CN.PS.VI.B

58 lượt xem Suy Niệm
yeuthuong

Hãy ở lại và hãy yêu NHƯ…
(Cv 10, 25-48; 1 Ga 4, 7-10; Ga 15, 9-17)

 

Có một câu chuyện vui được kể lại rằng trong một nghĩa trang trời tối đen như mực, có một người đàn ông đã 5 ngày liền ngồi buồn rầu trên một nấm mồ và luôn miệng nói một câu thảm thiết: Cớ sao ông lại chết? Cớ sao ông lại chết để tôi khổ thế này?

Người bạn thân tìm thấy ông ta, muốn an ủi, bèn hỏi:
– Người quá cố là cha hay là anh của ông vậy?

Người khốn khổ rên rỉ:
– Không phải cha cũng không phải anh. Đó là người chồng trước của vợ tôi đấy!!!

Dường như ngày nay, nhiều người đều có cảm nhận giống như người đau khổ kia. Bởi vì, yêu thương lại trở nên gánh nặng cho nhau, một gánh nặng đến từ những hình ảnh méo và hiểu sai về tình yêu. Với lối sống thực dụng, lối sống nhanh, một tình yêu đích thực bị bóp méo thành yêu thương ích kỷ và hưởng thụ. Để rồi, thay vì yêu thương là trao và mong muốn cho nhau hạnh phúc lại trở nên một chuỗi dài những chịu đựng của bất hạnh, của mâu thuẫn, của những vết thương tâm hồn khó có thể chữa lành. Phải chăng vì như thế nên mới có câu nói “yêu nhau lắm, cắn nhau đau”?

Trong yêu thương gánh nặng đó, cũng không loại trừ đời sống kitô hữu. Bởi vì, cơn bão yêu thương thực dụng ngấm dần theo kiểu mưa dầm thấm lâu, đến nỗi nhiều kitô hữu không ý thức được rằng chính bản thân rơi vào một yêu thương theo kiểu tính toán, trao đổi “có qua có lại mới toại lòng nhau”. Cũng vì thế, niềm tin Kitô xa dần lệnh truyền của Thầy: hãy yêu thương nhau NHƯ Thầy đã yêu thương (Ga 15, 12). Yêu thương của mỗi kitô hữu không phải là một khái niệm, một gì đó mông lung, trừu tượng; mà là một yêu thương NHƯ: yêu thương theo thước đo, theo nền tảng NHƯ Thầy đã yêu thương anh em.

– Như Thầy đã yêu thương anh em: Thầy đã từ bỏ địa vị Ngôi Hai, Con Thiên Chúa, đi ra khỏi chính mình để Nhập Thể, sống và chia sẻ thân phận yếu hèn của con người, còn tôi thì sao? phải chăng để cái Tôi bao phủ, sống chung nhưng chỉ muốn được nổi bật, đè người khác xuống ?

– Như Thầy…: Thầy sống kiếp người nhưng không tách mình ra khỏi mọi người. Thầy hòa vào với họ, đặc biệt với những ai yếu kém nhất, bị xã hội loài trừ: gái điếm, thu thuế, phường tội lỗi, người củi hủi. Còn tôi, dường như chỉ thích quen biết những người giàu có-quyền quý vì có thể đón nhận được gì đó, có chỗ dựa; chỉ làm quen và chơi thân với những ai hợp với mình, còn những ai cảm thấy “ghét”, không hợp thì sẽ xa lánh…

– Như Thầy…, Thầy đến để chữa lành mọi vết thương tâm hồn-thể xác yếu đuối, còn tôi chỉ thích gây bất hòa, tạo thêm nhiều vết thương lòng cho người khác vì cái tôi ích kỷ của bản thân.

– Như Thầy…, “Không ai có tình yêu lớn hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình” (c. 13). Và yêu thương đó, tục ngữ Pháp có câu: L’amour, c’est partir et mourir un peu”, yêu là ra đi và chết trong lòng một ít. Nói cách khác, yêu thương thật sự là hy sinh vô vị lợi vì người mình yêu mến. Chết cho các bạn của mình là hành vi lớn nhất của tình yêu. Thập giá là biểu hiện của tình yêu lớn nhất, tình yêu hiến mạng. Một tột đỉnh của yêu thương là đây, như thánh Therèse Hài đồng Giêsu cảm nghiệm: sống yêu thương chính là chia sẻ, là cho tất cả, trên đời này không đòi hỏi công lao; không tính toán, không kể cho là bao, vì đã yêu có khi nào suy tính? Một yêu thương được thánh Augustinô đưa ra tiêu chuẩn: mức độ của tình yêu, là yêu thương không có mức độ nào.

Hơn nữa, yêu thương nơi kitô hữu bắt nguồn từ Cha: “Như Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy” (Ga 15, 9): Dòng suối yêu thương bắt nguồn từ Cha; để đáp trả tình Cha dành cho mình, Thầy Giêsu trao ban yêu mến đó cho các môn đệ; để rồi, mỗi một kitô hữu đáp trả lại bằng trao tặng yêu thương cho nhau. Một dòng chảy yêu thương sẽ luôn tuôn tràn và lan rộng đến vô tận…

Như Cha yêu mến Thầy, Thầy yêu mến anh em như vậy… như Thầy đã yêu mến anh em, anh em hãy yêu thương nhau… Mỗi kitô hữu đáp trả lại yêu thương của Thầy thế nào?