CN.IV.TN.B

60 lượt xem Suy Niệm
IVTN B CN

Thế nghĩa là gì ?
(Đnl 18,15-20 ; 1 Cr 7,32-35 ; Mc 1,21-28)

 

Phải chăng đời sống tâm linh người việt sâu sắc nên lời cầu nguyện, xin khấn rất đa dạng : có lời tạ ơn thượng đế vì gia đình ấm êm hạnh phúc ; có lời khấn trước mỗi mùa thi và bằng mọi cách rờ được đầu cụ rùa đá tại Văn Miếu ; nếu gặp những khó khăn thì cúng xả xui, rồi còn khấn giải hạn, hay đầu xuân chuẩn bị lễ đi vay tiền Bà Chúa Kho ; và đặc biệt hơn, có bệnh thì vái tứ phương. Có cầu thì có cung nên sinh ra dịch vụ khấn giùm, những nhóm thầy-cô-cậu tổ chức hầu đồng xin người trên ban ơn phát huệ hay chữa bệnh, bói toán điềm lành-dữ… Với những hoạt động mang tính mù mờ, tạo vẻ thần thiêng đã thu hút bao người chạy theo một cách dị đoan. Gọi là dị đoan bởi vì dị mang nghĩa lạ, đoan là đầu mối. Tin dị đoan là tin vào những gì kì lạ không hợp lý như chữa bệnh bằng bùa ngải, tìm hiểu sự việc không theo trí óc hay phán đoán mà bằng bói toán…

Tin dị đoan như thế từng xảy ra trong dân tuyển chọn, được gọi là thờ ngẫu tượng. Sau khi giải thoát dân tuyển chọn khỏi miền đất nô lệ Ai Cập. Môsê lên núi thánh đón nhận Giao Ước với Yahvé Thiên Chúa trong thời gian dài bốn mươi ngày đêm nên dân chúng tụ họp lại xin làm một vị thần dẫn đầu. Ông Aharon đã đúc một con bê bằng vàng để mọi người thờ lạy (Xh 32, 1-6). Không trung tín, luôn thay đổi và thích chạy theo những gì thỏa mãn bản thân khiến con người theo đuổi những gì lạ, thần bí nên đánh mất bản thân và xa dần Thiên Chúa đích thực. Đức Thánh Cha Phanxicô, trong bài giảng của ngài ngày 6/6/2013, tại Nguyện đường nhà khách thánh Matta, lên tiếng cảnh báo : « Việc tôn thờ ngẫu tượng rất tinh vi và mọi người trong chúng ta đều có những ngẫu tượng ẩn dấu hoặc lớn hoặc nhỏ, làm cản bước hành trình đến với vương quốc của Thiên Chúa. Nói rằng ‘tôi tin vào Chúa, Chúa là Thiên Chúa duy nhất’ vẫn chưa đủ, Nhưng điều cần thiết là làm thế nào để chúng ta sống niềm tin đó trong hành trình cuộc sống ? Sống như thể Chúa không phải là Thiên Chúa khiến chúng ta có nguy cơ đi đến chỗ tôn thờ ngẫu tượng, một thứ ngẫu tượng được đưa lại bởi tinh thần thế tục ».

Và, Môsê đến cuối đời nhắn nhủ dân tuyển chọn cùng với lời hứa : « Các dân tộc anh (em) sắp trục xuất ấy thì nghe những thầy chiêm tinh, thầy bói, còn anh (em) thì Ðức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), không cho làm như vậy. Từ giữa anh (em), trong số các anh em của anh (em), Ðức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như tôi để giúp anh (em) ; anh (em) hãy nghe vị ấy » (x. Đnl 18, 9-10.14-15). Một lời an ủi sau hành trình dài 40 năm dẫn dắt dân chúng về miền đất hứa, an ủi vì Môsê không cùng dân vượt qua sông Giordan và chuẩn bị ra đi. Mặt khác, ông nói tiên tri về một vị ngôn sứ tuyệt hảo Thiên Chúa sẽ gửi đến dẫn dắt toàn dân. Nhưng, ông cũng đề phòng những người ngụy ngôn sứ quấy phá nên nhắc nhở 4 điểm : vị ngôn sứ hứa ban dẫn dắt toàn dân được chọn bởi Thiên Chúa ; người đó xuất thân từ dân giao ước ; là người chuyển trao trung thành Lời Thiên Chúa ; và cuối cùng, dân chúng phải lắng nghe vị này (Đnl 18, 18-20).

