CN.IV.MV.A
Emmanuel, Thiên Chúa ở giữa chúng ta
(Is 7, 10-14; Rm 1, 1-7; Mt 1, 18-24)
Vào mỗi dịp Giáng Sinh, ai nấy đều sắp xếp chuẩn bị cho mình khoảng thời gian hưởng lễ khác nhau. Riêng kitô hữu không thể thiếu là đi một vòng ngắm xem hang đá ở các nơi: có họa sĩ kia chuyên về trang trí nội thất đến thăm hang đá rồi lắc đầu. Dường như, những màu sắc và cách bài trí không vừa mắt, nhìn một chút rồi ông bỏ đi; rồi có kiến trúc sư đi dạo một vòng xem hang đá, ông cũng nhìn cũng ngắm rồi lại lắc đầu bỏ đi. Có lẽ hang đá không được thiết kế đúng với kỹ thuật kết cấu; nhà điêu khắc tượng thánh đến ngắm nhìn, ông để ý từng góc cạnh của các bức tượng. Ông đứng ngắm nhìn lâu hơn, tỉ mỉ từng bức tượng rồi cũng lắc đầu bỏ đi. Chắc là ông thấy nhiều lỗi cả về thẩm mỹ lẫn sự hài hòa từng đường nét; những đôi thanh thiếu niên nam-nữ cũng tay trong tay dạo nhanh một vòng rồi đến phố đi bộ, các trung tâm thương mại. Tại những nơi này được trang hoàng rực rỡ đầy hấp dẫn, lãng mạn hơn nên đến để chụp hình selfie; rồi cũng có một em thiếu nhi bước chân tập tễnh theo bà đến chiêm ngắm hang đá khá lâu. Em liền nhờ bà bế vào trong hang đá, cởi áo khoác ra đắp cho Chúa Hài Đồng.
Mọi người đứng xung quanh đều ngạc nhiên và cười nhưng sau đó cảm thấy ấm lòng. Một cử chỉ đơn sơ nhỏ bé nhắc nhở mọi người ý nghĩa và giá trị ngày mừng đại lễ Giáng Sinh, mừng sinh nhật Ngôi Hai Thiên Chúa làm người: Không còn là những thú vui, ăn chơi đó đây; không còn “thánh soi” khen – chê đẹp xấu, mà khám phá và tái khám phá lại hồng ân Emmanuel.
Theo tục lệ cưới hỏi Do Thái thời đó, để thành vợ thành chồng, đôi nam nữ phải trải qua ba giai đoạn: hai gia đình tiếp xúc với nhau, đồng ý cho đôi nam nữ tiến tới hôn nhân; đính hôn hay hứa hôn. Kể từ đây, đôi nam nữ được coi như vợ chồng, nhưng chưa được sống chung mà là khoảng thời gian trao đổi nói chuyện để hiểu và hình thành tương quan yêu thương. Mối liên hệ này chỉ được hủy bỏ khi một trong hai người qua đời, hoặc khi tuyên bố ly dị; lễ cưới, đôi nam nữ chính thức là vợ chồng và bắt đầu sống chung với nhau. Khi Maria thụ thai bởi quyền năng Thánh Thần và Giuse được sứ thần báo mộng, thì hai người đang ở giai đoạn thứ hai chính là đính hôn.
Trước khi được sứ thần báo mộng, Giuse thấy Maria là người bạn đã đính hôn với mình có thai thì hiểu rằng Maria đã ngoại tình. Chắc chắn Giuse rất bối rối, buồn phiền, thậm chí thấy mình bị xúc phạm mãnh liệt. Theo luật dân sự, trong trường hợp này, Giuse có quyền từ hôn và có thể tố cáo Maria, để rồi có thể xử tử nàng bằng cách ném đá cho đến chết, theo Đnl 22, 23-24. Không làm như thế, Giuse chỉ định tâm bỏ nàng cách kín đáo, cho đến khi được sứ thần báo mộng. Giuse đã chấp nhận đem Maria về nhà bất chấp dư luận không hay về mình. Vì Giuse làm như thế, dư luận sẽ cho rằng: hoặc hai người đã quan hệ vợ chồng một cách bất chính trước khi được phép, điều này chứng tỏ hai người thiếu đạo đức; hoặc Giuse đã chấp nhận chuyện “người ta ăn ốc, mình đổ vỏ”, bị “cắm sừng”. Do đó, việc đón nhận Maria là sự can đảm, hy sinh, và tình thương yêu đối với Maria là chân thật và mãnh liệt. Một chất sống công chính, cao thượng, biết tuân phục thánh ý Thiên Chúa là đây.
Một tình yêu vị tha giúp Giuse đi ra khỏi chính mình để hướng về người mình yêu, sẵn sàng hy sinh để làm người mình yêu có giá trị hơn và được hạnh phúc hơn; sẵn sàng chấp nhận mình thiệt thòi để người mình yêu được lợi, chấp nhận đau khổ để người mình yêu hạnh phúc. Nên, Giuse đã lắng nghe và thực hiện lời truyền của sứ thần: “Đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1, 20). Thánh Giuse đã ngại và trăn trở về việc đón nhận Maria, giờ đây ngại không phải vì những lý do của “miệng đời” nhiều chuyện nhưng là biết có sự can thiệp cao trọng từ Thiên Chúa. Giuse cảm thấy mình nhỏ bé và bất xứng để đón nhận: không xứng đáng làm cha một đứa trẻ mà nguồn gốc xuất phát không do con người mà do thần linh; làm chồng của một người đã được hiến thánh cho Thiên Chúa trong công cuộc cứu độ.
Để rồi, lời ngôn sứ Isaia nói về Đấng Emmanuel hoàn toàn được ứng nghiệm khi thánh Giuse đón đức Maria về nhà mình. Cũng chính từ đây, Hài nhi Giêsu bước vào dòng họ vua David, tiếp tục làm nên những kỳ công vĩ đại của Thiên Chúa. Được như thế, nhờ có công rất lớn của thánh cả Giuse.
Ngôi Hai Thiên Chúa, Đấng phải đến đã đến mặc lấy xác phàm, trở nên con người như mọi người. Ngài cũng sống trong gia đình, có cha có mẹ, có anh chị em, sống trong xã hội có vua quan, có phép tắc, luật lệ không khác biệt với bất cứ ai. Ngài đã hoàn toàn “trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế”(Pl 2, 7), cũng “sinh làm con của một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật”(Gl 4, 4), cũng “phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục”(Dt 5, 8-9). Vì thế, Ngài “không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội”(Dt 4, 15-16).
Immanuel/עִמָּנוּאֵל Thiên Chúa ở giữa chúng ta, hãy cùng nhau cảm nghiệm, cùng nhau khám phá và cùng được sống với Ngài – trong Ngài…
Lm. Jos. PHẠM, SCJ
Tin cùng chuyên mục:
Các bài Suy niệm Lễ Đức Mẹ Mân Côi: Con Thiên Chúa xuống thế để ở với con người
Chúa nhật XXVI thường niên năm A: Đường lối của Thiên Chúa và của con người
Ngày 30/09: Thánh Giêrônimô, Linh mục – Tiến sĩ Hội Thánh
Thứ bảy tuân XXV thường niên: Phải vượt gian khổ mới hy vọng đạt được vinh quang