CN.PS.A

53 lượt xem Suy Niệm
5277247941586535273

Chứng nhân Phục Sinh ở đâu?
(Cv 10, 34a.37-43; Cl 3, 1-4 hoặc 1 Cr 5, 6b-8; Ga 20, 1-9 hoặc Mt 28, 1-10)

 

Một bề trên tu viện Công giáo đến tìm một ẩn sĩ Ấn giáo tại chân núi Himalaya. Ông lo âu chia sẻ về tình trạng bi đát của tu viện. Trước kia tu viện này là một trung tâm thu hút nhiều khách hành hương. Nhà thờ lúc nào cũng vang tiếng hát của giáo dân khắp nơi tuôn đến. Nhà dòng không còn chỗ nhận thêm người xin gia nhập. Thế mà bây giờ tu viện chẳng khác nào một ngôi chùa hoang phế. Nhà thờ vắng lặng, tu sĩ thì leo teo mấy người, cuộc sống thật là buồn tẻ…

Vị bề trên hỏi tu sĩ ấn giáo cho biết nguyên nhân nào hay lỗi lầm nào đã dưa tu viện tới tình trạng trên đây. Tu sĩ ấn giáo ôn tồn trả lời:
– Tội của cộng đoàn đó là tội vô tình.

Và ông giải thích:
– Đấng Cứu Thế đã cải trang thành một người trong quý vị, nhưng quý vị không nhận ra Người.

Từ đó, mọi người đối xử với nhau như với Đấng Cứu Thế. Chẳng bao lâu bầu khí yêu thương huynh đệ, sức sống mới nảy sinh, và niềm vui tràn ngập tu viện. Khắp nơi tìm đến để tĩnh tâm cầu nguyện, nhiều bạn trẻ tiếp bước xin gia nhập cộng đoàn.

Một câu chuyện cũ nhưng luôn mới trong đời sống đạo ngày hôm nay khi nhiều kitô hữu theo vòng xoáy “phú quý sinh lễ nghĩa”: từ giữ đạo theo thói quen đến coi trọng vẻ hào nhoáng, hoành tráng bên ngoài các lễ nghi; từ thực hành sống cách máy móc đến tìm niềm vui, đáp ứng thỏa mãn nào đó trong niềm tin tôn giáo; từ vỏ bọc tốt lành ngoan đạo đến nếp sống “khẩu phật tâm xà”. Từ đó dẫn đến câu nói muôn thuở “tin đạo chứ không tin người có đạo”. Nói cách khác, luôn có khoảng cách quá khác biệt giữa nếp sống thường ngày và sống đời đức tin, giữa chân thật khoác vỏ bọc giả dối và chân lý, một nếp sống không làm chứng được chân lý niềm tin nào. Khẩn thiết, cần hơn bao giờ hết cho ngày nay những chứng nhân như Maria Macdala, như Phêrô và người môn đệ Thầy Giêsu thương mến.

Như Maria Macdala và những người phụ nữ cảm tình viên đến viếng xác Thầy lạnh lẽo trong ngôi mộ khi ánh dương bắt đầu le lói. Họ đến để ướp xác Người. Nhưng đó không phải là lý do duy nhất, bởi vì họ còn muốn được ở gần Đấng đã từng làm cho đời họ tràn đầy ý nghĩa, nhưng bây giờ cái chết của Thầy lại khiến lòng họ tràn ngập nỗi u sầu không gì an ủi được. Sáng hôm ấy, nếu mọi sự diễn ra đúng như dự kiến thì các bà đã ướp xác Thầy Giêsu, xong rồi lắp của mồ lại, trở về nhà với cõi lòng nặng trĩu u sầu. Buồn thảm, vì các bà càng ý thức rằng những chuyện khủng khiếp xảy ra không phải chỉ là một giấc mơ mà là một sự thật: Thầy của họ đã chết thật rồi, chết là khép lại tất cả, chết là chấm dứt tất cả và đằng sau cái chết là một bóng đêm dày đặc. Tuy nhiên mọi sự không xảy ra như dự định, khi đến nơi, xác Thầy không còn, và tảng đá thì lăn ra khỏi mộ. Những dấu ấn Thầy để lại trong tâm hồn dường như mất đi tất cả, mọi kỷ niệm, lời giảng dạy, hoạt động theo ngôi mộ trở thành trống không. Hốt hoảng, mất mát, vô vọng trở thành lực đẩy làm Maria Macdala chạy thật nhanh về gặp các môn đệ: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu” (Ga 20, 2).

Một cuộc chạy đua hớt hải, lo lắng hướng về mộ Thầy nhưng với tâm trạng khác nhau. Đối với Phêrô, vị tông đồ này còn đang sợ hãi: sợ bị liên lụy, sợ bị bắt bớ, sợ bị chỉ điểm-đấu tố trong hoảng loạn chối Thầy ba lần. Ông chạy ra mộ với tâm trạng rối bời và đối phó, nên trong đầu cũng trở nên trống vắng không thể nghĩ đến việc Thầy sống lại được, Thầy đã Phục Sinh. Chính vì vậy, Phêrô và Gioan, cả hai đều vào trong mộ, cả hai đều thấy khăn liệm, nhưng Phêrô chẳng hiểu gì, còn môn đệ Thầy Giêsu thương mến, “ông đã thấy và tin”.

Phêrô đã thấy nhưng chẳng hiểu gì, còn Gioan thì “đã thấy và đã tin”. Ngôi mộ trống đối với Phêrô chẳng khác gì các ngôi mộ khác. Nhưng đối với Gioan, mộ trống là một dấu chỉ thật lớn. Ngôi mộ trống làm cho Gioan nhớ lại bao lần Thầy đã nói về sự sống lại của Người, bởi thế ông thấy và tin.

Đứng trước đại dịch Virus Tc đến nay chưa có dấu hiệu chững lại, đứng trước những hệ quả buộc phải sống cách ly, kéo theo không thể tham dự các nghi thức tưởng niệm hoành tráng, nhiều kitô hữu cũng đang rơi vào khủng hoảng như Maria Macdala không còn nơi níu kéo nhớ lại những kỷ niệm đẹp với Thầy, như Phêrô trong sợ hãi kéo dài của liên lụy, của bắt bớ, của chỉ điểm-đấu tố. Rơi vào khủng hoảng của “ngôi mộ trống” do đại dịch gây ra khiến bao kitô hữu rơi vào chao đảo niềm tin, rơi vào khủng hoảng bất định của cùng đích sống, tất cả như càng muốn thu mình lại để tìm sự bảo vệ, an toàn và chở che. Nhưng càng như thế, lại càng rơi vào “ngôi mộ trống” cuộc đời.

Hãy cùng nhau tái khám phá lại những nấm mộ trống bàn thân, tái khám phá lại những dấu chỉ Phục Sinh tràn ngập niềm vui chiến thắng sự Chết của thầy Giêsu, từ “những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi” (Ga 20, 6-7). Tái khám phá lại những dấu chỉ về sự hiện diện đầy yêu thương và nhân từ của Thiên Chúa trong bao bề bộn tâm hồn và cuộc đời, từ đó “thấy và tin”, từ đó trở nên “môn đệ được Đức Giêsu thương mến” giữa đời…