Khai mở năm Hồng Ân…
(Nhm 8, 2-4a.5-6.8-10; 1 Cr 12, 12-30; Lc 1, 11-4 ; 4, 14-21)
Sau khi nghe giảng về Thiên Chúa là Cha nhân lành, là Đấng đầy lòng thương xót, một kitô hữu không đồng tình với vị giảng thuyết. Đầu óc ông quay cuồng bởi những câu hỏi như: Làm sao người ta có thể tin Thiên Chúa là Đấng nhân lành khi Chúa nhắm mắt làm ngơ trước biết bao nhiêu người đau khổ, tuyệt vọng mà không ban cho họ chút ủi an hay một niềm hy vọng? Làm sao người ta tin được Thiên Chúa là Đấng đầy lòng thương xót khi có biết bao người phải chịu cảnh giam cầm trong ngục tù, trong sự trói buộc của các đam mê mà không được giải thoát? Thật khó tin có Thiên Chúa là Đấng tốt lành khi Người để cho những người mù, nhất là mù tối trong tâm hồn, không được nhìn thấy ánh sáng chân lý. Và, bao nhiêu người bị áp bức, bị gông cùm, tại sao không được Chúa giải thoát?
Đêm hôm ấy, trằn trọc không ngủ được vì những câu hỏi như thế trong đầu, ông ta chợt nhận ra câu đáp của Thiên Chúa từ trong vắng lặng của màn đêm:
– Ta đã ra tay rồi, sao con còn trách Ta?
– Chúa ra tay lúc nào đâu? Chúa đã làm gì để cứu vớt những người tuyệt vọng, những người bị giam cầm, những người mù tối, những người bị áp bức?
– Ta đã dựng nên con và đặt con hiện diện giữa lòng đời để con thay Ta hành động. Sao còn trách Ta?
Có một điều quan trọng nhưng thường bị lãng quên: mỗi kitô hữu là những cánh tay, là những bàn tay của Thiên Chúa và Thiên Chúa hành động, thực hiện mọi việc qua từng người. Thiên Chúa có làm gia tăng số người trên mặt đất thì Người cũng thực hiện việc đó qua trung gian một người cha và một người mẹ trong gia đình. Thiên Chúa muốn nuôi dạy cho thế hệ trẻ nên tốt thì Ngài cũng thực hiện điều đó qua cha mẹ thầy cô. Và như thế, mỗi kitô hữu đã quên năm Hồng Ân được chính Thầy Giêsu công bố khai mở, triều đại ngự trị của Thiên Chúa, Vua Tình Yêu-Niềm Vui và Hạnh Phúc đã đến.
“Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh thánh mà qúy vị vừa nghe”(Lc 4, 21). Theo đó, Thầy xác nhận mình chính là Messia mà ngôn sứ Isaia đã loan báo từ lâu. Với tư cách là Messia được xức dầu tấn phong, Thầy được sai đi loan báo Tin Mừng cho mọi người, nhất là những người nghèo hèn, khốn khổ… và công bố năm hồng ân của Thiên Chúa. Sứ vụ của Thầy là mở ra một kỷ nguyên hồng ân, nghĩa là kỷ nguyên của Tin Mừng.
Đúng thế, hôm nay chứ không phải hôm qua hay tương lai, Thầy mở ra kỷ nguyên năm hồng ân bắt đầu từ giây phút hiện tại: là thời đại mà chính Thiên Chúa can thiệp trực tiếp vào lịch sử nhân loại để tuôn trào hồng ân Cứu Độ, là thời đại của chạnh lòng thương mang vẻ trong sáng của mùa Xuân mới là bởi vì có một sự đồng điệu, thấu hiểu và chia sẻ trọn vẹn đến với mọi tầng lớp nhân loại. Đặc biệt càng thấp bé càng cảm nghiệm sâu sắc hơn: những dân cư khiêm tốn, quê mùa, những ngư phủ mộc mạc tỏ ra hạnh phúc và tự hào vì có một vị tiên tri xuất hiện giữa họ, xuất thân từ giai cấp họ; một người hiểu được họ, biết được nếp sinh hoạt của họ, chia sẻ số phận của họ, đồng thời lại cao cả hơn họ, nói năng rõ ràng, hướng dẫn sáng suốt và hành động vì lòng thương yêu.
Ngôi Hai Thiên Chúa đến không chỉ ban bình an trong đời tạm mà còn là bình an vĩnh cửu.Thầy Giêsu đến để giải phóng con người một cách toàn diện, cả tâm linh lẫn thể xác, cả cá nhân đến xã hội với ba chiều kích: chân lý, công lý và tình thương (Mt 23, 23). Về đời sống thiêng liêng, Thầy giải phóng con người khỏi ách thống trị của tội lỗi, của lề luật, của thói hư tật xấu, khỏi tính yếu đuối của bản tính con người, như Thánh Phaolô chia sẻ: “Chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta” (Gl 5, 1; x. Rm 6, 18; Cl 1, 13). Thầy đến để giải phóng con người khỏi mọi gông cùm thể chất: “Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 7, 24-25). Về mặt xã hội nhân sinh, Thầy đến thực hiện một xã hội lý tưởng là Nước Trời, không chỉ tại thiên mà còn tại thế, trong đó mọi người đối xử với nhau bằng chân lý, công lý và tình thương.
Thế nhưng, năm hồng ân đó luôn bền vững còn cần sự chung tay của mỗi kitô hữu: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Gioan 20, 21). Một lời sai đi cũng là lời mời gọi từng người đưa ra quyết định dứt khoát: Hoặc là chấp nhận ở lại trong nhiệm thể Thầy Giêsu, trở thành cánh tay nối dài tiếp tục sứ mạng của Người; hoặc tự cắt lìa mình ra khỏi Thầy để không cộng tác hiện thực hóa năm hồng ân Nước Trời tại trần gian.
“Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4, 18-19), và “như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Gioan 20, 21). Mỗi kitô hữu Việt đang sống những ngày cuối năm Tân Sửu, hãy luôn là cánh tay nối dài của Thiên Chúa khai mở năm mới hồng ân Nhâm Dần của Chân – Thiện – Mỹ, của chân lý, công lý và bác ái…
Tin cùng chuyên mục:
Dự án Nhà Mẹ Lavang-Fatima và đại lễ khánh thành và làm phép tượng đài Đức Mẹ Lavang-Fatima do Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng chủ tế
Ngôn ngữ của tình yêu
Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới Truyền giáo 2023
Thứ tư tuần XXVI thường niên, Thánh Phaxicô Assisi: Không có gì quí hơn là Thập Giá của Đức Kitô