CN. Lễ Thánh Gia.A
Gia đình:
thiên đàng hỏa ngục hai bên…
(Hc 3, 3-7.14-17a; Cl 3, 12-21; Mt 2, 13-15.19-23)
– Một cậu bé đón cha mình đi làm về và hỏi: Bố ơi! bố đi làm được bao nhiêu tiền một giờ?
– Người cha rất ngạc nhiên và bảo: Này con, ngay cả mẹ của con cũng chẳng biết, đừng quấy rầy vì bố đang mệt.
– Cậu bé lại hỏi: Bố cứ cho con biết, lương của bố mỗi giờ được bao nhiêu tiền?
– Cuối cùng thì ông bố trả lời: Mỗi giờ bố được hai mươi đồng.
– Cậu bé liền xin: Vậy bố cho con mượn mười đồng.
– Ông bố tỏ vẻ giận và mắng con: Thì ra đấy là lý do con muốn biết tiền lương của bố? Bây giờ đi ngủ đi và đừng quậy phá nữa!
Đêm hôm ấy, người cha nghĩ lại những điều đã nói với con và cảm thấy hối hận. Ông cho rằng có thể con cần tiền để mua gì đó, nên liền sang phòng của con và hỏi: Con đã ngủ chưa?
– Con chưa ngủ.
– Người bố đưa tiền: Đây là tiền con hỏi xin lúc nãy.
– Cậu bé vui vẻ cám ơn rồi lấy thêm tiền trong gối ra và nói: Con đã có đủ rồi, hai mươi đồng. Bây giờ bố bán cho con một giờ của bố!
Một câu chuyện nhỏ lột tả được phần nào đời sống tình cảm gia đình việt ngày nay: thiếu thốn, trống vắng, hụt hẫng, u ám… với muôn ngàn lý do từ đời sống cơm-áo-gạo-tiền đến khoác chiếc áo gia đình hiện đại. Để rồi từ đó, mối tương thân tương ái trong gia đình phai nhạt dần, những gì tồn tại chỉ còn vô cảm và thực dụng dẫn đến bao ai oán: con bất hiếu giết chết cha-mẹ-bà chỉ vì không cho tiền chơi game; anh chị em trong gia đình phân ly vì chia gia tài dẫn đến kiện tụng nhau ở tòa đời; từ gương cha-mẹ không hạnh phúc khiến con sợ không dám tiến tới hôn nhân; bao tình trạng khác nhau khiến gia đình từ thiên đường trở thành hỏa ngục trần gian. Gia đình không còn trở thành mái ấm như xưa: một thế giới xung đột khép lại, một thế giới tình thương mở ra; nơi chuyện nhỏ là quan trọng, chuyện quan trọng là chuyện nhỏ; vương quốc của cha, thế giới của mẹ và thiên đàng của con cái; nơi chúng ta cằn nhằn nhiều nhất nhưng được đối đãi tốt nhất; trung tâm của tình thương mà mọi lời ước nguyện của con tim quyện vào đấy; nơi dạ dầy ăn 3 lần mỗi ngày và tâm hồn ăn ngàn lần mỗi ngày; nơi duy nhất tại trần gian mà mọi lỗi lầm và thất bại của con người được che đậy dưới lớp áo bác ái.
Dù định nghĩa như thế nào, đối với mỗi kitô hữu, xây dựng nền tảng gia đình không chỉ trên phương diện tự nhiên vì còn mang ý nghĩa sâu thẳm hơn: một cộng đoàn tình mến phản ánh cộng đoàn Thiên Chúa Ba Ngôi, theo gương gia đình Nazareth. Gia đình Nazareth-Thánh Gia, với 3 thành viên: thánh cả Giuse làm gia trưởng, Mẹ Maria và Hài nhi Giêsu. Dù Mẹ Maria và Hài nhi Giêsu là những người cao quý hơn thánh Giuse, nhưng Thiên Chúa đã đặt hai vị dưới quyền của ngài. Khi Thiên Chúa muốn nói gì với gia đình này thì Ngài nói với người cha nuôi, và hai vị kia nghe theo thánh Giuse như vâng lời Thiên Chúa.
