi đều cảm thấy bị gò bó và không được tự do, tôi muốn thoát khỏi trò chơi đó nhưng không được vì chung quanh mọi người đều nhập vai quá đạt và tuyệt vời. Có những lúc trong vai công tố không được thỏa mãn, tôi liền tìm vai khác để thay thế. Trong vai này tôi say sưa và được thỏa mãn tuyệt vời nhất, tha hồ chửi, tha hồ đả kích người khác, tha hồ thể hiện dòng máu quyền lực của mình. Cũng thế, nếu tôi không thể tránh khỏi vai nạn nhân, suốt ngày bị chỉ trích và luôn coi mình là vô dụng, rơi vào mặc cảm. Bôn ba lo lắng làm hài lòng tất cả mọi người, mệt mỏi nhưng lúc nào cũng bị chê điều này điều kia, luật sư tôi thấy mệt mỏi quá. Stress luôn chờ cơ hội thăm tôi mỗi khi rảnh hay quá nhiều việc. Tôi sợ hãi khi đánh mất chính bản thân, khi thấy hiệu quả công việc không được tán thưởng, hay tôi tự bỏ tù bản thân bằng cách chạy tìm nạn nhân để bênh vực.
Trong trò chơi này, tôi tìm mọi cách để kết thúc, nhưng sức bản thân quá yếu nên chỉ chạy vòng vòng thay đổi các vai. Tôi nhớ đến một con người tuyệt vời, Đức Giêsu, chính Thầy là cứu cánh duy nhất để tôi thật sự là tôi.
“Các kinh sư và người Pharisiêu dẫn đến trước mặt Đức Giêsu một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, rồi nói với Người : ‘Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật ông Môisê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao ?” (Ga 8, 3-5). Một câu hỏi khó đầy ác ý khó trả lời, đồng ý ném đá người phụ nữ kia cho đúng Luật, trong vai trò công tố viên lại trái với Tin Mừng Tình Yêu Người đang loan truyền ; còn phản ứng không đồng ý để bảo vệ chị ta lại sập bẫy của họ (vai trò luật sư). Người chỉ cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Không ai biết Người viết và đang suy nghĩ gì, họ nghĩ rằng bingo, lần này kiếm được cớ để phản công lại Người nên hỏi mãi. Người chỉ nói : “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8, 7). Không gì thú vị hơn khi chứng kiến cảnh tất cả bỏ đi hết, bắt đầu từ người lớn tuổi. Chỉ một câu trả lời đơn giản nhưng đánh động tất cả, họ từ vai trò công tố bước dần vào trung tâm tam giác và chấm dứt trò chơi. Họ tỉnh ngộ rằng chỉ khi nào thoát khỏi trò chơi mới thật sự tìm được tự do. Còn chị phụ nữ từ vai nạn nhân tìm được nguồn an ủi và khoan dung vô bờ bến của tình yêu, chị hạnh phúc bước vào trung tâm tam giác làm lại con người mới. “Chị về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8, 11).
Thầy Giêsu mời gọi tất cả mọi người hãy đi vào đời sống nội tâm để khám phá con người thật sự của mình, hãy bước vào trung tâm tam giác của tình yêu để giải phóng khỏi mọi ràng buộc của tính người. Chỉ như thế tôi mới chân nhận bản thân hòa vào đời sống Tình Yêu tuyệt vời.
Lm. Jos. PHẠM, SCJ
Tin cùng chuyên mục:
Các bài Suy niệm Lễ Đức Mẹ Mân Côi: Con Thiên Chúa xuống thế để ở với con người
Chúa nhật XXVI thường niên năm A: Đường lối của Thiên Chúa và của con người
Ngày 30/09: Thánh Giêrônimô, Linh mục – Tiến sĩ Hội Thánh
Thứ bảy tuân XXV thường niên: Phải vượt gian khổ mới hy vọng đạt được vinh quang