Trải dài chiều dài lịch sử dân Chúa, vị ngôn sứ tài danh hứa ban được giới thiệu như Đấng giải thoát, vị Mục Tử, Đấng Messiah… Và, là Đấng có uy quyền trong lời nói và hành động mà thánh sử Marcô giới thiệu : Thầy Giêsu.

Một vị thầy bắt đầu thực hiện sứ vụ của mình tại hội đường Capharnaüm vào ngày sabbat (Mc 1, 21-28). Một buổi sinh hoạt diễn ra trong hội đường thường là : cầu nguyện, đọc Lời Chúa và giảng giải lời ấy. Một ngày sabbat không giống như bao ngày khác, Thầy Giêsu đã làm kinh ngạc mọi người lắng nghe bởi vì Thầy không giảng dạy như các luật sĩ. Thầy không dựa vào những tên tuổi nổi tiếng, không giảng cách máy móc, không dạy theo nguyên lý chuyển giao nguyên vẹn những gì được lãnh nhận. Hơn thế nữa, Người không ngại đụng chạm đến điều đi ngược lại với người xưa, hay sửa lại cho hoàn hảo (Mt 5, 17ss). « Người dạy lại có uy quyền » (Mc 1, 27) không như lời nói của các luật sĩ là tiếng nói tập truyền. Lời giảng dạy đến từ chính Thầy, bởi vì Thầy là Ngôi Lời, là Con Thiên Chúa.

Không chỉ dừng lại ở giảng dạy, dân chúng còn sửng sốt, kinh ngạc hơn khi chứng kiến Lời uy quyền ra lệnh cho các thần ô uế. Không thể chấp nhận Lời giảng dạy của Thầy thu hút bao người, phá đi kế hoạch và hoạt động của mình, quyền lực bóng đêm phải lên tiếng : « Ông Giêsu Nazareth, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi ? » (Mc 1, 24). Kìm kẹp nhân loại dưới vòng nô lệ từ bao đời, bỏ ra bao công sức xây dựng mọi kiểu hình ảnh ngẫu tượng nhằm lạc bước con người lại bị chựng lại, bị đánh tan chỉ vì sự xuất hiện của một Người. Căm tức đó, nên tìm cách phá thầy Giêsu lần cuối : « Tôi biết ông là ai rồi, ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa ! ». Một lời mặc khải thân phận thầy trước mặt mọi người tưởng chừng có ý tốt nhưng lại là phá hoại. Thầy Giêsu không muốn dân chúng tôn vinh và chạy theo Người vì quyền lực, vì dấu lạ, vì khác người theo kiểu xây dựng một thần tượng, ngẫu tượng nào đó. Điều Thầy muốn là từ chính trong tâm hồn mỗi người nhận biết chân thật Thầy, đón nhận Lời và sống theo Thầy : là Đường, là Sự Thật và là sự Sống. Bởi vậy, Thầy lên tiếng uy quyền xua đuổi quyền lực bóng đêm : « Câm đi, hãy xuất ra khỏi người này » (Mc 1, 25).

Lời giảng dạy, giáo huấn của thầy Giêsu luôn vang vọng trong cuộc đời mỗi người. Còn tôi, tôi có bao giờ từng thốt lên : « Thế nghĩa là gì ? », hay tôi đang mải miết chạy theo bao ngẫu tượng và ngoảnh mặt làm lơ đón nhận ? Hình như tôi vẫn luôn điên cuồng đêm khuya mặc mưa gió chờ đón một thần tượng ca nhạc, diễn viên nào đó ; hình như tôi cũng đang tự mình xây dựng ngẫu tượng-thần tượng để theo mà bản thân không nhận thức rõ : kinh tế bê vàng, quyền lực luật sĩ, kính trọng biệt phái… và nhắm mắt, bịt tai đón nhận Lời.