Hãy vui mừng luôn mãi…
(Is 61, 1-2a.10-11; 1 Tx 5, 16-24; Ga 1, 6-8.19-28)
Càng gần đến ngày mừng Sinh Nhật Ngôi Hai, bầu khí càng bận rộn và khẩn trương hơn nơi các họ đạo, nơi các gia đình để trang hoàng thật đẹp những Hang Đá, nhà, đường, khu phố. Những món quà, xếp lịch vui chơi với bạn, những chiếc bánh gâteau, tiệc mừng, bài hát thơ mộng bên ánh đèn lung linh… tất cả như đẩy bầu khí rộn ràng lên cao. Tuy nhiên với lối sống tục hóa, người ta chỉ tìm cho mình nụ cười, giây phút thoải mái nghỉ ngơi, khoảng thời gian ngắn được lặp lại hàng năm để thỏa mãn một gì đó. Chính vì thế, câu hỏi đặt ra là : lễ Giáng Sinh có thể được làm nên bởi những thứ đó, nhưng những chuẩn bị này có phải là lễ Giáng Sinh không? Câu trả lời chắc chắn là không phải và không thể.
Bởi vì, đây là ngày mừng Sinh Nhật một Con Người hiện diện giữa-với và trong mọi người. Con Người ấy được nhận diện không phải bằng những lời giới thiệu, những bài giảng, các nghi lễ, hay những trang hoàng, những bữa tiệc mừng, những gặp mặt, những khoảng thời gian thư giãn thỏa mãn, nhưng là sự hiện diện của Đấng Tối Cao: Ta là Đấng Hằng Hữu. Sự hiện diện đó cũng không phải là những việc làm chấn động trong thiên hạ, gây bao kinh ngạc và thán phục, cũng không phải bằng những việc làm ngoạn mục xuất chúng theo kiểu thế gian. Nhưng đây là một hiện diện trong đơn sơ nghèo nàn tại hang lừa máng cỏ. Nhẹ nhàng, êm ái không kèn trống đón rước nhưng lại là Đấng Cứu Đời thoát khỏi mọi ràng buộc, trở về với căn tính tự do đích thực, đạt được Niềm Vui trọn vẹn.
Niềm Vui đó được Gioan Tẩy Giả loan báo: “nhưng giữa các ngươi, có Ðấng mà các ngươi không biết. Ðấng ấy sẽ đến sau tôi, nhưng chính Ðấng ấy đã có trước tôi và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người” (Ga 1, 26-27). Như các tư tế, Lêvi hay giới biệt phái, nhiều người đặt câu hỏi Gioan Tẩy Giả là ai và làm sao để có thể tin được lời ông nói là sự thật?
Mỗi người khi chào đời đều được đặt tên với những ý nghĩa riêng. Trong Kinh Thánh, những tên gọi lớn và phổ quát rất giàu ý nghĩa phản ánh căn tính của cá nhân, một sứ mạng hay hoạt động của người mang tên. Gioan được viết trong tiếng Do Thái cổ là ‘יוחנן/Yohanan’, còn Hi Lạp cổ Ιωάννης/Yoannès, tên Gioan trong cả hai ngôn ngữ viết Kinh Thánh Cựu-Tân Ước mang ý nghĩa: Yhavé Thiên Chúa có lòng từ bi, nhân hậu; Thiên Chúa biểu lộ tình thương. Tình thương ấy đã bước xuống nỗi sầu khổ của một gia đình, để biến nỗi tủi nhục ở đó trở thành niềm vui. Chính dấu ấn tình thương ấy đã biến đổi lòng dạ son sẻ của Elisabét thành tấm lòng hoan hỷ nhảy mừng của thai nhi ở tháng thứ sáu. Để rồi, cũng chính tình thương Thiên Chúa đã biến đổi gia đình Dacaria héo hon từ lâu, bỗng trở nên rộn rã kẻ ra người vào với tiếng cười, lời chúc mừng.
Thế nhưng, tình thương Thiên Chúa không dừng lại, không chỉ bước xuống nơi gia đình Dacaria sầu khổ, mà còn đi xuống, xuống với một dân tộc và với toàn thể nhân loại: Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể.
Gioan trước mọi chất vấn đều khiêm tốn trả lời và chỉ nhận mình chỉ “là tiếng kêu trong hoang địa” (Ga 1, 23), và đơn giản chỉ là người “đến để làm chứng, và làm chứng về Ánh Sáng” (Ga 1, 7). Gioan đã sống trung thực trong lời nói về chính mình, không dám nhận những vinh quang mà người đời gán cho; ông trung thực với lòng mình nên ngài đã vui lòng chấp nhận một cuộc sống khổ hạnh, không phô trương, không giả dối; và, trung thực trong những phán đoán về người khác, không sợ khi phải thẳng thắn khuyên vua Hêrôđê không đựơc phép lấy vợ của anh mình dù phải trả giá bằng cái chết chẳng toàn thây. Chính sự trung thực ấy đã làm sáng lên cuộc đời chứng nhân của mình.
Có câu chuyện về hai chú mèo: con mèo mẹ thấy mèo con đang đuổi theo cái đuôi của chính nó nên hỏi : “Này con, con làm gì vậy? Tại sao con lại đuổi theo cái đuôi của con như vậy?”. Mèo con trả lời: “Con nghe cô giáo nói rằng cái tốt nhất đối với một con mèo là niềm vui và niềm vui của con mèo ở trong cái đuôi của nó. Vì vậy mà con đuổi theo cái đuôi của con. Khi nào con bắt được, con sẽ có niềm vui!”. Mèo mẹ trả lời: “Này con, đúng là niềm vui ở trong cái đuôi của loài mèo. Nhưng mẹ nhận rằng mỗi khi ta đuổi theo cái đuôi, thì không thể nào ta bắt được. Trong khi đó, nếu ta làm một việc khác nhất là khi ta lo lắng cho đồng loại khác, thì cái đuôi của ta đi theo ta bất cứ nơi đâu!”.
Mỗi kitô hữu được mời gọi trở nên Gioan Tẩy Giả khác làm chứng về Ánh Sáng bằng cả cuộc đời trung thực thể hiện trong lòng về Thiên Chúa biểu lộ tình thương. Sống vì Niềm Vui trọn vẹn được lãnh nhận, niềm vui đó không phải là mục đích mà là kết quả như trong lời khuyên của mèo mẹ: Niềm vui ở trong cái đuôi của ta nhưng không thể nhìn thấy và nắm bắt được. Niềm vui đó chỉ được tìm thấy khi tạo niềm vui cho người khác, bằng cách đặt cơ sở đời sống của mình trên tình thương yêu để có thể nhìn thấy cụ thể những thiếu vắng của người khác; thoát khỏi bản thân mình, thoát khỏi tìm kiếm niềm vui riêng tư để tạo niềm vui cho người khác. Hãy đan dệt Niềm Vui trọn vẹn trong bản thân từ những kiến tạo niêm vui nho nhỏ cho mọi người… để rồi từ đó đạt đến “vui mừng luôn mãi” (1 Tx 5, 16)…
Tin cùng chuyên mục:
Thứ ba tuần XXVI thường niên: Phản ứng của con người khi gặp trái ý hay đau khổ
Thứ hai tuần XXVI thường niên-Các Thiên thần hộ thủ, Lễ nhớ
Các bài Suy niệm Lễ Đức Mẹ Mân Côi: Con Thiên Chúa xuống thế để ở với con người
Chúa nhật XXVI thường niên năm A: Đường lối của Thiên Chúa và của con người