Chết để được sống…
(Gr 31, 31-34; Dt 5, 7-9; Ga 12, 20-33)
Sống làm người, ít nhiều mỗi chúng ta đều cảm nhận được nghịch lý khó hiểu, khó lý giải : từ khi chào đời mang thân phận làm người thì phải chết. Sinh-lão-bệnh-tử luôn là vòng xoáy khiến mỗi người không thể trốn thoát dù vẫn luôn cố gắng vẫy vùng. Sống được trên 100 tuổi là điều hiếm thấy, lịch sử mới đây ghi nhận cụ bà được cho là sống lâu nhất tên Emma Morano người Ý thọ 117 tuổi 137 ngày. Càng về cuối đời, người ta không tính sống được bao nhiêu năm, bao nhiêu tháng nhưng tính hơn nhau từng ngày. Sống lâu trường thọ luôn là một điều khâm phục, một niềm tự hào. Cũng như, Thọ là một trong ba nguyện ước con người thường cầu chúc cho nhau: Phúc- Lộc- Thọ. Phải chăng vì thế mà ngày nay không chỉ phái nữ mà còn cả nam luôn tìm và sử dụng những mỹ phẩm, thực phẩm được rao bán làm trẻ mãi không già. Thật ra, chỉ có thể che lấp đi được những nếp nhăn nheo cằn cỗi trên thân xác, nhưng không thể níu kéo hay xoá đi tuổi già của thời gian. Và nếu như ai đó phát minh ra được một thứ thuốc kéo dài tuổi thọ, trường thọ, chắc chắn người ấy sẽ trở thành nhà tỷ tỷ phú, và nếu chế được một thứ thuốc trường sinh bất tử thì chắc người ấy sẽ là người giàu nhất thế giới. Thế mới biết: làm sao cho được “trẻ mãi không già”, được “sống lâu, bất tử” là khát vọng, nhưng đồng thời cũng là tuyệt vọng của con người.
Còn nghịch lý và khó hiểu hơn, có bài thuốc bất tử để sống muôn đời được Thầy Giêsu giới thiệu, đó chính là chết để được sống : « nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình ; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời » (Ga 12, 24-25). Cha Maximilien Kolbe đã chọn sống như lời Thầy :
Một buổi sáng cuối tháng 7 năm 1941 tại trại tập trung Auschwitz của Đức quốc xã thời Đệ nhị Thế Chiến, có một người vượt ngục, nên theo quy định của trại, 10 người khác bị xử thay vào. Các nạn nhân run rẩy bước ra, đứng không vững, khiếp đảm, không dám kêu la, trừ một người khóc thương thảm thiết vì thương vợ và các con thơ.
Hàng trăm dãy tù nhân xếp hàng dài im thin thít, hú hồn vì chưa phải tên mình, không một ai dám cựa quậy. Bỗng từ dãy tù nhân bên trái, một người gầy guộc rời hàng bước về phía viên trại trưởng. Mọi người nín thở vì là chuyện chưa từng xảy ra. Viên trưởng trại đặt tay lên súng :
– Anh muốn gì ?
– Tôi muốn chết thay một người trong bọn họ.
Viên trưởng trại sửng sốt. Y tưởng mình nghe lầm. Nhưng không, người kia thực sự xin được chết thay cho kẻ có vợ và các con đang đợi ở nhà. Sau mấy câu gượng gạo, viên trưởng trại nhượng bộ, chấp nhận lời yêu cầu. Người tình nguyện đo chính là Maximilien Kolbe, một Linh mục. Cha đã được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II phong thánh ngày 10/10/1982.
Để có thể đưa ra một quyết định anh hùng như cha Maximilien Kolbe không dễ, tại sao tôi phải chết đi để người khác được sống. Dù biết rằng theo lời dạy của Thầy Giêsu, như hạt lúa chết đi để sinh nhiều bông hạt, nhưng vì tính ích kỷ nên thà sống trơ trọi một mình. Động lực nào thúc đẩy để có thể chết, có thể hiến thân cho anh em ? chính Thầy Giêsu đưa ra câu trả lời bằng chính cuộc Tử Nạn của mình, đón nhận cái chết như hạt lúa mục nát : « không có tình yêu nào cao cả hơn tình thương của người đã hi sinh tính mạng mình vì bạn hữu » (Ga 15, 13).
Flor McCarthy gợi ý : “chết là một phần của sống. Chúng ta sinh ra là để chết, hầu có thể sống sung mãn hơn”. Như hạt lúa mì chết đi, trước tiên chết là hãm mình trước những cám dỗ của dục vọng, của ý riêng, của « những người quyến rũ xảo quyệt », như lời Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi trong Sứ điệp Mùa chay năm nay. Bởi vì, « có biết bao con cái của Thiên Chúa bị mê hoặc bởi những thú vui chóng qua, lầm tưởng đó là hạnh phúc đích thật ».
Như hạt lúa mì chết đi, là chấp nhận hi sinh cái Tôi ích kỉ của bản thân để sống thật với chính mình trong mối tương quan yêu thương với Thiên Chúa và tha nhân ; là tránh xa « những kẻ bịp bợm, lang băm » khiến bao người vì muốn tìm bình an giả tạo nên chìm đắm trong cuộc sống ảo tưởng.
Như hạt lúa mì chết đi, sống đời kitô hữu luôn thể hiện :
– mỗi một hành vi khiêm tốn là một phần tính kiêu ngạo chết đi.
– mỗi một hành vi can đảm là một phần tính hèn nhát chết đi.
– mỗi một hành vi dịu dàng là một phần tính hung hăng chết đi.
– mỗi một hành vi yêu thương là một phần tính ích kỷ chết đi.
Con người tội lỗi chết dần đi thì con người đích thực được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa càng tỏ hiện…
Tin cùng chuyên mục:
Thứ ba tuần XXVI thường niên: Phản ứng của con người khi gặp trái ý hay đau khổ
Thứ hai tuần XXVI thường niên-Các Thiên thần hộ thủ, Lễ nhớ
Các bài Suy niệm Lễ Đức Mẹ Mân Côi: Con Thiên Chúa xuống thế để ở với con người
Chúa nhật XXVI thường niên năm A: Đường lối của Thiên Chúa và của con người