CN.IV.PS.C Tôi là…

72 lượt xem Suy Niệm
26353283361 28791971dd b

CN.IV.PS.C

Tôi là…
(Cv 13, 14.43-52 ; Kn 7, 9.14b-17 ; Ga 10, 27-30)

Dường như không ai có thể giới thiệu bản thân một cách rõ ràng, bởi vì mỗi người thường mượn những gì bên ngoài để nói về mình như : Tôi tên là, ở địa chỉ, học lực là, học tại các trường, làm việc tại,… Để rồi từ đó hình thành thói quen khẳng định căn tính của mình qua vỏ bọc bên ngoài : xác định cái tôi là qua đẳng cấp siêu xe, vị trí tôn kính trong xã hội, tìm gắn cho mình mác đại gia, chạy đua khoe quần áo, giầy dép, đồ dùng hàng hiệu hằng ngày. Đánh mất đi chính bản thân, không biết mình là ai trở nên phổ biến. Chính vì thế mỗi kitô hữu cần dành cho mình thời gian để trả lời câu hỏi : Tôi là ai, kitô hữu là ai ?

Kitô hữu theo định nghĩa của thánh Phêrô là « người đang sống trong Đức Kitô » (1 Pr 5, 14), và theo nguyên nghĩa Hán-Việt, hữu là bên phải – là có – là bạn, như thế kitô hữu là người bạn Đức Kitô, là người có Đức Kitô trong đời sống của mình, là môn đệ của Người. Chính Thầy Giêsu cũng đã lên tiếng : « Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết » (Ga 15, 15). Là người đang sống trong Đức Kitô, là bạn, là môn đệ của Người, mỗi kitô hữu cần sống trọn vẹn căn tính đó của mình như Thầy.

Căn tính của mình, Thầy Giêsu từng bước mạc khải mầu nhiệm bản thân bằng hai từ Tôi Là : Tôi là Bánh từ Trời xuống ; Tôi là ánh sáng thế gian ; Tôi là sự Sống lại và là sự Sống ; Tôi là Cây nho thật ; Tôi là Cửa cho chiên vào… Tôi Là trong ngôn ngữ Hi Lạp Tân Ước, έγω ειμι/égo éimi, gợi lên bốn chữ cái không được phát âm trong Cựu Ước theo tiếng Do Thái : YHVH, Yavhé. Nhờ Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người mạc khải cho nhân loại nhận biết rõ hơn về Thiên Chúa luôn yêu thương con người. Và, Thầy Giêsu dùng hình ảnh đẹp chân chất đồng quê để bày tỏ bản thân của mình : Tôi là Mục tử nhân lành.

Thiên Chúa, Vị Mục tử nhân lành trong thời Cựu Ước là « Người lùa dân Người đi ví thể đàn chiên, Người dẫn dắt chúng như đàn cừu ngang qua sa mạc » (Tv 78, 52) ; « Chúa là Mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi đến dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi » (Tv 22). Những đặc tính của người mục tử và đoàn chiên đó được Thầy Giêsu tóm gọn khi lên tiếng : « Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi » (Ga 10, 27). Với ba động từ, nghe-biết và theo, con người/đoàn chiên không phải là thụ động theo Thầy Giêsu nhưng là tích cực và chủ động.

Nghe Lời Thầy, trong Kinh Thánh và Giáo huấn của Giáo hội, để có mối tương giao thân tình với Thầy và nhất là để tin vào Thầy như trong thư gửi Roma nêu rõ : « Có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Đức Kitô » (Rm 10, 17). Biết không chỉ nhận ra nhau, nhưng là hiểu biết sâu xa trong tình cảm yêu thương, bởi vì chỉ có yêu thương mới biết một người nào đó cách đích thực và hiệp thông trọn vẹn. Chính tình yêu mới làm cho mỗi kitô hữu nhận biết Thiên Chúa là vị Mục tử nhân lành. Đồng thời trong tình yêu mà Thầy Giêsu biết đến từng người để chăm sóc và ủi an trong mọi biến cố cuộc đời. Để rồi từ đó, đoàn chiên mới chọn và theo Thầy, quyến luyến cách mật thiết không muốn rời xa Người.

Vị mục tử đó luôn lo lắng, chăm sóc cho đoàn chiên của mình, không bao giờ để chiên nào bị bỏ rơi. Bảo vệ đoàn chiên tránh xa mọi nguy cơ thú dữ ác tà, Thầy Giêsu lên tiếng « không ai cướp được chúng ». Thầy đã nghĩ tới cuộc giao chiến khốc liệt mà Người phải đương đầu trong cuộc khổ nạn, bảo vệ đến cùng đoàn chiên bằng chính đời sống của mình. Người gắn bó liên kết với đàn chiên, ràng buộc đời mình vào sinh mạng đoàn chiên trong một yêu thương không gì có thể tách rời. Và đỉnh cao của trao ban, Thầy dẫn dắt đoàn chiên đến suối nguồn sự sống niềm vui vĩnh cửu. Sự sống này, như thánh Cyrille thành Alexandrie giảng dạy, không phải « chỉ là chuỗi ngày nối tiếp nhau mà chúng ta dù là người tốt hay xấu cũng đều sở hữu sau khi sống lại, nhưng phải hiểu đây là sống trong niềm vui. Ta cũng có thể hiểu “sự sống” này theo nghĩa bí tích Thánh Thể. Nhờ Bí tích Thánh Thể, Đức Kitô tháp nhập chúng ta vào chính sự sống của Người, các tín hữu được thông phần vào chính xác thịt Người, như lời Người phán : ‘Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì sẽ có sự sống đời đời’ (Ga 6,54) ».

Và kitô hữu là thành phần trong đoàn chiên của Thầy, để có thể lãnh nhận sự ân cần chăm sóc, lo lắng và bảo vệ từ Người, cần biết-lắng nghe và bước theo chân Thầy, can đảm mạnh dạn đi trên con đường Thầy đã đi qua. Nói cách khác, mỗi kitô hữu không phải là người thụ động theo kiểu trao ban và nhận, xin và cho, nhưng là tương quan hai chiều trong một quyết định tự do và quyết tâm sống trọn vẹn với lựa chọn đó : tin và phó thác hoàn toàn cuộc đời vào sự dẫn dắt của vị Mục tử nhân lành ; lắng nghe và sống, thực hành theo Lời dạy yêu thương của Người.

Tôi là Mục tử nhân lành, lời dịu ngọt của Thầy Giêsu luôn vang vọng trong tâm hồn. Hãy bằng cuộc sống hằng ngày của mình để âm hưởng tạ ơn luôn mãi : Tôi là một kitô hữu…

Lm. Jos. Phạm, SCJ