Hết sẩy nhưng lại sẩy hết…
(Is 62, 1-5; 1 Cr 12, 7-11; Ga 2, 1-11)
Có một chị kia muốn lập gia đình với một anh thanh niên trong xứ, muốn hỏi ý kiến cha xứ xem chị ta có nên lấy anh ấy không.
Cha hỏi : Anh ấy thế nào ?
Chị thưa : Anh ấy có bằng Thạc sĩ, cha ạ.
Cha xứ trả lời : Hết sẩy, còn gì nữa ?
– Anh ấy chơi dương cầm hay lắm.
– Hết sẩy, thật tuyệt vời.
– Anh ấy là hoạ sĩ nữa.
– Hết sẩy !
– Anh ấy lại có tài ngoại giao nữa.
– Hết sẩy !
– Anh ấy lại là con nhà giàu nữa .
– Hết sẩy.
– Nhưng còn một điều con hơi thắc mắc, đó là anh ta khô khan không xưng tội rước lễ!
Cha xứ trợn mắt, lắc đầu : Ôi, sẩy hết!
Câu chuyện phần nào diễn tả những chuẩn mực để nên duyên vợ chồng ngày nay, không chỉ về môn đăng hộ đối nhưng còn là những điều kiện về đời sống vật chất để có thể được đổi đời. Cũng chính vì thế mà hạnh phúc gia đình dường như càng ngày càng thiếu, dẫn đến bao hệ lụy từ sống thử, chỉ muốn làm mẹ đơn thân, ly dị vì bất đồng không thể chịu nổi, đến sợ và không dám lập gia đình. Để rồi các giai đoạn của tình yêu được miêu tả: từ bí mật đến thân mật, sau đó bước vào trăng mật để rồi… dập mật. Đây có thể coi là kết quả của mưa dầm thấm lâu khi luôn sống trong một xã hội chạy theo đời tục hóa, thực dụng cũng như những triết lý vô thần, gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời. Cùng quay trở về tiệc cưới tại Cana để trở về yêu thương gia đình được Thiên Chúa chúc phúc.
Một tiệc cưới theo truyền thống Do Thái thời đó thường diễn ra trong 7 ngày, thế nhưng mới đến ngày thứ ba (Thầy Giêsu Phục Sinh bày tỏ vinh quang Thiên Chúa chiến thắng sự chết) thì hết rượu. Thật là một tai hoạ bất ngờ, chủ tiệc vô cùng bối rối khó xử, gây xấu hổ và có cả ô nhục vì niềm vui không được trọn vẹn. Duy chỉ có Mẹ Maria nhận ra được tình thế gay go ấy. Sự nhạy cảm và lòng thương yêu của tình mẫu tử đã khiến Mẹ mạnh dạn thưa với Thầy Giêsu : “Họ hết rượu rồi” (Ga 2, 3), một câu nói với ngụ ý không chỉ là nài xin kín đáo nhưng lồng vào đó còn là sự tin tưởng, phó thác khó khăn của gia đình trẻ này vào Thầy. Lời đáp trả của Thầy Giêsu thật lạ và ngạc nhiên, sửng sốt : “Tôi với bà có can chi ? Giờ tôi chưa đến” (Ga 2, 4). Một câu trả lời với những xưng hô khiến ta dễ hiểu lầm Thầy thật bất hiếu với người mẹ của mình, thế nhưng thật ra Thầy muốn xác quyết tính siêu việt của Người : Hoàn toàn lệ thuộc Chúa Cha khi nói đến “giờ tôi chưa đến”.
Chắc hẳn Mẹ cũng không hiểu rõ chữ “Giờ” ở đây nghĩa là giây phút vinh quang của Thầy Giêsu sau cuộc tử nạn và phục sinh. Tuy nhiên, Mẹ vẫn hoàn toàn tin tưởng vào sự can thiệp Con của Mẹ, Mẹ mong Con làm một điều gì đó : “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2, 5). Thế là, Thầy Giêsu quyết định thực hiện một phép lạ đầu tiên trong cuộc đời công khai rao giảng, một phép lạ kiểu mẫu của các phép lạ kế tiếp. Tuy “Giờ” tôn vinh chưa đến, nhưng ngay lúc này, Người muốn biểu lộ giờ vinh quang đó qua dấu chỉ hóa nước thành rượu để “các môn đệ tin vào Người” (Ga 2, 11).
Quay trở về với hôn nhân gia đình ngày nay, có thể nói đang có một cuộc khủng hoảng lớn : số người lập gia đình rồi li dị càng ngày càng nhiều ; nhiều người trẻ không muốn lập gia đình ; một số người chủ trương nếu thích nhau thì cứ sống chung với nhau, đến khi nào không thích nhau nữa thì chia tay, cần gì mà phải cam kết sống chung suốt đời. Bên cạnh đó là xây dựng gia đình không thật sự đặt trên nền tảng của yêu thương mà là chức quyền, danh vọng, tiền của, sắc dục, những thứ đó dễ bị mai một và nếu không còn những thứ đó thì hôn nhân dễ dàng đi đến đổ vỡ. Bên cạnh đó là những thử thách của yêu thương, ngày mới cưới, tình yêu vợ chồng thắm nồng như ly rượu tân hôn, nhưng chẳng bao lâu sau, rượu nhạt tình phai, thậm chí còn thiếu rượu.
Những khi gặp thử thách như thế, hãy ôn nhớ lại tiệc cưới Cana, dù “giờ” chưa đến nhưng đứng trước những thử thách của hôn nhân, Thầy Giêsu đã luôn bên cạnh can thiệp qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria, để rồi 6 chum nước (khoảng 80-120l) đã biến thành rượu ngon dư đầy, men nồng say sưa để niềm vui của gia đình cũng như khách dự tiệc được trọn vẹn. Ngày nay, Mẹ vẫn nói nhỏ với Thầy Giêsu : “Họ hết rượu rồi”; để cho bao mối tình đang nhạt phai được trở nên nồng thắm và tràn đầy tin yêu; để cho bao gia đình thiếu vắng tình yêu được củng cố và thuận hoà yêu thương; để cho bao tâm hồn đang chao đảo giữ vững được niềm tin và hy vọng…
Giáo dân Châu Âu xưa kia có một câu tục ngữ: “Nếu bạn đi du lịch bằng đường bộ, bạn hãy đọc một kinh Kính Mừng. Nếu bạn đi du lịch bằng đường biển, bạn hãy đọc hai kinh Kính Mừng. Nếu bạn đi cưới vợ, lấy chồng, bạn hãy đọc một trăm kinh Kính Mừng”. Đời sống hôn nhân gia đình không phải chỉ là một chuyến du lịch mà là cả một cuộc hành trình đến mãn đời. Không có sự hiện diện của Thiên Chúa, không có Đức Mẹ, vợ chồng khó lòng trung thành với nhau trọn tình vẹn nghĩa thủy chung được, nhất là những khi thiếu rượu nồng tình yêu.
Hãy luôn đến với Thầy Giêsu qua lời chuyển cầu của Đức Mẹ, để yêu thương gia đình hết sẩy sẽ không bao giờ trở thành sẩy hết…
Tin cùng chuyên mục:
Thứ ba tuần XXVI thường niên: Phản ứng của con người khi gặp trái ý hay đau khổ
Thứ hai tuần XXVI thường niên-Các Thiên thần hộ thủ, Lễ nhớ
Các bài Suy niệm Lễ Đức Mẹ Mân Côi: Con Thiên Chúa xuống thế để ở với con người
Chúa nhật XXVI thường niên năm A: Đường lối của Thiên Chúa và của con người