CN.III.MV.C

57 lượt xem Suy Niệm
maxresdefault 16

Hãy vui luôn…
(Xp 3, 14-18; Pl 4, 4-7; Lc 3, 10-18)

 

Có một cuộc nói chuyện trao đổi giữa một người tân tòng và một người niềm tin tôn giáo khác:

– Anh đã theo đạo Công giáo rồi sao?
– Vâng, nói đúng hơn là tôi theo Ðức Kitô.

– Vậy xin hỏi anh, ông ta sinh ra trong quốc gia nào?
– Rất tiếc là tôi đã quên mất chi tiết này.

– Thế khi chết, ông ta được bao nhiêu tuổi?
– Tôi cũng không nhớ rõ nên chẳng dám nói.

– Vậy ông ta đã thuyết giảng bao nhiêu bài?
– Tôi không biết!

– Trời ạ, anh biết quá ít, quá mơ hồ để có thể quả quyết là anh đã thật sự đi theo ông Kitô!
– Anh nói đúng một phần, tôi rất hổ thẹn vì mình đã biết quá ít về Ðức Kitô. Thế nhưng, điều mà tôi biết rất rõ là thế này: Ba năm trước, tôi là người nghiện rượu, sáng say chiều xỉn, nợ ngập đầu ngập cổ. Gia đình tôi xuống dốc một cách kinh khủng. Mỗi tối khi trở về nhà, vợ con tôi đều tức giận và buồn tủi. Thế mà bây giờ, tôi đã dứt khoát bỏ rượu và đã cố gắng trả được hết nợ, gia đình tôi đã tìm lại hạnh phúc, các con tôi trông ngóng, chờ tôi về sau giờ mỗi tan sở. Những điều này không ai khác hơn, chính là Đức Kitô đã làm cho tôi. Và, đó là tất cả những gì tôi biết về Người.

Cuộc đời mỗi kitô hữu không hệ tại những kiến thức hiểu biết về Thiên Chúa, những thông tin xoay quanh vị Thầy Giêsu nhưng là: sống theo lời Thầy dạy, được biến đổi trở nên giống Thầy hơn; sống theo tinh thần của Tin Mừng đã được đón nhận, nghĩa là luôn sống trong Niềm Vui trọn vẹn trong mọi biến cố cuộc đời. Để có thể đạt được, mỗi kitô hữu khởi đầu ngày mới cần đặt cho mình câu hỏi: “[Chúng] tôi phải làm gì đây?” (Lc 3, 4). Gioan Tẩy Giả, tiếng hô vang trong hoang địa, mời gọi gửi đến mọi thành phần dân tuyển chọn: hãy sống bác ái và công chính.

Đối với những ai đang sống đời công chính, đừng cứng ngắc với những nguyên tắc công bình đặt ra cho bản thân, nhưng cần tiến bước xa hơn: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy”. Một thực hành sống thiết thực không cao vời ngoài tầm với nhưng là: để xét xem những cách tuyên xưng đức tin của bản thân có đúng hay không thì không nên kiểm tra tính xác thực có vẻ lý thuyết của chúng trong sách vở…, tốt hơn là hãy nhìn vô tủ áo, tủ chứa đồ ăn, những ngăn kéo và trương mục ngân hàng của bạn. Hãy chia sẻ và cụ thể hơn nữa, chia sẻ một nửa những gì mình có!

Cũng trong đám đông còn có hai nhóm người bị ghét nhất thời đó: thu thuế và lính tráng. Trong tâm thức người dân bấy giờ mà có lẽ ngày nay cũng vậy, họ là những người ít tư cách nhất để đón tiếp Đấng Messiah, những người sống ngoài xã hội và bị khinh bỉ, những người tội lỗi nhất, những hạng người “đểu cáng”. Gioan Tầy Giả đã không khuyên họ phải đổi sang làm nghề khác được cho là công chính hơn, nhưng chỉ cần có cung cách sống mới, tôn trọng công lý, không lạm dụng sức mạnh mình có trong tay, bằng lòng với những gì mà quyền lợi và luật pháp đã quy định. Tất cả những lời khuyên trên đây thuộc lãnh vực nghề nghiệp. Chúng nhằm đến những tội lỗi, mà người thu thuế và binh lính thời bấy giờ thường hay vấp phạm: làm giàu bằng cách lợi dụng tư thế bất khả xâm phạm do nghề nghiệp của mình, lợi dụng thế mạnh nhất của mình đang nắm giữ. Cụ thể: “đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh” và “chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình” (Lc 3, 13-14). Gioan Tẩy giả luôn suy nghĩ khác với dân Israel, ngài quảng đại đón tiếp và chỉ đòi hỏi họ những gì thực tế để giữ đời sống tiết độ đúng mức. Những nghề nghiệp khác nhau tự bản chất không phải là xấu, cách thực hiện công việc của mình mới là thước đo hoa trái xấu-tốt. Cũng thế, binh quyền không xấu và chẳng có gì đáng chê trách khi phục vụ đời sống chung của xã hội, giữ vững mực thước “là đầy tớ của nhân dân”. Chính việc dùng sức mạnh theo sở thích, theo lợi ích cá nhân hay nhóm và hơn nữa là để thực hiện được những tham vọng âm thầm bất chính, mới là điều xấu tai hại.

Niềm vui thật sự chỉ đến một cách bền vững với những ai sống đời công chính và bác ái. Bên cạnh đó, con người ngày nay do lối sống tục hóa, thực dụng đến vô cảm theo kiểu “mưa dần thấm lâu” nên hiểu sai dần giá trị đích thực của niềm vui. Họ trộn lẫn giữa niềm vui và sung sướng thành “vui sướng”: niềm vui thuộc về tâm hồn luôn kéo dài mãi bất chấp mọi biến cố xảy đến, bởi vì đó chính là hoa trái của hạnh phúc và bình an; còn sướng lại thuộc về lạc thú thể xác mau tàn, chóng qua và dễ dàng chán khi đạt được. Ta có thể ngán ngẩm sướng sau khi có nó nhưng không bao giờ chán nản niềm vui…

Hãy cùng nhau thắp lên ngọn nến hồng tuần thứ 3 mùa Vọng: Niềm vui từ nếp sống công chính và bác ái. Lời mời gọi tông đồ Phaolô đang vang vọng: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Thiên Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em!” (Pl 3, 4)…