CN.V.MC.A

59 lượt xem Suy Niệm
IMG 1807

Ai tin vào Thầy?
(Ez 37, 12-14; Rm 8, 8-11; Ga 11, 1-45)

 

Phải chăng chúng ta nên cám ơn đại dịch Virus Tc vì đã lột tả mọi toan tính ác độc, mọi thủ đoạn đổ lỗi cho nhau, mọi yếu đuối con người được bộc lộ càng ngày càng rõ nét? Phải chăng chúng ta nên cám ơn, bởi vì ngay trong chính hoàn cảnh có thể nói là sinh – tử, luôn có nhiều bác sĩ, y tá, nhân viên y tế gồng gánh và làm việc không ngơi nghỉ để ngăn chặn và chữa lành căn bệnh lan tỏa nhanh và vô cảm? Phải chăng nên cám ơn, để mỗi người có được thời điểm sống chậm lại suy nghĩ về cùng đích của bản thân, đã bị lôi cuốn của sóng đời, quay cuồng chạy theo cơm – áo – gạo – tiền? Phải chăng…, muôn ngàn lý do để cần cảm ơn đại dịch này!

Đặc biệt đối với mỗi kitô hữu, từng giáo phận, từng giáo xứ từng bước thông báo không thể cử hành thánh lễ như thường nhật và chỉ có thể mở cửa để mọi người nhóm nhỏ đến chầu Thánh Thể. Một đảo lộn bất thường khiến nhiều kitô hữu khó có thể chấp nhận, những thói quen sống đạo hay nói đúng hơn là chỉ giữ đạo cho có với người ta bị tan biến. Nhiều người đã phản ứng cách tiêu cực, thái quá mà thiếu suy xét trước thực trạng cụ thể. Hãy cùng nhìn và nhận định dưới một lăng kính khác, ta cần tạ ơn vì đại dịch Virus Tc này đã làm thức tỉnh một cách đặc biệt trong mùa Chay Thánh: với đúng nghĩa sống chậm lại để tâm hồn tĩnh lặng, lắng nghe nhịp sống cá nhân và xung quanh mới thấy bản thân đang sa đà vào con đường u tối; sống chậm lại mới thấy bản thân còn luôn sống ích kỉ, kiêu ngạo và có cả vô cảm được ngụy trang bằng nhiều lý do khác nhau; sống chậm lại để kết nối lại mối tương quang giữa tôi và Thiên Chúa, mà bao lâu nay chỉ thực hiện các hành vi đạo đức máy móc; và trên hết, sống chậm lại để thật sự cảm nhận được yêu thương – bao dung và nhẫn nại của Thiên Chúa dành cho nhân loại.

Thế nhưng, cái giá phải trả lại quá đắt, dịch bệnh Virus Tc bùng phát khủng khiếp khiến bao người không còn nước mắt để khóc than người thân đã mất. Hãy nhìn đến Đức Thánh Cha, khập khiễng – liêu xiêu từng bước nhỏ dưới trời mưa để dâng giờ Thánh cầu nguyện cho toàn nhân loại trước cơn đại Hồng Thủy này, ngài luôn đau buồn chia sẻ sự đau đớn, hoang mang, sợ hãi của cái giá mà con người phải trả. Không chỉ dịp 16h ngày 27-03-2020 mà ngay từ ngày 26-01-2020 mùng 2 Tết Nguyên Đán, khi mọi người còn đang tràn ngập vui mừng đón xuân với lời chúc nhau “như Ý”, ĐTC trong buổi đọc Kinh Truyền Tin đã dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện cho những người bị nhiễm virus corona (1.975 người nhiễm trên 9 quốc gia, 56 người chết tại Trung Quốc thời điểm đó). Giờ đây, một mình cô độc lặng lẽ trước quảng trường, giữa đền thờ thánh Phêrô, nhưng ngài không cô đơn vì có hơn 90 triệu người cùng hiệp thông hướng về thánh đô. Cảm giác lạnh lẽo, trống vắng và cô độc như tan biến vì tâm tình nồng ấm thiêng liêng. Một cô độc và bất lực như Macta lên tiếng: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết” (Ga 11, 21).

Một trách móc nhưng lại có niềm tin vào Thầy, trách vì cả hai chị em Macta và Maria đã nhờ người đến nói với Thầy về tình trạng em Lazaro của mình, trách vì biết tin nhưng Thầy lại chậm trễ “lưu lại thêm hai ngày tại nơi đang ở” (Ga 11, 3.6). Thầy luôn yêu mến gia đình nhỏ bé tại Bêtania này, là nơi an lành nghỉ ngơi hồi sức sau bao sóng gió và khó khăn trên con đường rao giảng Tin Mừng. Tuy nhiên, Thầy vẫn “sống chậm lại” để không bị dẫn dắt bởi tình cảm, để sống theo thánh ý Cha. Thầy đã đợi cho Lazarô chết vì Thầy biết thế, Thầy không đến để giúp nhân loại tránh khỏi đau khổ và tang chế, nhưng thay đổi những đau khổ và cái chết này nhờ sự sống lại của Thầy, chính Thầy cũng không tránh cái chết khổ nạn của mình.

Đứng trước cái chết của người thân, Thầy đã khóc, “đã thổn thức trong lòng và xao xuyến” (Ga 11, 33), những giọt nước mắt âm thầm đầy đau khổ nhưng Thầy luôn làm chủ được đau khổ của riêng mình. Thánh ý Cha, không phải là cho Lazarô sống lại về mặt thể lý, nhưng trên hết là “lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhận lời con. Phần con, con biết Cha hằng nhận lời con, nhưng vì dân chúng đứng quanh đây, nên con nói để họ tin là Cha đã sai con” (Ga 11, 42). Không phải tập trung vào dấu lạ, nhưng là để củng cố và tăng thêm lòng tin cho mọi người: những môn đệ đã chống, không lên lại Giêrusalem, họ nghi ngờ, họ sợ; Macta không muốn mở ngôi mộ, chị hoài nghi, tử thi đã để quá trễ ngày; những người Do Thái, cho dù họ có thiện cảm với ba chị em, không tới để khóc nức nở. “Anh Lazarô, hãy ra khỏi mồ […] họ đã tin vào Người” (Ga 11, 44-45). Chết và sống liên đới chặt chẽ với nhau: Thầy Giêsu đã làm cho Lazarô sống lại. Nhưng chính sự sống lại của ông lại là cớ khiến Thầy bị người đồng hương Do Thái của mình kết án và chịu tử nạn (x. Ga 11, 47-50).

Phải chăng sau khi được Thiên Chúa can thiệp ngăn chặn dịch bệnh virus, nhân loại lại tiếp tục kết án Ngài bằng muôn hình thức khác nhau? Phải chăng mỗi kitô hữu cũng thế, vượt qua được nạn dịch cũng sẽ “ngựa quay về đường cũ”?

“Ai tin vào Thầy, sẽ không bao giờ chết” (Ga 11, 25), vậy ai luôn tin vào Thầy?