Và, theo pháp lý, thánh cả Giuse là chủ gia đình cộng đoàn Thánh Gia vì là chồng và là cha. Là đầu, không đồng nghĩa tự mình quyết định tất cả, những gì thánh Giuse chăm lo cho gia đình đều từ lắng nghe thánh ý Thiên Chúa: vất vả lèo lái cộng đoàn vượt qua những hoàn cảnh khó khăn, ngập tràn thử thách như chạy trốn sự truy sát kẻ dữ để sang Ai Cập; âm thầm chăm sóc từng thành viên bằng việc tận tụy trong công việc thợ mộc của mình; khéo léo nâng đỡ, giúp nhau trở nên tốt như dạy dỗ trẻ thơ Giêsu. Mẹ Maria dù bản thân cao trọng hơn thánh Giuse nhưng luôn khiêm hạ vâng theo ngài, không vì lý do “được chúc phúc hơn mọi người nữ” để chèn ép các thành viên khác. Còn Hài nhi Giêsu “lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người”.
Một cộng đoàn gia đình Thánh Gia hiệp nhất xoay quanh vị gia trưởng Giuse, mỗi thành viên trong cộng đoàn cũng không thể mang lối sống cũ từ gia đình vào đời sống chung, nhưng tất cả đều phải loại bỏ một gì đó của bản thân: Thánh cả Giuse từ bỏ ý riêng chiếm hữu Maria như người vợ đã được đính hôn, ngài luôn tôn trọng và giữ gìn sự trinh khiết tinh tuyền của Mẹ; Mẹ Maria từ bỏ chính cái “Tôi” kiêu hãnh vì diễm phúc làm mẹ Đấng Cứu Thế, khép mình và chung tay xây dựng cộng đoàn. Và, Hài nhi Giêsu từ bỏ mọi vinh quang Ngôi Hai Thiên Chúa để đón nhận tất cả từ những người thân, người xung quanh: từ nuôi dưỡng-giáo dục trong cộng đoàn đến những người bệnh tật, đau khổ và lao động; từ Hội đường đến đời sống trọn vẹn nhập thể và nhập thế. Giêsu đã nhận rất nhiều từ gia đình nhân loại, nhưng thực ra Người còn trao ban nhiều hơn. Người đã dành trọn vẹn bản thân cho con người: cả bản thể Thiên Chúa, cả năm tháng, cuộc sống và cái chết một cách âm thầm, khiêm tốn vô vị lợi.
Trong cuộc sống bình dị nhưng chất chứa bao tình thương, Hài nhi Giêsu đã sống thân mật với Cha, đã sống hiếu thảo với cha mẹ trần thế, đã sống chan hòa bác ái với những người chung quanh. Còn cha mẹ trần thế là những người kính sợ Thiên Chúa cũng đã sống hết mình theo thánh ý Thiên Chúa, tận tụy và thương yêu con cưng của mình. Giữa Đức Maria và Thánh Giuse là một mối liên hệ có một không hai trong lịch sử loài người, chắc chắn tình yêu thương và lòng tôn trọng là những nét đặc thù nhất, khiến thánh Giuse được gọi là người công chính, còn Maria là người có phúc hơn mọi người phụ nữ.
Trong cộng đoàn giáo xứ – trong gia đình kitô hữu, hãy sống như những người cha gia trưởng Giuse, như những người mẹ dịu hiền như Maria, và như những người con Giêsu…
Tin cùng chuyên mục:
Thứ ba tuần XXVI thường niên: Phản ứng của con người khi gặp trái ý hay đau khổ
Thứ hai tuần XXVI thường niên-Các Thiên thần hộ thủ, Lễ nhớ
Các bài Suy niệm Lễ Đức Mẹ Mân Côi: Con Thiên Chúa xuống thế để ở với con người
Chúa nhật XXVI thường niên năm A: Đường lối của Thiên Chúa và của con người